Hàn Quốc lạm phát bữa tối

Admin

"Mỗi lần thanh toán, tôi lại thấy mình phải bỏ bớt một thứ gì đó”, một người dân phàn nàn.

Cho Su-rim, nhân viên văn phòng 33 tuổi, đứng suy nghĩ hồi lâu giữa hai kệ sữa trong siêu thị. Sau cùng, cô quyết định bỏ qua sữa tươi nội địa quen thuộc để chọn dòng tiệt trùng nhập khẩu, rẻ hơn gần một nửa.

Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI - thước đo chính của lạm phát tại Hàn Quốc) đã duy trì quanh mức 2% kể từ tháng 8/2024. Đây rõ ràng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế xứ sở kim chi đang dần thoát khỏi bóng ma lạm phát sau đại dịch, song với Su-rim, đây chỉ là con số xa rời thực tế.

“Tôi không thấy giá cả giảm chút nào. Tôi đã chuyển sang dùng sữa tiệt trùng nhập khẩu thay vì sữa nội địa để tiết kiệm. Tôi cũng mua số lượng lớn mỗi lần để cố giữ ngân sách”.

Kim Jin-young, bà nội trợ sống tại Seoul (Hàn Quốc), cũng cho biết ngân sách đi chợ hiện tại chỉ dừng ở mức 30.000 won/tuần (khoảng 600 nghìn đồng).

“Tôi phải bỏ phần thịt thăn quen thuộc để chuyển sang thịt bắp, thậm chí có tuần chỉ mua chả thịt giá rẻ về cho gia đình ăn tối”, cô nói.

Cô Lee Hye-ja, một người nội trợ 53 tuổi sống tại Seoul, thì chia sẻ với Reuters rằng mỗi chuyến đi siêu thị của cô giờ là một bài toán chi ly: “Trước đây tôi chi khoảng 50.000 won cho thực phẩm trong tuần, giờ số tiền đó chỉ đủ mua rau củ trong ba ngày. Mỗi lần thanh toán, tôi lại thấy mình phải bỏ bớt một thứ gì đó”.

Hàn Quốc lạm phát bữa tối- Ảnh 1.

Theo các số liệu mới nhất, mặc dù chỉ số lạm phát tổng thể tại Hàn Quốc đang giảm, giá lương thực – đặc biệt là những mặt hàng phục vụ bữa tối – lại đang leo thang không kiểm soát. Hành lá, một loại nguyên liệu thiết yếu trong mọi căn bếp Hàn Quốc, từng được bán với giá khoảng 875 won một bó, nay đã vượt mốc 4.000 won.

Tâm lý thắt lưng buộc bụng, từ bữa trưa, vì vậy lan rộng đến cả bữa tối - thời điểm từng được người Hàn ưu ái cho những buổi ăn ngoài xã giao, sum họp hoặc tự thưởng. Đối mặt với thực trạng này, nhiều nhà hàng buộc phải hạ giá bữa tối để kéo khách, dù lượng khách sau đó vẫn không cải thiện rõ rệt.

Tại một trung tâm công nghiệp ở Busan, nhà ăn ghi nhận số suất phục vụ giảm mạnh khi bữa tối chỉ có khoảng 40-50 lượt khách. “Chúng tôi đã thử thêm món mì ramen tự phục vụ để thu hút người ăn tối, nhưng hiệu quả không nhiều”, một quản lý chia sẻ.

Văn hóa tụ tập ăn tối, uống vài ly soju – một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội Hàn Quốc – đang dần biến mất. Đằng sau sự thay đổi này là một làn sóng tiết kiệm triệt để đến từ người dân. Họ chọn ở nhà, tự nấu những món ăn đơn giản hơn, thậm chí chuyển sang mua các loại mì ăn liền, đậu phụ, trứng giá rẻ thay vì các loại thịt, cá hay rau nhập khẩu. Một số siêu thị lớn tại Seoul thậm chí phải triển khai các chương trình “giờ vàng” – bán thực phẩm giảm giá sâu vào buổi tối – để đẩy lượng hàng tồn và giúp người tiêu dùng bớt áp lực chi tiêu. Các mặt hàng như gạo, trứng và nước tương – từng được coi là rẻ và dễ tiếp cận – cũng đã tăng giá từ 20 đến 35% trong vòng chưa đầy một năm.

Hàn Quốc lạm phát bữa tối- Ảnh 2.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi các chỉ số kinh tế vĩ mô không phản ánh đúng thực trạng khó khăn này. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc từng tuyên bố rằng mức lạm phát tổng thể đang “ổn định trở lại”, tuy nhiên phân tích sâu vào cấu trúc CPI cho thấy nhóm thực phẩm tại gia đình – bao gồm thực phẩm nấu tại nhà – vẫn có mức tăng đều và mạnh. Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng lại sụt giảm nhanh nhất trong vòng tám tháng, chủ yếu do lo ngại về giá lương thực.

Trong một bài viết trên Korea JoongAng Daily, một người mẹ trẻ chia sẻ rằng cô đã phải cắt giảm các bữa ăn có thịt trong tuần xuống còn 1 lần duy nhất: “Trẻ con thì không hiểu tại sao hôm nào cũng ăn mì hoặc canh rong biển. Nhưng tôi thì hiểu. Mỗi lần đi chợ, tôi đều rơi vào tình trạng chọn giữa sữa hay trứng”.

Câu chuyện này không hề cá biệt, mà đang trở nên phổ biến với hàng triệu người Hàn khác. Bữa tối – vốn là khoảng thời gian quý giá để sum họp sau một ngày làm việc – đã bị bao trùm bởi áp lực kinh tế.

Để giải quyết vấn đề, Tổng thống Yoon Suk-yeol trước đó đã công bố gói trợ giá trị giá hơn 150 tỷ won cho các mặt hàng thiết yếu như hành lá, bắp cải và khoai tây, đồng thời giảm thuế nhập khẩu tạm thời với một số loại rau củ. Ngoài ra, vào giữa năm 2025, chính phủ cũng tiếp tục thông qua một gói ngân sách bổ sung lần thứ hai nhằm hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình thu nhập thấp, đồng thời kiểm soát giá cước vận chuyển – vốn được cho là nguyên nhân gián tiếp đẩy giá thực phẩm leo thang.

Hàn Quốc lạm phát bữa tối- Ảnh 3.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại rằng các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, bởi lạm phát bữa tối không đơn giản là vấn đề giá cả – mà còn là biểu hiện của sự căng thẳng xã hội. Khi một gia đình trung lưu phải cân nhắc từng bữa ăn, còn hàng triệu người từ chối ra ngoài để tiết kiệm vài ngàn won, thì đây chính là hồi chuông cảnh báo lớn về chất lượng sống giảm sút.

Theo: Reuters, Korea JoongAng Daily