Văn phòng làm việc của ông Phan Hữu Thắng - nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - có nơi trang trọng nhất được dành cho những tấm ảnh mà ông đã chụp cùng các nhà lãnh đạo và những bảng thống kê về thu hút FDI giai đoạn 1987 - 2000 được in màu, đóng khung treo lên tường…
Những tháng ngày đầu tiên
Ở tuổi gần 75 nhưng dường như vị cục trưởng đầu tiên của Cục Đầu tư nước ngoài vẫn rất nhiều năng lượng khi nói về câu chuyện thu hút FDI.
"Thu hút là mang tính thụ động, mời gọi hay thậm chí là vơ về. Nhưng hợp tác là hai bên cùng thắng, tạo ra sự cân bằng và tính lan tỏa.
Nếu làm được sẽ phát huy được những lợi thế của dòng vốn FDI và khắc phục được những bất cập nội tại để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ…" - ông Thắng nói.
Để hợp tác FDI hiệu quả trong tình hình mới, điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn đồng vốn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chính sách thống nhất và ổn định, tạo điều kiện doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để cùng hợp tác.
Kể lại câu chuyện mời gọi Intel, ông Thắng cho rằng đó là bài học về "lót ổ đón đại bàng" trong thời gian tới.
Khi đó Tổ thu hút đầu tư có thành phần rất gọn nhẹ, gồm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, một thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch VCCI và cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Với quy mô vốn 1 tỉ USD, Intel tính đến ba địa điểm là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Nếu xét về lợi thế so sánh, Việt Nam có "thua kém". Nhưng kết quả, ngoài việc đáp ứng các điều kiện như địa điểm, nguồn nhân lực, các ưu đãi… điều quan trọng nhất để thuyết phục nhà đầu tư lại là niềm tin và sự quyết tâm, quyết đoán của nhà lãnh đạo Việt Nam. Cộng với những tiềm năng mà họ nhìn thấy, Intel đã chọn đặt nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM từ năm 2006 và hoạt động đến nay.
Cần đội ngũ doanh nghiệp nội địa lớn mạnh
Dù vậy vẫn còn đó sự trăn trở. Theo ông Thắng, nguồn vốn FDI đóng góp 25% tổng vốn đầu tư nhưng chiếm tới 70% xuất khẩu.
Chúng ta chưa xây dựng được nhiều đội ngũ doanh nghiệp nội địa đủ sức hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thế giới.
Môi trường đầu tư cần được cải thiện nhiều hơn, giảm bớt các rào cản, cần minh bạch hơn… để đón được nhiều hơn những "đại bàng" công nghệ, các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và hút các quỹ đầu tư lớn…