Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện, trong đó đề xuất rút ngắn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 5 bậc. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.
Tăng cơ cấu giá bán điện
Giá điện các bậc thang từ 1 đến 5 được tính bằng 90%-180% giá bán lẻ điện bình quân, hiện là 2.103,11 đồng/kWh áp dụng từ ngày 11-10-2024. Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.893 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.786 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế GTGT.
Theo Bộ Công Thương, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại nhằm thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Còn việc giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ).
Bộ Công Thương giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700 kWh. Vì vậy, giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế tăng cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất tách khách hàng là "cơ sở lưu trú du lịch" với các khách hàng kinh doanh khác và được áp dụng cơ cấu biểu giá ngang bằng với khách hàng sản xuất. Theo đó, phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" có thể được xem xét để bù từ giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Cụ thể, cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất tăng từ 1%-2% so với bán lẻ điện bình quân. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tăng giá điện từ 2,41%- 3,34% khi thực hiện cơ cấu giá bán lẻ điện mới.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho rằng việc giảm số bậc thang giá điện sinh hoạt từ 6 xuống 5 bậc là hợp lý, phù hợp xu thế quốc tế và khuyến khích tiết kiệm điện. Tuy nhiên, tỉ lệ giá các bậc trong dự thảo cần được tính toán lại trên cơ sở khoa học. Việc gộp 2 bậc thang đầu thành 1 bậc với tỉ lệ giá thấp hơn so với hiện hành là bất hợp lý, làm gia tăng bù chéo giữa các nhóm khách hàng. Do đó, EVNNPC kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh tỉ lệ giá ở bậc đầu để bảo đảm công bằng.
Ngoài ra, việc tách riêng cơ sở lưu trú du lịch sẽ gây khó khăn trong quản lý vì thường có sự sử dụng điện kết hợp với các mục đích khác, dễ dẫn đến tiêu cực. Hoạt động kinh doanh lưu trú lại biến động thường xuyên, làm phức tạp việc kiểm soát và áp dụng giá điện. EVNNPC đề xuất cân nhắc kỹ việc tách nhóm này để tránh những bất cập trong thực tiễn.
Doanh nghiệp, người dân đều lo
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt tại Bình Dương - một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, bày tỏ lo ngại việc tăng giá điện sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Để giảm thiểu tác động này, doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà. Điều này không chỉ giúp cắt giảm chi phí điện năng mà còn góp phần giảm lượng khí thải nhà kính.
Trong thời gian chờ đợi triển khai hệ thống này, công ty sẽ đầu tư vào hệ thống giám sát năng lượng và áp dụng các giải pháp quản lý nhằm tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả hơn trong nhà máy.
Cùng quan điểm, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên và Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, tính toán nếu tăng giá điện theo dự thảo sẽ khiến chi phí của các DN sản xuất tăng từ 2,41% đến 3,34%, trong khi giá điện sinh hoạt sẽ tăng đáng kể ở các bậc thang cao nhất. Thực tế, đợt tăng giá điện năm 2024 đã ảnh hưởng lớn đến cả DN và người dân. Nếu giá tiếp tục tăng thêm vài phần trăm trong năm 2025, tác động sẽ càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, khi chi phí sinh hoạt tăng, người dân có xu hướng tiết kiệm và giảm chi tiêu, kéo theo sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng.
Đối với lĩnh vực sản xuất, ông Vũ nhấn mạnh việc tăng giá điện là không nên, nhất là khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Các DN vừa trải qua một giai đoạn dài đình trệ, mới bắt đầu hồi phục nhưng vẫn phải đối mặt với áp lực từ thương mại điện tử xuyên biên giới và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực xuất khẩu. Nếu giá điện sản xuất tăng, DN sẽ phải gánh thêm chi phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Đặc biệt, tăng giá điện còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của cộng đồng DN.
Bên cạnh DN, các chủ nhà trọ và người thuê trọ cũng đang lo lắng về tác động của việc tăng giá điện. Ông Nguyễn Cao Dũng - một chủ nhà trọ tại huyện Hóc Môn, TP HCM - cho hay hiện nay ông thu tiền điện của công nhân với giá 3.000 đồng/kWh. Mặc dù hằng tháng phải bù lỗ vài trăm ngàn đồng do hao hụt điện và chi phí công cộng, ông vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, với dự kiến giảm biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó giá cao nhất có thể lên đến gần 3.786 đồng/kWh, ông Dũng lo ngại sẽ phải tăng giá điện thu từ người thuê trọ, khiến đời sống công nhân càng khó khăn hơn.
Tương tự, bà Đào Thị Hoa - chủ một khu nhà trọ tại quận Gò Vấp, TP HCM - cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng phải điều chỉnh giá điện nếu biểu giá mới được áp dụng. Bà cho biết hiện giá điện trong khu trọ của bà là 3.000 đồng/kWh, chưa tính thuế và hao phí. Trước đây, khi giá điện tăng, bà tự chịu khoản chênh lệch, thậm chí miễn phí tiền nước để hỗ trợ người thuê trọ. Tuy nhiên, nếu biểu giá điện mới được áp dụng, bà buộc phải tính lại để duy trì nguồn thu cho gia đình.
Đề xuất thí điểm cơ chế giá điện 2 thành phần
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ biểu giá điện bậc thang, triển khai xây dựng biểu giá điện 2 thành phần để tránh sử dụng càng nhiều điện, giá càng đắt. Theo đó, EVNNPC kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung nội dung quy định trong dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho phép triển khai thực hiện thí điểm cơ chế giá điện 2 thành phần trong năm 2025 đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh nhằm phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống điện, bảo đảm sự công bằng giữa các hộ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của ngành điện.