Elon Musk ‘đại chiến’ Bộ giáo dục Mỹ

Admin

Ngay sau khi chiếm văn phòng của quyền Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ giáo dục Mỹ, những nhân viên DOGE bắt đầu có động thái thanh lọc khi cắt bỏ đến 1 tỷ USD ngân sách của bộ này.

Hãng tin CNBC cho biết cuộc chỉnh đốn chính phủ của Elon Musk cùng Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) đang trở nên căng thẳng hơn khi vị tỷ phú này bắt đầu động đến Bộ giáo dục.

Nguồn tin của CNBC cho hay các nhân viên DOGE đã đẩy các quan chức cấp cao của Bộ giáo dục Mỹ, bao gồm cả quyền Bộ trưởng ra khỏi văn phòng và thực hiện việc sắp xếp, tái tổ chức lại cơ chế.

Cụ thể, quyền Bộ trưởng Denise Carter đã phải ngồi bên ngoài phòng lãnh đạo chính của chính mình vào tuần trước, trong khi đó quyền Thứ trưởng James Bergeron đã phải hoãn việc tiếp nhận văn phòng của mình tại trụ sở Bộ giáo dục vì các nhân viên DOGE đang tạm sử dụng chúng.

Thậm chí theo hãng tin MSNBC, Elon Musk còn tuyên bố "Không có Bộ giáo dục nào tồn tại trong chính phủ liên bang Mỹ".

Elon Musk ‘đại chiến’ Bộ giáo dục Mỹ- Ảnh 1.

Tuyên bố này của Elon Musk được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho biết sẽ giải thể Bộ giáo dục Mỹ vì sự kém hiệu quả và vô số vấn đề tồn đọng trong cơ quan này.

Mặc dù chỉ Nghị viện Mỹ mới có quyền giải thể Bộ giáo dục Mỹ nhưng theo nhiều chuyên gia, Elon Musk có thể khiến cơ quan này chết non khi cắt giảm ngân sách và thanh lọc cơ cấu.

Chấn chỉnh nền giáo dục

Ngày 29/1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mang tên "Chấm dứt sự nhồi sọ cực đoan trong giáo dục K-12" nhằm xóa bỏ nguồn tài trợ liên bang cho các chương trình "ý thức hệ giới tính và ý thức hệ công bằng phân biệt đối xử" tại trường học.

Đến ngày 3/2, một quan chức Nhà Trắng xin được giấu tên đã nói với tờ Washington Post rằng chính quyền đang chuẩn bị một hành động hành pháp để thu hẹp Bộ giáo dục Mỹ bởi Tổng thống không có quyền loại bỏ hoàn toàn cơ quan này.

Cũng trong chiều hôm đó, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn các tiểu bang tự điều hành các trường học thay vì tốn thêm ngân sách cho Bộ giáo dục liên bang Mỹ. Mặc dù đề cử bà Linda McMahon vào ghế Bộ trưởng Bộ giáo dục nhưng Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn bà Linda tự sa thải chính mình để đóng cửa cơ quan này.

Tiếp đó, những động thái tiếp quản trụ sở Bộ giáo dục của DOGE càng làm tình hình trở nên căng thẳng. Mặc dù vậy, phó trợ lý thư ký phụ trách truyền thông Madi Biedermann của Bộ giáo dục cho biết: "Các nhân viên của DOGE là nhân viên chính phủ liên bang. Họ đã tuyên thệ nhậm chức, có các cuộc kiểm tra lý lịch và giấy phép cần thiết để làm cho Bộ tiết kiệm chi phí hơn, hiệu quả hơn và chịu trách nhiệm với người nộp thuế hơn".

Ngày 10/2, Bộ DOGE cho biết họ đã cắt giảm 101 triệu USD sau khi hủy 29 dự án thuộc chương trình "ý thức hệ giới tính và ý thức hệ công bằng phân biệt đối xử" tại trường học. Tiếp đó vào ngày 11/2, cơ quan này cho biết đã cắt giảm tiếp 881 triệu USD sau khi hủy 89 dự án của Bộ giáo dục.

Tờ The Guardian cho hay phần lớn các dự án bị cắt giảm thuộc về Viện khoa học giáo dục (IES), vốn là một văn phòng nghiên cứu thống kê của liên bang. Cơ quan này có nhiệm vụ chủ yếu là thu thập, nghiên cứu và phổ biến dữ liệu về giáo dục, từ tình trạng học tập, thành tích của học sinh, tình hình tội phạm học đường cho đến tổ chức các khóa học được tài trợ bởi chính phủ liên bang.

Quay trở lại với DOGE, nguồn tin của CNBC cho hay các nhân viên của Elon Musk đang tích cực để cắt giảm ngân sách Bộ giáo dục tương tự như những gì vị tỷ phú này từng làm tại SpaceX, Tesla và Twitter-X.

Ngoài ra, do chỉ mang danh là "nhân viên chính phủ đặc biệt" nên các nhân viên DOGE chỉ có 4 tháng để thực hiện mọi khoản cắt giảm có thể vì bị giới hạn tổng số ngày có thể làm việc mỗi năm là 130 ngày. Sau đó các cơ quan, bộ ban ngành sẽ phải tự tiếp tục giải quyết hậu quả.

Elon Musk ‘đại chiến’ Bộ giáo dục Mỹ- Ảnh 2.

Bí mật

Hãng tin CNBC cho hay các thành viên của DOGE đều hành động "bí mật" khi không có nhiều cuộc trò chuyện với các nhân viên bên ngoài.

Ngược lại, các nhân viên của các bộ cũng cảm thấy cần tránh xa DOGE vì cảm thấy "đáng sợ".

"Họ chẳng bao giờ trò chuyện", một nhân viên Bộ giáo dục Mỹ cho hay.

Nguyên nhân của sự sợ hãi này đến từ những yêu cầu liên tục của DOGE về số tiền ngân sách cần cắt giảm trong các dự án. Các nhân viên không giải thích tại sao họ lại đưa ra con số này và thậm chí không nói với mọi người về hợp đồng cụ thể nào cần phải hủy.

Thay vào đó, trong nhiều trường hợp, DOGE chỉ đưa ra một con số và yêu cầu các nhân viên cắt giảm theo mục tiêu đó từ các chương trình đang được ngân sách chính phủ tài trợ.

Ví dụ, DOGE đã yêu cầu Bộ giáo dục Mỹ cắt 80% tiền tài trợ cho các trang web và dịch vụ hỗ trợ đơn xin vay vốn liên bang của sinh viên Mỹ. Mỗi năm khoảng 17 triệu gia đình Mỹ nộp đơn xin trợ cấp đại học thông qua chương trình này.

Trước đó khi xuất hiện trong buổi họp báo tại Nhà Trắng với Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Elon Musk đã chỉ trích bộ máy quan liêu của liên bang là đầy rẫy gian lận, lãng phí, đồng thời cho biết nhiệm vụ của DOGE là làm minh bạch các khoản ngân sách.

Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Donald Trump đã lặp lại cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng lại Bộ giáo dục nhưng không đề cập chi tiết.

*Nguồn: CNBC, The Guardian, MSNBC, Forbes