Đường dây lừa đảo 1.000 tỷ đồng vừa bị triệt phá: Hơn 13.000 bị hại có cơ hội lấy lại tiền không?

Admin

60 đối tượng bị bắt khi vừa nhập cảnh các cửa khẩu tại khu vực biên giới hoặc tới các sân bay trong nước định về quê ăn Tết sau một năm lừa đảo.

Liên quan đến vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng vừa bị triệt phá, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội Rửa tiền và tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.

Hiện tại, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Công an cũng đề nghị những ai là bị hại từ những thủ đoạn trên thì liên hệ ngay Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh để phối hợp điều tra, giải quyết; đồng thời yêu cầu các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Chia sẻ về chuyên án, Đại tá Bùi Chiến Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Trưởng Ban Chuyên án cho biết, trong quá trình phá án, Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Công an các tỉnh, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an.

Hiện công an Việt Nam đang phối hợp phía nước bạn tiếp tục truy bắt các đối tượng chưa về Việt Nam hoặc đã về Việt Nam còn đang lẩn trốn

Thông tin trên VTV về việc truy thu số tiền nhóm đối tượng đã lừa đào, Đại tá Thắng cho biết hiện cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Bắc Ninh đã phong tỏa số tài khoản của các đối tượng này.

Đường dây lừa đảo 1.000 tỷ đồng vừa bị triệt phá: Hơn 13.000 bị hại có cơ hội lấy lại tiền không?- Ảnh 1.

Từ trái qua 3 đối tượng Huyền Trang, Đỗ Văn Nghĩa và Nguyễn văn Mạnh - Ảnh: Công an Bắc Ninh

Tuy nhiên thực tế, đa phần số tiền lớn của người dân bị chiếm đoạt đều trong những số tài khoản ngân hàng do đối tượng cầm đầu là người nước ngoài quản lý, nên việc lấy lại tiền cho người dân là rất khó khăn.

"Chúng tôi gặp phải khó khăn lớn khi các đối tượng hoạt động ở ngoài phạm vi biên giới của nước ta, trong một nhóm kín có tổ chức rất chặt chẽ, phân công cụ thể tới từng thành viên trong tổ chức đó. Những thông tin để thu thập trước khi phá án về hoạt động phạm tội của các đối tượng cũng gặp khó khăn. Họ nằm rải rác, địa bàn rất rộng. Đặc biệt lực lượng tham gia phá án không hề biết mặt các đối tượng, trong khi đó số lượng những kẻ đó rất đông", VTC News dẫn lời ông Bùi Chiến Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Trưởng ban chuyên án cho biết.

Qua sự việc trên, Đại tá Thắng cũng có một số kiến nghị với các ngành các cấp trong quản lý dữ liệu cá nhân của công dân, quản lý tài khoản cá nhân. Bởi hiện nay tiền lừa đảo đều qua các tài khoản này và ra nước ngoài mới rút, chứ không phải mang tiền đi đường bộ qua nước ngoài.

Huy động gần 200 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ để bắt giữ nhóm đối tượng

Công an tỉnh Bắc Ninh ngày 22/1 đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an; 2 Cảng vụ hàng không miền Bắc và miền Nam, các hệ thống ngân hàng, nhà mạng, các cửa khẩu và Công an các tỉnh, thành phố như: Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, TP.HCM... triệt xóa đường dây sử dụng công nghệ cao lừa đảo xuyên biên giới, với các thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Để có thành quả như vậy, ban chuyên án đã huy động gần 200 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ triển khai 43 tổ công tác tại cửa khẩu và các sân bay địa phương để bắt giữ hơn 60 nghi phạm, trong đó có kẻ chủ mưu, cầm đầu hay quản lý, có vai trò quan trọng trong ổ nhóm.

5 đối tượng chính là: Nguyễn Văn Mạnh (36 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh); Đỗ Văn Nghĩa (25 tuổi, ở Lục Nam, Bắc Giang); Đinh Như Quỳnh (23 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Đức Toàn (32 tuổi ở TP Hải Phòng) và Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng).

60 đối tượng bị bắt khi vừa nhập cảnh các cửa khẩu tại khu vực biên giới hoặc tới các sân bay trong nước định về quê ăn Tết sau một năm lừa đảo.

Theo thông tin trên VTV, 2 tỷ đồng là số tiền mà 1 trong những đối tượng trong đường dây lừa đảo mỗi tháng. Càng lừa được nhiều tiền tiền lương càng cao. Chính vì những cám dỗ vật chất đã khiến cho các đối tượng trở thành những người chủ mưu, quản lý, thậm chí viết kịch bản cho đường dây lừa đảo này.

Đường dây lừa đảo 1.000 tỷ đồng vừa bị triệt phá: Hơn 13.000 bị hại có cơ hội lấy lại tiền không?- Ảnh 2.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ - Ảnh: CA Bắc Ninh

Trong quá trình làm việc, toàn bộ các nhân viên đều phải sử dụng mã số do công ty đặt khi mới vào làm việc. Mỗi người được đăng ký 1 tài khoản Telegram để trao đổi thông tin nội bộ trong quá trình làm việc, tài khoản này được đặt tên theo mã số do công ty đặt. Tài khoản Telegram này chỉ được sử dụng trên máy tính trong thời gian làm việc tại công ty, không được sử dụng trên điện thoại cá nhân ngoài giờ làm việc.

Cơ quan Công an xác định từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước. Trong đó có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.

Đến hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.

Trang Anh