Dự trữ khí đốt xuống mức thấp báo động, chính trị gia quốc gia G7 đề nghị mở lại Nord Stream để nhập khẩu khí đốt giá rẻ của Nga

Admin

Chính trị gia người Anh, David Kurten, đã kêu gọi khởi động lại một phần hệ thống đường ống Nord Stream trong bối cảnh thời tiết giá lạnh và lo ngại về nguồn cung.

Dự trữ khí đốt xuống mức thấp báo động, chính trị gia quốc gia G7 đề nghị mở lại Nord Stream để nhập khẩu khí đốt giá rẻ của Nga- Ảnh 1.

Ông David Kurten, lãnh đạo Đảng Di sản của Anh, kêu gọi mua khí đốt từ Nga để ngăn ngừa khả năng thiếu hụt năng lượng.

“Một trong 4 đường ống Nord Stream không bị hư hại và có thể được mở lại rất nhanh. Chúng ta hãy mua khí đốt chất lượng tốt, giá rẻ từ Nga một lần nữa”, ông Kurten viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 12/1.

Tuần trước, nhà cung cấp khí đốt Centrica (Anh) cảnh báo rằng “nhiệt độ giảm mạnh khiến dự trữ khí đốt vào mùa đông của Anh xuống mức thấp đáng lo ngại”. Giá khí đốt neo cao khiến việc bổ sung dự trữ trở nên khó khăn hơn, công ty cho biết thêm.

Hệ thống đường ống Nord Stream 1 và 2, do tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) vận hành, được thiết kế để bơm khí đốt dưới Biển Baltic trực tiếp đến Đức. Đường ống đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2011 và trở thành nguồn năng lượng chính cho EU.

Nord Stream 2, hoàn thành vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất của hệ thống, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động do các vấn đề về chứng nhận ở Đức. Vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga-Ukraine năm 2022.

Cả đường ống Nord Stream 1 và 2 đều bị vỡ vào tháng 9/2022, mà các quan chức EU cho là hành động phá hoại. Các vụ nổ khiến 3 trong 4 đường ống không hoạt động được.

Nga đã nhiều lần kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế công bằng, trong khi chỉ trích tính minh bạch của các cuộc điều tra do châu Âu dẫn đầu.

Việc đóng cửa Nord Stream đã khiến giá năng lượng tăng vọt ở Đức – quốc gia trước đây đã mua hơn 50% khí đốt tự nhiên từ Nga và buộc phải mua LNG đắt hơn từ các nhà cung cấp khác, bao gồm cả Mỹ.

Theo số liệu thống kê chính thức, vào năm 2023, nền kinh tế lớn nhất EU đã bước vào suy thoái. Các quốc gia khác, bao gồm Áo, Ý, Hungary và Slovakia, cũng đã trải qua tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng Nga. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau khi Ukraine dừng trung chuyển khí đốt Nga tới châu Âu.

Theo RT