"Viên ngọc văn hoá" của Thủ đô
Nằm giữa những con phố chật hẹp và tấp nập của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây là một điểm đến độc đáo, giàu giá trị lịch sử và văn hóa. Chỉ cách bến xe điện Bờ Hồ khoảng 10 phút đi bộ, nơi đây là một trong số ít công trình còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc nhà ống truyền thống của Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Đây cũng là một trong 14 ngôi nhà cổ cuối cùng còn tồn tại ở Thủ đô với kiến trúc nguyên bản, và vì thế đã được đưa vào diện bảo tồn để lưu giữ dấu ấn của một Hà Nội xưa, .
Được công nhận là Di tích quốc gia từ năm 2004, ngôi nhà có diện tích 158,2m², với lối thiết kế hài hòa, hợp lý. Cứ sau một lớp nhà lại có một giếng trời, tạo sự thông thoáng và đón ánh sáng tự nhiên.

Tổng diện tích của căn nhà là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với đường phố. Chiều rộng mặt tiền là 5 mét, chiều rộng mặt hậu là 6 mét.
Cấu trúc nhà chủ yếu bằng gỗ, với hệ thống cột, dầm, kèo làm từ gỗ lim; tường được xây gạch bằng vôi vữa truyền thống, không dùng xi măng. Mái nhà dốc hai bên, lợp bằng ngói ta gồm hai lớp: lớp ngói lót và lớp ngói mũi hài.
Nhà gồm ba gian chính, ngăn cách bởi khoảng sân, lấy sáng từ giếng trời. Gian ngoài cùng là không gian kinh doanh và đón tiếp khách, bài trí bộ bàn ghế gỗ, ấm trà, cặp câu đối trên cột trụ và các góc trưng bày cổ vật như tranh, bình gốm.

Ngôi nhà là một trong 14 ngôi nhà cổ đặc trưng ở Hà Nội và được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Tiếp nối là gian nhà giữa thường gọi là nhà hậu hay phòng khách nơi đặt bộ bàn tròn và bốn ghế gỗ, chủ yếu dùng để ăn uống. Không gian bên ngoài dùng để buôn bán, phía trong là phòng khách, phòng ngủ và sâu nhất là gian bếp cùng nhà vệ sinh.
Tầng hai là nơi đặt phòng ngủ, phòng thờ và vườn cây cảnh. Gian phòng ngủ được bài trí trang trọng với tủ chè, đại tự, đôi bảo kiếm treo hai bên, đối diện là tranh tứ bình "tùng – cúc – trúc – mai", thể hiện sự thanh nhã, sung túc của gia chủ xưa.

Với các bài trí không gian ngôi nhà dạng hình ống giúp việc lấy ánh sáng và thông gió dễ dàng hơn.
Mái hiên phía trước có kết cấu vỏ cua theo lối kiến trúc Trung Hoa, hai đầu đỉnh mái có trụ đấu mái bằng gạch, tường giáp hai nhà bên xây cao 1m, trang trí bậc tam cấp và các gờ chỉ vừa để chống cháy, chống thấm, vừa tạo nét kiến trúc mềm mại.
Ở một ngôi nhà truyền thống, nơi linh thiêng nhất không thể thiếu là gian thờ. Phòng thờ được đặt trang trọng ở tầng hai, chính giữa là bàn thờ lớn, xung quanh treo các hoành phi, câu đối. Một trong số đó là bài thơ khắc sâu triết lý sống và cội nguồn văn hóa dân tộc:
"Cây có gốc mới trổ cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu".

Người Việt Nam xưa coi trọng việc thờ cúng tổ tiên nên thương đặt phòng thờ ở vị trí thống thoáng.
Anh Thanh Tùng - một du khách đến từ Cao Bằng chia sẻ với Người Đưa Tin rằng anh rất ấn tượng với kiến trúc và cách bài trí độc đáo của Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây.
"Không gian ở đây thực sự khác biệt, mang đậm dấu ấn Hà Nội xưa. Tôi nghĩ đây là điểm đến rất đáng để ghé thăm, không chỉ với du khách trong nước mà còn với bạn bè quốc tế", anh Tùng nhận xét.
Tuy nhiên, theo anh Tùng, nhiều người khi dạo bước qua con phố Mã Mây lại vô tình bỏ lỡ ngôi nhà cổ này, bởi họ không hề biết nơi đây là một điểm du lịch văn hóa đặc sắc, nơi lưu giữ trọn vẹn lối sống của người Hà Nội xưa.

Bên ngoài biển hiệu Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây khá nhỏ, không bắt mắt nên dễ bị bỏ qua.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về những hạn chế khiến di tích này chưa được chú ý xứng tầm, anh Tùng chỉ ra một số bất cập như biển hiệu bên ngoài khá nhỏ, không bắt mắt nên dễ bị bỏ qua. Không có nhân viên đứng tại cửa để chào đón hay hướng dẫn khách vào tham quan.
"Dù bên trong có tích hợp mã QR để giới thiệu thông tin, nhưng nội dung chưa thật sự sinh động, thiếu yếu tố hấp dẫn. Đặc biệt, điểm trừ lớn là không có hướng dẫn viên hay bất kỳ hình thức mô phỏng nào về đời sống người Hà Nội xưa để giúp du khách hình dung rõ nét hơn", anh Tùng nói.

Nhiều du khách thích thú tìm hiểu Nhà Di sản 87 Mã Mây.
Không chỉ có Nhà Di sản 87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm còn là nơi quy tụ nhiều di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc khác như Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (tức Hội quán Quảng Đông), đình Kim Ngân, đền Bạch Mã và nhiều nhà thờ tổ nghề truyền thống. Theo thống kê, toàn quận hiện có khoảng 120 di tích, là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa đô thị cổ.
Hoàn Kiếm còn nổi bật với các tuyến phố nghề mang đậm bản sắc như phố Hàng Bạc với nghề chế tác và buôn bán kim hoàn; Hàng Mã với sản phẩm đồ mã truyền thống; Lãn Ông với nghề thuốc đông y. Riêng khu vực Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Cầu Gỗ, Tống Duy Tân... lại là "tọa độ" ẩm thực sôi động, quy tụ nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản, níu chân du khách mỗi khi đêm về.

Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (tức Hội quán Quảng Đông).
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, thời gian qua, quận đã tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật buổi tối tại khu phố cổ như không gian nghệ thuật ở Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm và chương trình "Chuyện nhạc phố cổ" tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (50 Đào Duy Từ).
Quận cũng tích cực phục hồi các lễ hội truyền thống và quảng bá nghề thủ công của các làng nghề phố cổ. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số như App Ẩm thực Hoàn Kiếm, App Du lịch Hoàn Kiếm và cẩm nang điện tử đã giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và khám phá văn hóa phố cổ.
Nhờ sự kết hợp giữa bảo tồn truyền thống và phát triển hiện đại, phố cổ Hoàn Kiếm đã trở thành điểm đến sôi động, thu hút trung bình 20.000 lượt khách mỗi cuối tuần.
Điều này góp phần tăng doanh thu du lịch gần 50% so với cùng kỳ, trong đó thương mại tăng 14,3%, lưu trú - ăn uống tăng 66,2%, doanh thu du lịch tăng 48,5% và doanh thu các dịch vụ khác tăng 8,1%.
Tăng trải nghiệm để "đánh thức" tiềm năng du lịch
Dù sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa, lịch sử, nhưng khu vực phố cổ Hoàn Kiếm vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đúng với tiềm năng, đặc biệt là với du khách quốc tế. Theo các chuyên gia du lịch, vấn đề then chốt nằm ở việc thiếu đầu tư vào nâng cao trải nghiệm và ứng dụng công nghệ số trong quảng bá.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng, để thu hút du khách, trước hết phải tạo được những hoạt động tương tác sống động tại chỗ.
"Tại 87 Mã Mây có thể tổ chức các buổi tái hiện nếp sống người Hà Nội xưa như bữa cơm gia đình, sinh hoạt thường ngày, hoạt động buôn bán truyền thống.
Vào dịp lễ, có thể tổ chức gói bánh chưng, pha trà, viết thư pháp, làm tò he, đèn lồng, đồ thủ công mỹ nghệ. Đây chính là cách để du khách 'thử làm người Hà Nội xưa', vừa giữ chân khách lâu hơn, vừa lan tỏa giá trị văn hóa", ông Tuyên nói.

Trải nghiệm, tìm hiểu về nghề thủ công trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) thu hút sự quan tâm của du khách.
Ông cũng đề xuất mô hình "hộ chiếu du lịch quận Hoàn Kiếm", theo đó du khách sẽ được đóng dấu tại mỗi điểm di sản và nhận quà lưu niệm khi hoàn thành hành trình.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, trải nghiệm không chỉ dừng ở di sản. Du khách đến phố cổ còn có nhu cầu ẩm thực, mua sắm các sản vật địa phương, nhưng hiện chưa có trung tâm thương mại uy tín phục vụ nhu cầu này. "Các cơ sở bán hàng hiện nay chủ yếu tự phát, khó kiểm soát chất lượng, dễ trà trộn hàng giả, hàng nhái", ông cảnh báo.
Về hạ tầng, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư đồng bộ hệ thống nhà vệ sinh công cộng: "Hãy xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại như ở Singapore hay Nhật Bản. Quận Hoàn Kiếm nên đi đầu làm mẫu để các địa phương khác học tập".
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đề xuất, tại các điểm di sản cần có đội ngũ hướng dẫn viên hoặc cộng tác viên du lịch tại điểm.
Họ không chỉ đóng vai trò giải thích, kể chuyện, mà còn là người kết nối cảm xúc giữa di sản và du khách. Hướng dẫn viên có thể hóa trang thành cư dân phố cổ xưa, kể lại những câu chuyện đời sống, buôn bán, sinh hoạt biến chuyến tham quan thành một hành trình sống động hơn.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, tích hợp bản đồ du lịch, ứng dụng video hướng dẫn đa ngôn ngữ và thiết kế hệ thống biển chỉ dẫn hài hòa, dễ nhận diện cũng là những yếu tố cần thiết để nâng tầm trải nghiệm du khách và làm sống lại các điểm di tích giữa lòng phố cổ.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, định hướng lâu dài của quận là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Sở hữu lợi thế về hệ thống di sản văn hóa dày đặc, hạ tầng giao thông thuận tiện cùng sự đồng hành của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, quận Hoàn Kiếm đang từng bước xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch "An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn".
Đây sẽ là nền tảng vững chắc để quận khẳng định vị thế là trung tâm du lịch lớn, giàu bản sắc và năng động của Hà Nội.