Dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, nguồn cung thiếu hụt

Admin

Hàng nghìn dự án bất động sản bị đình trệ, chậm tiến độ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nhà ở hạn chế, giá cả tăng cao ở các đô thị lớn.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hiện cả nước triển khai được 2.254 dự án với tổng số 1,2 triệu căn hộ, lô, đất nền. Nhà ở xã hội có 622 dự án đã và đang triển khai với quy mô khoảng 565.177 căn.

Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến về những tháng cuối năm. Những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương gỡ khó cho thị trường bất động sản đã có kết quả tích cực. Từ đầu năm tới nay, khoảng 40.000 sản phẩm mới. Cán cân cung – cầu đang được điều chỉnh, giảm dần áp lực về cầu, giá bán bất động sản điều chỉnh về mức phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường bất động sản đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ.

Dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, nguồn cung thiếu hụt- Ảnh 1.

Hàng nghìn dự án bất động sản bị đình trệ, chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu". Hà Nội gần 1.500 dự án và TP.HCM khoảng 2.600 dự án. Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.

“Thị trường bất động sản vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh bất động sản, một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại. Đây không chỉ là nguyện vọng của doanh nghiệp bất động sản, còn là nguyện vọng của nhà đầu tư, là cơ hội cho người mua nhà tiếp cận được khi nguồn cũng tăng” - TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, nguồn cung thiếu hụt- Ảnh 2.

Giá nhà đất ở các đô thị lớn liên tục tăng cao

Theo ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, đẩy giá bất động sản tăng cao. Sau gần 3 năm khi thị trường thiếu dự án, giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng từ 40 - 50%.

“Nếu nút thắt pháp lý của các dự án không được tháo gỡ, giá nhà và đất có thể tiếp tục tăng, cơ hội sở hữu nhà ở của những người dân có thu nhập thấp trở nên khó khăn, thị trường mất cân đối cung cầu” - ông Nguyễn Văn Đính đánh giá.

Sau khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được ban hành, nhiều điểm “nghẽn” pháp lý về mặt thể chế cơ bản được cởi trói. Thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc, tuy nhiên vẫn cần những quyết sách mạnh mẽ của các ngành và địa phương để những dự án bất động sản vướng mắc “gỡ” được những vấn đề pháp lý.