Đón gần nửa triệu lượt khách du lịch dịp Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng liệu "đổi chiều" trong năm 2025?

Admin

Tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2025 ước đạt hơn 469.000 lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 3,2% so với báo cáo trước Tết), báo cáo từ Sở Du lịch Đà Nẵng.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 228.000 lượt (tăng 29%), khách nội địa ước đạt hơn 241.000 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 1.887 tỉ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25-1 đến 2-2), sân bay Đà Nẵng ước đạt 1.275 chuyến bay đến (tăng 58%), trung bình đón khoảng 141 chuyến bay/ngày với 64 chuyến bay quốc tế và 77 chuyến quốc nội).

Về đường biển, có hai chuyến tàu cập cảng Tiên Sa đưa 1.800 khách Mỹ, Anh đến tham quan Đà Nẵng. Ngoài ra, người dân và du khách tham gia trải nghiệm du ngoạn sông Hàn cũng tăng khá cao, ước đạt 23.200 lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Công suất chung của các cơ sở lưu trú ước đạt khoảng 50%. Trong đó khối 4-5 sao và tương đương đạt 60-65%, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong báo cáo về chỉ số kinh tế Đà Nẵng, DKRA Consulting chỉ ra, lũy kế 10 tháng năm 2024, thành phố Đà Nẵng thu hút được 33,17 triệu USD vốn FDI (cùng kỳ năm 2023 đạt 180,76 triệu USD, giảm 81,7%). Trong đó, cấp mới 59 dự án với vốn đăng ký là 26,64 triệu USD (cùng kỳ năm 2023 phát sinh 90 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 149.63 triệu USD, giảm 82,2%); điều chỉnh tăng/giảm vốn 21 lượt dự án với tổng vốn 5, 09 triệu USD (cùng kỳ năm 2023 phát sinh 33 lượt dự án với tổng vốn 20,43 triệu USD, giảm 75,1%); 18 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,43 triệu USD.

Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, theo đơn vị này đã có những chuyển biến nhẹ về nguồn cung và sức cầu nhưng chưa đáng kể. Cụ thể, ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp trong tháng 10/2024 ghi nhận ở mức tương đương so với tháng trước nhưng giảm 1% so với cùng kỳ.

Thanh khoản thị trường gần như đóng băng khi hơn 90% dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch trong tháng. Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với tháng trước. Dù các chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai các chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất và nhiều chương trình kích cầu khác, nhưng chưa thể gia tăng thanh khoản như kỳ vọng.  Triển vọng thị trường trong ngắn hạn bị phủ bóng bởi sự e ngại và tâm lý chờ, khi cả nhà đầu tư và chủ đầu tư đều giữ thái độ thận trọng.

Đón gần nửa triệu lượt khách du lịch dịp Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng liệu "đổi chiều" trong năm 2025?- Ảnh 1.

Ở loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước, phần lớn nguồn cung vẫn đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Thị trường tiếp tục trầm lắng khi không ghi nhận giao dịch trong tháng vừa qua, hầu hết các dự án đóng giỏ hàng hoặc vướng sai phạm khiến thanh khoản gặp khó.

Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang, những chính sách ưu đãi, chiết khấu,... vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi. Nhiều dự án vướng sai phạm, thi công chậm tiến độ,... đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư khiến phân khúc này trong thời gian qua khá trầm lắng và gần như rơi vào chu kỳ “ngủ đông kéo dài”.

Ở loại hình condotel, nguồn cung sơ cấp ghi nhận ở mức tương đương so với cùng kỳ, phần lớn đến từ những dự án cũ, riêng nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng trên thị trường. Thị trường trầm lắng, thanh khoản tiếp tục gặp khó. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với cùng kì.

Như vậy, có thể thấy, doanh thu du lịch tăng song chưa tác động rõ nét đến sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Sau khoảng thời gian trầm lắng, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng gần như chưa lấy lại được “phong độ”; mức độ phục hồi chậm nhịp hơn so với phân khúc căn hộ và đất nền. Năm 2025, kì vọng sự hồi nhịp của du lịch sẽ tác động dần đến bất động sản nghỉ dưỡng, lấy đà tăng trưởng từ năm 2026 trở đi.