Mỹ muốn Ukraine trả lại tiền viện trợ
Phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) tại bang Maryland ngày 22/2, ông Trump nhấn mạnh: "Châu Âu đã viện trợ 100 tỷ USD. Mỹ đã cung cấp 350 tỷ USD cho Ukraine. Tôi muốn họ phải đáp lại chúng ta vì tất cả số tiền mà chúng ta đã bỏ ra. Chúng tôi đang yêu cầu khai thác đất hiếm, dầu mỏ, bất cứ thứ gì có thể đổi lại".
"Chúng tôi sẽ lấy lại tiền của mình. Chúng tôi phải lấy lại tiền vì điều này không công bằng. Nó thực sự không công bằng", ông Trump nói thêm. "Và chúng ta sẽ xem xét. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang tiến rất gần đến một thỏa thuận, và chúng ta cần đạt được nó càng sớm càng tốt".

Kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Mỹ là nhà viện trợ lớn nhất của Kiev, với số tiền được tuyên bố là lên đến 500 tỷ USD. (Ảnh: BQP Mỹ)
Thỏa thuận liên quan đến khoáng sản được coi là một phần trong nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine, đồng thời giúp Washington thu hồi khoản viện trợ khổng lồ đã cung cấp cho Kiev.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Washington không nên gánh vác trách nhiệm viện trợ một mình: "Chiến sự này ảnh hưởng đến châu Âu chứ không thực sự ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Châu Âu lẽ ra phải đóng góp nhiều hơn chúng ta".
Theo nhóm giám sát liên ngành của Quốc hội Mỹ, Washington đã phê duyệt gần 183 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022.
Ông Trump một lần nữa nhắc lại mục tiêu chấm dứt chiến tranh ở Ukraine: "Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Putin và tôi nghĩ chuyện này cần phải kết thúc, cần phải kết thúc", ông Trump nhấn mạnh. Ông cũng cho biết đã làm việc với cả phía lãnh đạo Kiev và Moscow.
Mỹ tiến gần đến thỏa thuận khoáng sản với Ukraine?
Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin rằng Ukraine đang xem xét một đề xuất sửa đổi của Mỹ về quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, dù thỏa thuận này không bao gồm đảm bảo an ninh.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024, Ukraine có tiềm năng lớn và là quốc gia cung cấp những nguyên liệu thô quan trọng, thiết yếu cho các lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và năng lượng xanh. Quốc gia này tự hào có trữ lượng titan và lithium lớn nhất châu Âu. Kiev cũng có các mỏ berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken đáng kể.

Một mỏ ilmenit lộ thiên ở khu vực Kirovohrad, Ukraine. (Ảnh: AP)
Vào ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent đã đến Kiev - nơi ông trình bày bản dự thảo cho nhà lãnh đạo Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn có một quan hệ đối tác cùng có lợi với Mỹ, thay vì chỉ đơn giản là trao đi các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.
Tuy nhiên, ông Zelensky thừa nhận rằng một phần lớn các vùng lãnh thổ giàu khoáng sản hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Theo tờ New York Times, Mỹ đang yêu cầu Ukraine nhượng lại một nửa doanh thu từ khoáng sản, khí đốt, dầu mỏ và cơ sở hạ tầng. Trước đó, Kiev đã từ chối vì không có điều khoản đảm bảo an ninh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz mới đây kêu gọi Ukraine cân nhắc lại, gọi đây là một "cơ hội lịch sử" để cùng đầu tư vào nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia châu Âu này.
Trong khi đó, kênh truyền hình Fox News ngày 22/2 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Ukraine đã đưa ra những đề xuất mới cho phía Mỹ liên quan tới thỏa thuận khoáng sản trong tương lai giữa hai bên.
Theo nguồn tin, văn kiện này có thể được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Ukraine Andrii Sybiha ký kết. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể cho những bước tiếp theo nhằm thông qua thỏa thuận vẫn chưa được ấn định.
Điều kiện đi kèm với thỏa thuận khoáng sản
Theo hãng tin AFP, Ukraine muốn bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết với Mỹ đều bao gồm các đảm bảo an ninh khi nước này đã phải vật lộn để chống lại các lực lượng Nga trong suốt 3 năm qua.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Ukraine diễn ra trong bối cảnh cuộc khẩu chiến ngày càng sâu sắc giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky trong tuần qua.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn im lặng về kế hoạch viện trợ cho Ukraine trong tương lai. (Ảnh: AP)
Hôm 18/2, ông Trump đã gọi người đồng cấp Ukraine là "kẻ độc tài" và kêu gọi nhà lãnh đạo Kiev hãy "hành động nhanh chóng" để chấm dứt chiến tranh, ngay sau khi các quan chức Nga và Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia mà không có đại diện của Ukraine.
Washington đã đề xuất một nghị quyết của Liên hợp quốc về xung đột Ukraine mà không đề cập đến bất kỳ lãnh thổ nào của Kiev do Nga chiếm đóng, các nguồn tin ngoại giao nói với AFP.
Khoản tiền mà 500 tỷ USD mà Mỹ muốn Ukraine trả bằng khoáng sản đất hiếm để bù đắp cho viện trợ dành cho Kiev - là một mức giá mà Ukraine phản đối và cao hơn nhiều so với số liệu viện trợ đã công bố của Washington.
Viện Kiel - một cơ quan nghiên cứu kinh tế của Đức - cho biết từ năm 2022 đến cuối năm 2024, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 114,2 tỷ Euro (119,8 tỷ USD) cho tài chính, nhân đạo và quân sự của Kiev.
Người bạn đồng hành "sắt son" của Ukraine
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky hôm 22/2, Thủ tướng Keir Starmer đã cam kết "sự ủng hộ tuyệt đối của Anh đối với Ukraine".
Đáp lại, ông Zelensky đã ca ngợi Vương quốc Anh vì đã thể hiện "sự chân thành với Ukraine" trong cuộc chiến với Nga.
Ông Starmer cũng cho biết "lợi ích" của cả Anh và Mỹ là "ủng hộ" Ukraine, quốc gia cần một ghế tại bàn đàm phán và "đảm bảo an ninh mạnh mẽ để hòa bình được lâu dài" - tờ The Sun đưa tin, trích dẫn từ một phát biểu của Thủ tướng Anh.

Anh được cho là đã bí mật cung cấp tên lửa hành trình Storm Shadow để Ukraine tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. (Ảnh: Mirror)
Ngoại trưởng David Lammy tuyên bố rằng Anh sẽ công bố một gói trừng phạt đáng kể đối với Nga trong tuần tới.
Tại London, hàng nghìn người đã tuần hành ủng hộ Ukraine trong ngày hôm qua và các cuộc thăm dò ý kiến ở Anh cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân dành cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng cho biết Paris đang xem xét tăng số lượng khinh hạm và máy bay chiến đấu Rafale, đồng thời đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái để hỗ trợ Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ đến Washington để hội đàm với Tổng thống Trump vào ngày 24/2.

Thời gian gần đây, quân đội Nga liên tục tấn công UAV quy mô lớn vào Ukraine (Ảnh: Pravda).
Việc ông Trump công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky là "nhà độc tài" đã làm dấy lên căng thẳng giữa hai quốc gia, đặt ra câu hỏi về chiến lược của Mỹ với Ukraine cho đến hiện tại.
Lời chỉ trích gay gắt không chỉ phản ánh thái độ hoài nghi từ lâu của ông Trump đối với nhà lãnh đạo Ukraine, mà còn cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Joe Biden. Ông Trump thậm chí còn nói rằng ông Biden đã cho phép Ukraine được "hưởng lợi" từ sự hỗ trợ của Mỹ.
Nhiều người ủng hộ ông Trump tin đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của vị tổng thống Mỹ, nhằm buộc châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính và quân sự với Washington.
Thực tế ngay sau các tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump, Đan Mạch đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng - điều mà một cố vấn của ông Trump coi là "thắng lợi lớn".