Doanh nghiệp toàn cầu vay nợ kỷ lục gần 8.000 tỷ USD trong năm 2024

Admin

Theo số liệu mới nhất từ LSEG, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay đòn bẩy đã tăng hơn 1/3 so với năm 2023, chạm mốc 7.930 tỷ USD. Các tập đoàn hàng đầu như AbbVie và Home Depot đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi chi phí vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Doanh nghiệp toàn cầu vay nợ kỷ lục gần 8.000 tỷ USD trong năm 2024- Ảnh 1.

Doanh nghiệp toàn cầu vay nợ kỷ lục gần 8.000 tỷ USD trong năm 2024.

"Thị trường đang hoạt động hết công suất, thậm chí còn hơn thế", John McAuley, Giám đốc thị trường vốn nợ khu vực Bắc Mỹ của Citigroup nói.

Làn sóng phát hành này đã vượt qua đỉnh điểm trước đó được thiết lập vào năm 2021, thời điểm nhu cầu mạnh mẽ từ nhà đầu tư giúp giảm chi phí vay cho doanh nghiệp ngay cả trước khi Fed và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức đỉnh nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng chi phí huy động vốn thấp - đặc biệt khi so sánh với trái phiếu chính phủ an toàn - ban đầu đã thúc đẩy các công ty đẩy nhanh việc phát hành nhằm tránh những biến động thị trường có thể xảy ra xung quanh cuộc bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, việc chênh lệch lãi suất tiếp tục thu hẹp sau chiến thắng áp đảo của Trump khiến nhiều công ty quyết định triển khai luôn kế hoạch vay vốn dự kiến cho năm tới.

"Ban đầu chỉ là 'hãy giảm thiểu rủi ro tài chính cho năm nay'", Tammy Serbée, đồng Giám đốc thị trường vốn thu nhập cố định của Morgan Stanley nói. "Sau đó là 'Thực ra điều kiện có vẻ khá hấp dẫn, sao chúng ta không triển khai luôn kế hoạch vay vốn năm 2025?'"

Trong làn sóng phát hành này, tập đoàn dược phẩm AbbVie đã dẫn đầu với đợt phát hành trái phiếu đầu tư trị giá 15 tỷ USD vào tháng 2 để tài trợ cho thương vụ mua lại ImmunoGen và Cerevel Therapeutics. Theo sau là các đơn vị phát hành lớn khác trong năm 2024 như Cisco Systems, tập đoàn dược phẩm Bristol Myers Squibb, gã khổng lồ hàng không đang gặp khó khăn Boeing và nhà bán lẻ Home Depot.

Theo dữ liệu từ Ice BofA, chênh lệch lãi suất trái phiếu đầu tư trung bình của Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 0,77 điểm phần trăm sau cuộc bầu cử, mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1990. Kể từ đó, chênh lệch chỉ tăng nhẹ. Chênh lệch lãi suất trên trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao hơn đã tăng nhiều hơn kể từ giữa tháng 11, nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong 17 năm.

Điều đáng chú ý là dù chênh lệch lãi suất hẹp, tổng chi phí vay vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ lợi suất trái phiếu kho bạc. Theo dữ liệu của BofA, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đầu tư hiện đạt 5,4%, tăng đáng kể so với mức 2.4% cách đây ba năm.

Tuy nhiên, mức lợi suất hấp dẫn này đã thu hút dòng vốn kỷ lục gần 170 tỷ USD từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2024, theo số liệu từ EPFR.

Dan Mead, Giám đốc phụ trách phát hành trái phiếu đầu tư của Bank of America nói đây là năm bận rộn nhất của ngân hàng về phát hành trái phiếu chất lượng cao bằng USD, ngoại trừ năm 2020 khi gói kích thích Covid-19 kích hoạt cơn sốt phát hành.

"Chúng tôi đưa ra ước tính hàng tháng về lượng phát hành dự kiến... và mỗi tháng lượng phát hành thực tế đều vượt các ước tính", ông nói thêm.

Ngay cả sau đợt phát hành mạnh mẽ năm 2024, nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết họ dự kiến dòng vay sẽ ổn định trong năm tới khi các công ty tái cấp vốn cho làn sóng nợ giá rẻ họ đã vay được trong đại dịch.

Nhìn về tương lai, Marc Baigneres, đồng Giám đốc toàn cầu mảng tài chính đầu tư của JPMorgan, kỳ vọng "hoạt động sẽ duy trì ổn định" trong năm tới khi các công ty tái cấp vốn cho những khoản nợ giá rẻ đã vay được trong giai đoạn đại dịch.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến "yếu tố bất ngờ" là "khả năng có thêm nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập quy mô lớn được tài trợ bằng nợ". Bên cạnh những dự báo tích cực, một số chuyên gia ngân hàng đang đưa ra những cảnh báo thận trọng về khả năng làn sóng vay nợ doanh nghiệp có thể chậm lại nếu chênh lệch lãi suất tăng mạnh từ mức hiện tại.

Maureen O'Connor, Giám đốc toàn cầu mảng phát hành nợ chất lượng cao của Wells Fargo nhận định: "Thị trường hiện đang định giá gần như không có rủi ro giảm giá. Với chênh lệch lãi suất được định giá hoàn hảo, bạn đang thấy rủi ro đặc thù tăng lên".