Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa quân đội cùng cấp vào cơ cấu Uỷ ban Nhân dân

Admin

Đại biểu cho rằng, việc Ban chỉ huy quân sự cấp huyện làm rất nhiều nhiệm vụ tại địa phương nhưng không phải là Uỷ viên UBND cấp huyện là không hợp lý.

Sáng 15/2, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nói: “Tại điều 36 của dự thảo, tôi thấy cơ cấu UBND cấp huyện không có thành viên là Công an huyện và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện. Công an huyện hiện nay không còn nữa nên điều này là phù hợp, nhưng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn còn.

Ban chỉ huy quân sự cấp huyện làm nhiệm vụ rất nhiều tại địa phương nhưng không cơ cấu làm Uỷ viên UBND cấp huyện là không hợp lý. Do vậy, tôi đề nghị nên cơ cấu người đứng đầu Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, quận vào Uỷ viên UBND” .

Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa quân đội cùng cấp vào cơ cấu Uỷ ban Nhân dân- Ảnh 1.

Các đại biểu tại hội trường. (Ảnh: Media Quốc hội)

Cũng nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, khoản 1, điều 36 về các Uỷ viên UBND cần quy định cụ thể hơn nữa.

“Không nên cơ cấu Uỷ viên UBND là giám đốc các sở, ngành, vì các sở ngành là cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh. Cơ cấu tổ chức của UBND bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, người đứng đầu Quân đội và Công an Nhân dân cùng cấp. Tương tự, UBND không tổ chức HĐND cũng nên đưa người đứng đầu công an, quân đội cùng cấp vào trong cơ cấu uỷ viên UBND, vì đó cũng là chính quyền địa phương”, ông Hà Sĩ Đồng đề xuất.

Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa quân đội cùng cấp vào cơ cấu Uỷ ban Nhân dân- Ảnh 2.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đề nghị bổ sung người đứng đầu Ban chỉ huy quân sự cấp huyện làm Uỷ viên UBND cùng cấp: “Trên thực tế, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương luôn gắn liền với công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Hiện nay các nghị quyết của Đảng và Chính phủ đều khẳng định vai trò của quân sự, quốc phòng địa phương, trong đó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn thuộc cơ cấu của Bộ Quốc phòng.

Vì vậy, việc giữ lại thành viên Uỷ viên UBND cấp huyện là Ban chỉ quy Quân sự là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương” .

Địa phương nghèo không được phân cấp, phân quyền là bất hợp lý

Điều 12 quy định, chính quyền địa phương được phân cấp, phân quyền phải đảm bảo đủ điều kiện về nguồn lực, tài chính và những điều kiện khác… Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng điều này rất khó thực hiện.

"Theo quy định thì địa phương nào đảm bảo thu ngân sách cao, nguồn lực đầy đủ thì được phân cấp, phân quyền, vậy địa phương nào nghèo thì không được phân quyền hay sao? Do đó cần phải có sự thống nhất, đảm bảo phân quyền, phân cấp thì không nói đến vấn đề này.

Nếu điều kiện địa phương thiếu về nguồn nhân lực, tài chính thì Trung ương phải đảm bảo, còn đã phân quyền thì phân quyền hết chứ không phải chỗ nào có điều kiện thì phân quyền, chỗ nào không có điều kiện thì không phân quyền. Vì thế tôi đề nghị Quốc hội nên xem lại cho phù hợp”, đại biểu Hoà nêu quan điểm.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng cũng cho rằng, rất khó thực hiện quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương phải đảm bảo về điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Ông cũng đặt câu hỏi "ai sẽ đảm bảo điều kiện này"; nếu thực hiện thì sẽ đi ngược với các nguyên tắc tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương như tại điều 4 của dự thảo.

“Việc của địa phương phải do địa phương quyết, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm. Do đó tôi đề nghị bỏ điều này”, đại biểu Đồng kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu ý kiến, kiến nghị của đại biểu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, đồng thời cho biết, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương là chính đáng, phù hợp với chủ trương chung của Bộ Chính trị.

Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa quân đội cùng cấp vào cơ cấu Uỷ ban Nhân dân- Ảnh 3.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của đại biểu. (Ảnh: Media Quốc hội).

“Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hết sức cần thiết, để vận hành cho chính quyền địa phương đa chủ thể, nhà nước, chính quyền địa phương; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trên tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, qua đó nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào thúc đẩy phát triển đất nước. Đây không phải là vấn đề mới mà là vấn đề toàn cầu nhằm phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương và nền hành chính quốc gia”, bà Trà nói.

Về một số ý kiến đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Ban soạn thảo xin nghiên túc tiếp thu và nghiên cứu, đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý cho phù hợp, đảm bảo tính chặt chẽ, rành mạch, rõ ràng, hạn chế sự chồng chéo, qua đó sớm hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.

“Về tổ chức chính quyền địa phương và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện tạm thời vẫn giữ nguyên để tránh hẫng hụt, bởi trong bối cảnh chúng ta đang tổ chức sắp xếp bộ máy, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đang họp bàn, đánh giá để có hướng phù hợp … nên mong đại biểu thông cảm”, Bộ trưởng Trà nói.