Cuộc chiến thuế quan thêm gay gắt

Admin

Những tuyên bố thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump khiến nhà đầu tư bối rối không biết thuế quan có phải là công cụ mặc cả hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30-3 tuyên bố mức thuế đối ứng sắp được công bố sẽ áp dụng cho "tất cả quốc gia", dập tắt hy vọng rằng chỉ những nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ mới bị nhắm mục tiêu.

Ông Donald Trump vốn xem thuế quan là cách bảo vệ nền kinh tế trong nước trước sự cạnh tranh toàn cầu mà ông cho là không lành mạnh và là quân bài mặc cả để có được các điều khoản tốt hơn cho Mỹ. Những lo ngại về chiến tranh thương mại đang làm thị trường bất ổn và tạo ra nỗi sợ suy thoái kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, tuần trước ông chủ Nhà Trắng dường như hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các mức thuế quan bắt đầu từ ngày 2-4, khi cho rằng biện pháp đáp trả sẽ "rất khoan hồng" và "mọi người sẽ bất ngờ".

Hồi đầu tháng này, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nói với kênh Fox Business rằng các biện pháp sẽ tập trung nhiều vào nhóm khoảng từ 10-15 quốc gia chiếm phần lớn thâm hụt thương mại với Mỹ. Mặc dù các chi tiết cụ thể về kế hoạch của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng nhưng Washington đã cam kết áp thuế lên các nước bằng mức thuế quan và rào cản thương mại phi thuế quan, chẳng hạn như trợ cấp, mà họ áp dụng với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Thông tin chứng khoán, tỉ giá hiển thị tại phòng giao dịch của một ngân hàng ở Hàn Quốc.Ảnh: YONHAP

Thông tin chứng khoán, tỉ giá hiển thị tại phòng giao dịch của một ngân hàng ở Hàn Quốc.Ảnh: YONHAP

Theo kênh Al Jazeera, các mức thuế mới đây của ông Donald Trump đối với ô tô và các phương tiện khác đã làm căng thẳng mối quan hệ của Washington với một số đối tác và đồng minh thân cận nhất, bao gồm Canada, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, những nơi có ngành công nghiệp ô tô lớn. Những tuyên bố thay đổi liên tục của ông Donald Trump về thuế quan khiến các thị trường toàn cầu lo lắng, khi nhiều nhà đầu tư bối rối không biết liệu tổng thống Mỹ có định áp thuế vĩnh viễn hay chỉ coi đó là công cụ mặc cả.

Thị trường chứng khoán châu Á đã giảm mạnh do dự báo sẽ có thêm sự gián đoạn đối với thương mại toàn cầu. Hợp đồng tương lai các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm khi tâm lý ngại rủi ro gia tăng trước thời hạn ngày 2-4. Trong khi đó, vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động, có thời điểm tăng lên mức cao kỷ lục là 3.127 USD/ounce hôm 31-3.

Theo đài CNBC, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo các mức thuế mạnh tay từ Nhà Trắng sẽ làm tăng lạm phát, thất nghiệp và nguy cơ khiến kinh tế đình trệ. Nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs - do người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư toàn cầu Jan Hatzius dẫn đầu - nhận thấy tác động tiêu cực quy mô lớn đến nền kinh tế. Về lạm phát, Goldman Sachs dự báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng khoảng 3,5% trong năm 2025, tăng 0,5 điểm % so với dự báo trước đó và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Nhìn chung, Goldman Sachs dự báo có 35% khả năng xảy ra suy thoái tại Mỹ trong 12 tháng tới, tăng từ mức 20% trong báo cáo trước đó. Mặc dù mức độ áp thuế chưa rõ ràng, theo tờ Wall Street Journal hôm 30-3, ông Donald Trump đang thúc đẩy đội ngũ của mình áp thuế mạnh hơn, có thể khiến các đối tác thương mại của Mỹ phải chịu mức thuế 20%.

Ông Emmanuel Cau, chiến lược gia tại Tập đoàn tài chính Barclays (Anh), nhận định rủi ro thuế quan được báo trước và thị trường đã phản ứng giá nên có thể ngày 2-4 không gây ra cú sốc cho thị trường. Tuy nhiên, theo ông, không ai thắng trong cuộc chiến thương mại và triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang dần u ám. Các cuộc đàm phán có thể sẽ bắt đầu sau ngày 2-4, kéo theo một khoảng thời gian dài bất ổn về quy mô, mức độ và thời điểm áp thuế chính thức.