Công ty bán dẫn nước ngoài ‘nô nức’ đổ vào, Việt Nam dự kiến chiếm 8% - 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu

Admin

Năm 2025, Chuyên gia của PHS đưa ra nhận định khả quan với nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở & khu công nghiệp, dệt may, thủy sản.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong khâu ATP (đóng gói và thử nghiệm) trị giá 95 tỷ USD của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, thông tin đáng chú ý được ghi nhận bởi các chuyen gia Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tại hội thảo đầu tư trực tuyến năm 2025 (Investment Webinar 2025).

Trong đó, Việt Nam có 3 đặc tính trong cuộc chơi mới toàn cầu, bao gồm:

+ Tính ổn định bền vững: Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp tục leo thang, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu trong chuỗi bán dẫn toàn cầu (bất ổn chính trị quân sự bán đảo Triều Tiên; áp lực quân sự vùng biển Đài Loan…), Việt Nam được đánh giá có lợi thế lớn để hưởng lợi sự chuyên dịch đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngành.

+ Tính chủ động thích nghi: bao gồm (i) Chủ động thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam C= SET + 1 đến 2050. Trong đó nổi bật với mục tiêu phát triển 50.000 kỹ sư; (ii) Chủ động trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng và (iii) Chủ động trong việc hợp tác và kết nối với các đơn vị sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới;

+ Tính sẵn sàng: Hệ sinh thái các sản phẩm, thiết bị điện tử sử dụng chip bán dẫn đã được hình thành tại Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ qua và dần được hoàn thiện chuyên sâu với sự tham gia vào thị trường ngày càng nhiều các đơn vị cung ứng linh kiện và nhãn hàng lớn như (Foxconn, Luxshare, Samsung, Pegatron, SK…).

Tỷ lệ ứng dụng của Chip bán dẫn theo các thiết bị, lĩnh vực cụ thể

Công ty bán dẫn nước ngoài ‘nô nức’ đổ vào, Việt Nam dự kiến ​​chiếm 8% - 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu- Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo của PHS.

Nhiều DN nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm , đóng gói chip tại Việt Nam

Thực tế, các công ty nước ngoài đã và đang mở rộng năng lực thử nghiệm, đóng gói chip tại Việt Nam khi mà hoạt động công nghiệp chuyển dịch nhanh chóng khỏi Trung Quốc.

Điển hình, Amkor Technology - công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ năm ngoái đã công bố kế hoạch trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy rộng 200.000 m2 (2,2 triệu feet vuông) mà họ cho biết sẽ trở thành cơ sở rộng lớn và tiên tiến nhất tại Việt Nam.

Hay Intel , hiện đã có nhà máy sản xuất chip lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của mình tại Việt Nam… Điều này cho thấy Việt Nam có một hệ sinh thái bán dẫn tốt, hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group, nhờ phần lớn vào các khoản đầu tư từ các công ty nước ngoài, Việt Nam dự kiến ​​sẽ chiếm 8% - 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) toàn cầu vào năm 2032, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2022.

Công ty bán dẫn nước ngoài ‘nô nức’ đổ vào, Việt Nam dự kiến ​​chiếm 8% - 9% công suất lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu- Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo của PHS.

Nhờ đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng dự kiến ​​của ngành. Đơn cử, FPT đang xây dựng một nhà máy thử nghiệm rộng 1.000 m2 gần Hà Nội, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm sau và tăng gấp ba vào năm 2026, với khoản đầu tư lên tới 30 triệu USD.

Viettel cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy đúc chip đầu tiên của Việt Nam để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là có ít nhất một nhà máy trực tuyến vào năm 2030....

3 cụm từ nổi bật nói về Việt Nam hiện nay: Thể chế, Kinh tế, và Quốc tế

Về bức tranh kinh doanh nói chung, tại hội thảo lần này, các chuyên gia PHS còn đưa ra nhận định về thị trường xoay quanh 3 cụm từ nổi bật trên thị trường hiện nay đó là: Thể chế, Kinh tế, và Quốc tế. Cụ thể:

+ Thể chế bao gồm những cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy Chính phủ, cùng với quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, đang tạo ra động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bao gồm các thay đổi đáng chú ý về luật pháp, chính sách tiền tệ và tài khóa, không chỉ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau những thách thức gần đây mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

+ Kinh tế: Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu đều tăng trưởng dương. Đặc biệt, thị trường bất động sản theo PHS đang hồi phục đáng kể: Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi các dự án bất động sản tiềm năng bắt đầu quay lại đường đua phát triển.

+ Quốc tế: Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ đang thu hút sự chú ý toàn cầu. Các chính sách thương mại và thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, được gọi là “Trump 2.0,” dự kiến sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2025, Chuyên gia của PHS đưa ra nhận định khả quan với nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở & khu công nghiệp, dệt may, thủy sản.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên nhóm mới nổi trong năm 2025, cùng với mặt bằng định giá hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, PHS kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại thị trường, giúp cải thiện thanh khoản và tâm lý cho các nhà đầu tư cá nhân.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,82% - một mức tăng ấn tượng trong cùng kỳ giai đoạn 2020-2024 và chỉ đứng sau năm 2022 khi nền kinh tế mới hồi phục sau đại dịch. Thành tựu này có được nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực sản xuất, thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Sang quý 4 là giai đoạn mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng dồn lực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.