"Khi đi trẻ lúc về già
Hai câu thơ trên trong bài "Hồi hương ngẫu thư" dường như diễn tả chính xác về những người làm nhiệm vụ gác hải đăng. Công việc liên tục phải túc trực, bám trụ lâu dài nơi hải đảo xa xôi đã cuốn đi thanh xuân của họ.
Dịp cận Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi có dịp ghé trạm hải đăng Vĩnh Thực (xã Vĩnh Thực, Tp.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Đây là ngọn hải đăng đầu tiên trong số hơn 90 ngọn trải dài theo bở biển của Việt Nam, được ví như "mắt biển" vùng Đông Bắc.
Có 5 cán bộ nhân viên làm nhiệm vụ "gác đèn" tại đây. Lớn tuổi nhất là anh Hoàng Quốc Thắng (quê Nam Định), còn 2 năm nữa anh đến tuổi nghỉ hưu.
Hơn 20 năm làm nhiệm vụ tại nhiều ngọn đèn từ Nam chí Bắc, anh Thắng đã nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc với nghề.
Cách đây gần 30 năm, khi con trai đầu lòng vừa chào đời, anh quyết định thi tuyển để vào làm để làm công việc rất lạ lẫm với anh - canh giữ hải đăng tại trạm Kê Gà (tỉnh Bình Thuận).
"Hồi đó tìm việc rất khó, bản thân cũng chưa hình dung hết khó khăn, thiệt thòi của nghề, nhưng vì kiếm tiền nuôi vợ con nên thấy có việc là mình làm", anh Thắng nhớ lại.
Và hành trình đầu tiên đến nơi làm việc, anh Thắng đã gặp "cú sốc đầu đời". Cụ thể, sau khi thi đỗ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, anh cùng một đồng nghiệp lên ô tô để đến trạm Kê Gà nhận nhiệm vụ.
Hàng chục giờ di chuyển bằng ô tô trên những cung đường gập ghềnh đã vắt kiệt sức anh. Thế nhưng, khi trả anh xuống đường quốc lộ, lái xe nói đến trạm Kê Gà phải đi chừng 30km đường rừng.
Sau khoảng 5km cuốc bộ, nhìn bốn bề núi rừng thăm thẳm, anh và người đồng nghiệp đã suy sụp. "Lúc đó một chuyến xe chạy qua, mình sẽ quay về luôn", anh Thắng kể lại.
Trong tình thế "đâm lao theo lao", hai người lủi thủi đi tiếp và may mắn gặp được một người dân hỗ trợ đưa đến trạm. "Nghề đã chọn người" và anh Thắng đã gắn bó đến nay.
Về khó khăn chung của nghề, anh Thắng chia sẻ, nước ngọt là thứ quà xa xỉ, việc sử dụng phải tiết kiệm và được tận dụng tối đa. Nguồn nước từ mùa mưa sẽ được tích trữ lại để sử dụng tiết kiệm cho cả mùa khô. "Nhiều khi muốn tắm giặt thoải mái cũng là ước mơ", anh Thắng cho hay.
Hay năm 2014, khi gác tại trạm đảo Long Châu (Cát Bà, Tp. Hải Phòng), trong một lần vào đất liền mua thực phẩm thì không may gặp dông khiến mủng của anh bị lật. Tưởng chừng phải "sinh nghề tử nghiệp" nhưng anh đã được ngư dân hỗ trợ và bình an.
Thế nhưng, với những người gác hải đăng thì khó khăn lớn nhất phải vượt qua là nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con. "Nghề này thương vợ nhiều lắm. Mình vất vả vì môi trường hải đảo xa xôi thôi, nhưng vợ ở nhà vừa sống trong cảnh xa chồng, vừa một tay nuôi con lớn khôn. Nhiều khi nghĩ về vợ chỉ biết rơi nước mắt.
Lần lần nghỉ phép ngắn không thể bù đắp thiếu thốn đó cho vợ con. Không được hậu phương vững chắc có thể đánh đổi cả hạnh phúc gia đình", anh Thắng bộc bạch.
Anh Thắng tâm sự, thời điểm cách đây gần 20 năm, việc liên lạc về nhà rất khó khăn, khi nhớ nhà phải theo nhờ tàu cá, hoặc đảo gần thì tự bơi thuyền vào trạm điện thoại của xã để gọi điện về.
Nhiều khi phải gọi nhờ điện thoại di động của người dân mà họ tính phí hơn 10 nghìn đồng/phút. Tiếc tiền và muốn dành dụm cho vợ con nên bao tâm sự dang dở cũng đành gác lại chờ ngày nghỉ phép.
Đặc biệt, tại những trạm không có người dân sinh sống, những người gác hải đăng còn đối diện với sự "thèm người", nhiều khi chỉ mong có người lạ ghé qua để được chuyện trò.
Về nhà lại thấy nhớ nghề
Từ khó khăn, có giây phút tưởng chừng khó có thể vượt qua nhưng anh Thắng và rất nhiều "người gác đèn" vẫn gắn bó và yêu công việc này từ bao giờ.
"Rất nhớ nhà nhưng khi về nghỉ phép vài ngày thì trong lòng lại thấy nhớ trạm, nhớ đồng nghiệp, nhớ công việc", anh Trần Quốc Tuấn (quê Hải Phòng) bộc bạch.
Anh Tuấn chia sẻ thêm, có lẽ công việc của những người như các anh đã góp phần vào đảm bảo an toàn hàng hải, "dẫn lối soi đường" cho tàu bè đi lại an toàn, phát hiện sự cố khi ngư dân gặp nạn đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao.
"Hơn thế nữa, bản thân chúng tôi ý thức được mình đang góp phần vào công cuộc giữ gìn an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo quốc gia", anh Tuấn nói và cho rằng, đó mới chính là sợi dây vô hình gắn các anh với công việc.
Bởi thực tế, mức lương cho tới thời điểm hiện tại chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng thì không thể là động lực khiến họ đánh đổi nhiều thứ để gắn bó với công việc này.
Anh Tuấn chia sẻ, để đảm bảo cho trạm được hoạt động thông suốt, hằng ngày các anh sẽ phải phân công làm nhiều công việc như: kiểm tra hệ thống phát điện, kiểm tra và vệ sinh hệ thống năng lượng mặt trời, đèn hải đăng, trực bộ đàm, hoa tiêu,…
Tất cả công việc được phân công, túc trực 24/24 để đảm bảo tuyệt đối cho hệ thống không bao giờ ngừng hoạt động, đồng thời nắm bắt được mọi thông tin "cầu cứu" của tàu bè gặp sự cố trong khu vực phụ trách.
Anh Đồng Văn Cường – Trạm trưởng trạm Hải Đăng Vĩnh Thực cho biết, biết em ở trạm thiệt thòi nên cứ vào dịp lễ, tết, rất nhiều ban ngành đoàn thể địa phương đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên.
Bên cạnh đó, anh em cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cơ quan là Xí nghiệp đảm bảo an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ và Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc. Mỗi trạm đều có tổ công đoàn để chăm lo đời sống cho mọi người.
Để làm được công việc, mọi người phải thực sự có sự gắn kết, coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Mọi buồn vui trong công việc cuộc sống đều được sẻ chia. Thời gian rảnh, mọi người cũng tăng gia sản xuất.
"Điều kiện hải đảo khắc nghiệt, nên mỗi khi nuôi được con gà, trồng được cây rau cũng khiến anh em vui không tả được", anh Cường chia sẻ.
Những "người gác đèn" trong câu chuyện kể trên chỉ là một trong những trường hợp vì những công việc đặc thù, hay trách nhiệm với xã hội mà không có được những cái Tết trọn vẹn, đầm ấm bên gia đình. Qua những chia sẻ của họ, chúng ta cảm thấy trân quý hơn những người lao động chịu thiệt thòi, đồng thời trân trọng hơn những giây phút đón xuân bên người thân gia đình.