Mới đây, Starbucks Việt Nam đã chính thức khai trương cửa hàng mới nằm tại tầng 1, Tòa nhà Bưu điện Hà Nội, số 87 Đinh Tiên Hoàng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cửa hàng nằm tại vị trí hai mặt tiền tiếp giáp phố Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ - một trong những vị trí đắt giá bậc nhất thủ đô Hà Nội.
Vị trí này không chỉ sở hữu tầm nhìn trực diện ra Hồ Gươm mà còn nằm giữa trung tâm văn hóa - du lịch lâu đời của thành phố. Theo khảo sát thị trường, giá thuê trung bình tại khu vực này dao động khoảng 260 triệu đồng mỗi tháng, phản ánh giá trị "kim cương" của mặt bằng
Vị trí cửa hàng mới phù hợp với định hướng thương hiệu của Starbucks
Chia sẻ về lựa chọn chiến lược của Starbucks, chuyên gia F&B Hoàng Tùng - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ ăn uống - nhận định rằng đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với định hướng thương hiệu mà Starbucks theo đuổi từ trước đến nay. Ông cho rằng Starbucks luôn ưu tiên các mặt bằng có yếu tố biểu tượng, sở hữu kiến trúc đặc biệt hoặc nằm ở các vị trí trung tâm, có ý nghĩa văn hóa - lịch sử. Vị trí mới này không chỉ mang lại tầm nhìn thoáng đãng hướng ra Hồ Gươm mà còn giúp thương hiệu nâng tầm hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng, nhất là với những ai yêu thích không gian trải nghiệm đặc trưng mà Starbucks xây dựng.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố thẩm mỹ và biểu tượng, vị trí này còn đặc biệt giá trị nhờ lượng người qua lại khổng lồ mỗi ngày. Theo vị chuyên gia này, khu vực quanh Hồ Gươm có thể xem là nơi có lưu lượng người đi bộ cao nhất Hà Nội, không chỉ là điểm tập trung của người dân Thủ đô mà còn là điểm đến quen thuộc của hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Với đặc điểm đó, một cửa hàng cà phê tại đây có thể tận dụng lượng khách tự nhiên, giảm bớt sự phụ thuộc vào các hoạt động tiếp thị tốn kém. Điều này rất phù hợp với mô hình kinh doanh của Starbucks - một thương hiệu đã thành công toàn cầu nhờ khả năng xây dựng không gian mang tính trải nghiệm cao, kết hợp với vị trí đắc địa.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng cũng nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực F&B, địa điểm dù quan trọng vẫn phải “đi sau” mô hình kinh doanh. Nghĩa là, một mặt bằng chỉ thực sự “đẹp” khi nó phù hợp với định hướng vận hành của thương hiệu. Với những chuỗi theo mô hình trải nghiệm như Starbucks, các cửa hàng thường cần không gian rộng, thoáng đãng, ở những nơi có khách hàng mục tiêu thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Ngược lại, những thương hiệu áp dụng mô hình tinh gọn có thể không cần mặt bằng lớn hay quá nổi bật. Vì thế, việc đánh giá một địa điểm là tốt hay không cần đặt trong ngữ cảnh cụ thể của từng thương hiệu
Việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh F&B cần nhiều lưu ý
Trên thực tế, lựa chọn mặt bằng cho ngành F&B là một quá trình đánh giá đa yếu tố. Bên cạnh yếu tố lưu lượng người qua lại - hay còn gọi là “traffic” - thì yếu tố nhận diện thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Một cửa hàng có mặt tiền rộng, dễ nhìn thấy có thể đóng vai trò như một bảng quảng cáo ngoài trời hiệu quả, trong khi một địa điểm bị khuất tầm nhìn, mặt tiền nhỏ hoặc lẫn trong các khu vực phức tạp sẽ làm giảm đáng kể khả năng thu hút khách hàng, dù traffic có cao đến đâu. Việc khách hàng dễ dàng nhìn thấy, nhận diện cửa hàng ngay từ xa thường là điều kiện tiên quyết để tạo ra hành vi ghé thăm tự nhiên.
Ngoài ra, những yếu tố liên quan đến vận hành thực tế cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Một mặt bằng lý tưởng không thể thiếu vỉa hè rộng để khách hàng dễ dàng dừng xe, lên xuống hay thậm chí có thể mở rộng không gian kinh doanh vào buổi tối. Trường hợp thuê được vị trí cạnh ngân hàng hoặc các đơn vị hành chính có vỉa hè lớn và ít hoạt động vào ban đêm cũng mang lại lợi thế đáng kể. Ngược lại, những mặt bằng không có vỉa hè hoặc quá hẹp sẽ gây bất tiện trong phục vụ và ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.


Yếu tố pháp lý và chủ nhà cũng là điểm mấu chốt không thể bỏ qua. Theo ông Tùng, mặt bằng lý tưởng phải có giấy tờ pháp lý rõ ràng, hợp đồng thuê được ký kết trực tiếp với chủ sở hữu bất động sản. Tránh những trường hợp ký với người nhà hoặc người đứng trung gian, bởi điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến tranh chấp quyền lợi. Thêm vào đó, cần chú ý đến các điều khoản hợp đồng: nếu phát hiện chủ nhà có xu hướng áp đặt những yêu cầu phi lý - chẳng hạn như tăng giá thuê đột ngột, buộc trả lại hiện trạng khắt khe - thì nên loại bỏ từ đầu.
Một yếu tố khác cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng là thời hạn thuê. Nếu hợp đồng thuê chỉ dưới ba năm thì gần như không đủ thời gian để hoàn vốn đầu tư, chưa kể chi phí thiết kế, vận hành ban đầu luôn rất lớn với các thương hiệu lớn như Starbucks. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ khu vực xung quanh xem có nằm trong quy hoạch xây dựng đường, cầu hay các dự án có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong tương lai hay không.
Cuối cùng, yếu tố giá thuê - dù thường được đưa ra sau cùng – lại là yếu tố quyết định. Một mặt bằng đẹp, đầy đủ điều kiện thuận lợi nhưng nếu mức giá vượt quá ngưỡng chịu đựng của mô hình tài chính thì vẫn phải loại bỏ. Với các thương hiệu đang xây dựng hình ảnh thì đôi khi họ có thể chấp nhận "lỗ" để tăng nhận diện, nhưng nếu mục tiêu là kinh doanh thực chất, có lợi nhuận ổn định, thì giá thuê phải phù hợp.