Chưa hạ nhiệt vì mất khí đốt Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sắp hứng cú đánh bồi từ nước cung cấp điện hàng đầu

Admin

Thị trường năng lượng châu Âu có nguy cơ hứng đòn giáng mới từ chính sách xuất khẩu điện sắp tới của Na Uy.

Chưa hạ nhiệt vì mất khí đốt Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sắp hứng cú đánh bồi từ nước cung cấp điện hàng đầu- Ảnh 1.

Các quy định năng lượng của châu Âu đã gây ra sự hỗn loạn trong chính trường Na Uy. Giờ đây, sự hỗn loạn trong chính trường Na Uy sẽ tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng châu Âu.

Vòng xoáy ngược này diễn ra vào thời điểm cực kỳ tồi tệ đối với châu Âu khi an ninh năng lượng của lục địa này tiếp tục suy yếu sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm 2022.

Trong vài năm qua, châu Âu đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo để tăng cường an ninh năng lượng khu vực. Trước xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng giá rẻ của Nga để duy trì điện và nền kinh tế. Tính đến năm 2020, năng lượng nhập khẩu từ “xứ bạch dương” đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng của “lục địa già”. Riêng tại Đức, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên và 1/3 lượng dầu tiêu thụ đến từ Nga.

Nhằm thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga, các nước EU đã tăng cường phát triển điện gió và mặt trời. Nhưng phát triển quá mức đang gây ra hậu quả cho thị trường năng lượng châu Âu.

Việc dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của lưới điện nếu quản lý không tốt. Lưới điện của Đức hiện phụ thuộc nhiều hơn vào thời tiết hơn bao giờ hết. Nếu không có đủ nguồn điện cơ bản chạy 24/7, Berlin sẽ phải nhập khẩu từ các nước láng giềng để lấp đầy kho dự trữ trong mùa đông dài khi trời tối và không có gió.

Thị trường năng lượng Na Uy lân cận cũng chịu tác động lớn từ cơn sốt năng lượng tái tạo tại châu Âu. Khi lưới điện Đức hấp thụ càng nhiều điện của Na Uy, giá điện tại Na Uy lại tăng cao chưa từng có đối với người tiêu dùng trong nước. Na Uy vốn có nguồn cung năng lượng giá rẻ và dồi dào nhờ thủy điện. Vì thế, người dân nước này không hài lòng khi phải hy sinh giá điện rẻ để duy trì điện cho Đức. Năm 2024, Na Uy là nước xuất khẩu điện lớn thứ 3 sang thị trường EU.

Nỗi bất mãn này đã dẫn đến sự rạn nứt nghiêm trọng trong chính phủ Na Uy – quốc gia không phải là thành viên EU. Cuối tháng 1, Đảng Trung tâm của Na Uy đã tuyên bố rời khỏi chính phủ liên minh sau những bất đồng về việc thông qua các chính sách năng lượng của EU, khiến Đảng Lao động trung tả sẽ phải một mình điều hành chính phủ 8 tháng trước bầu cử.

Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Trygve Slagsvold Vedum, lãnh đạo Đảng Trung tâm, khiến Thủ tướng Jonas Gahr Store mất đi đối tác liên minh duy nhất và 8 trong số 20 thành viên trong nội các của ông.

“Giá điện của Na Uy tăng cao và không ổn định, nhưng EU ngăn cản chúng tôi thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát xuất khẩu điện”, Bộ trưởng Trygve Slagsvold Vedum nói. Ông kêu gọi Na Uy “lấy lại quyền kiểm soát quốc gia” đối với giá điện.

Chính phủ Na Uy hiện đang xem xét một cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế xuất khẩu điện. Nếu Na Uy hạn chế hoặc cắt giảm hoàn toàn nguồn điện sang EU, thì đây sẽ là thảm họa đối với khối này.

Theo Oilprice