‘Chia tay’ ông Trump, rời bỏ nước Mỹ: Viễn cảnh gây sốc nếu Musk chuyển đế chế kinh doanh tới Trung Quốc

Admin

Do dự luật thuế và chi tiêu, Tổng thống Mỹ Trump và tỷ phú Musk đã hoàn toàn bất hòa. Ông Trump dọa trục xuất Musk - người sinh ra ở Nam Phi, còn Musk dọa thành lập một đảng mới.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 14/7 đưa tin rằng, căng thẳng giữa hai người đã leo thang, làm dấy lên suy đoán về việc liệu tỷ phú Musk có chuyển đế chế kinh doanh của mình sang Trung Quốc hay không.

"Nếu căng thẳng giữa Musk và [Tổng thống] Trump leo thang - đặc biệt là về các vấn đề như quy định, trợ cấp, kiểm duyệt hoặc thuế, Musk có thể chuyển nhiều nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc sản xuất ra nước ngoài", chuyên gia Denis Simon tại tổ chức nghiên cứu Quincy Institute of Responsible Statecraft (Mỹ) - cho biết.

"Trung Quốc có chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng tiên tiến và có thể trở thành một điểm đến phổ biến", Simon lưu ý. "Mặc dù Musk không thể chuyển hoàn toàn đế chế kinh doanh của mình sang Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và rào cản an ninh quốc gia [của Mỹ], nhưng việc chuyển giao kiến thức có chọn lọc, liên minh mang tính tượng trưng và di dời sản xuất là hoàn toàn có thể."

Tuy nhiên, chuyên gia Simon cũng cho biết, mặc dù tỷ phú Musk có thể chuyển hoạt động kinh doanh xe điện sang Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, nhưng việc chuyển giao các hoạt động kinh doanh khác sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là công ty công nghệ vũ trụ SpaceX.

"Vai trò của SpaceX trong lĩnh vực quốc phòng, truyền thông vệ tinh và dịch vụ phóng tàu vũ trụ của Mỹ khiến hoạt động này về cơ bản không thể chuyển giao", ông nói. "Nếu Musk cố gắng chuyển giao công nghệ vũ trụ quan trọng cho các đối thủ địa chính trị, ông ta có thể bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia [Mỹ]."

Chuyên gia Simon tin rằng Trung Quốc có chuỗi cung ứng xe điện, các ưu đãi chính sách và nhóm người tiêu dùng có lợi cho Tesla, nhưng việc chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ cho Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng chính trị dữ dội tại Mỹ, đặc biệt là khi nói đến công nghệ được cấp bằng sáng chế.

Năm 2020, Tesla chiếm hơn 16% tổng doanh số bán xe điện tại Trung Quốc, nhưng thị phần này đã giảm xuống còn 6% vào năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ Trung Quốc như BYD và Xpeng.

Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về công nghệ xe điện, theo Zhou Yu - giáo sư địa lý tại Đại học Vassar (Mỹ), người nghiên cứu về toàn cầu hóa và ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.

"Nhìn chung, lời nói và hành động của Musk sẽ có tác động nhất định đến quan điểm của mọi người về Trung Quốc, nhưng ông ấy sẽ không thay đổi trọng tâm đổi mới sáng tạo hay môi trường của Trung Quốc", Zhou nói.

"Sẽ rất khó để chuyển hoạt động R&D sang Trung Quốc, vì vậy ông ấy có thể mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng hệ sinh thái kinh doanh xe điện của Trung Quốc đã trưởng thành, vì vậy những thay đổi mà Musk có thể tạo ra là không đáng kể", Zhou nói thêm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Denis Simon tại Quincy Institute of Responsible Statecraft còn đề cập đến những vấn đề mà các doanh nghiệp khác của tỷ phú Musk có thể gặp phải khi đặt chân đến Trung Quốc, bao gồm công ty giao diện não-máy tính (BCI) Neuralink và Boring Company - công ty đang phát triển mạng lưới giao thông tương lai Hyperloop.

"Ý tưởng Hyperloop của Musk thành công hơn khi chỉ là nguồn cảm hứng thay vì là một dự án thực sự", Simon cho biết.

Theo chuyên gia này, mặc dù Trung Quốc từ lâu đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về đường sắt cao tốc, nhưng nếu Musk thực sự cố gắng xây dựng một nguyên mẫu Hyperloop tại Trung Quốc, nó vẫn có thể là một minh chứng kỹ thuật cho các hệ thống giao thông vận tải trong tương lai.

Simon tin rằng tín hiệu này có thể nhắm đến các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học trẻ Trung Quốc hiện đang ở Mỹ, hoặc các quốc gia đang tìm kiếm các mô hình phát triển phi phương Tây.

‘Chia tay’ ông Trump, rời bỏ nước Mỹ: Viễn cảnh gây sốc nếu Musk chuyển đế chế kinh doanh tới Trung Quốc- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, mặc dù tỷ phú Elon Musk có thể chuyển hoạt động kinh doanh xe điện sang Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, nhưng việc chuyển giao các hoạt động kinh doanh khác sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là công ty công nghệ vũ trụ SpaceX. Ảnh: Gorick

Cư dân mạng Trung Quốc chào đón Musk

SCMP đưa tin, một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã chào đón tỷ phú Musk sau khi Tổng thống Trump và các đảng viên Cộng hòa khác đe dọa trục xuất Musk.

Một cư dân mạng viết: "Nếu ông ta không có quốc gia, Trung Quốc sẽ chào đón Musk và xe Tesla sẽ rẻ hơn."

"Vậy thì hãy đến Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ chào đón những tài năng giàu có, sáng tạo và đổi mới", một người khác bình luận.

Đầu tháng này, khi Tổng thống Trump ký dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu "to lớn và đẹp đẽ" thành luật, mâu thuẫn giữa ông với tỷ phú Musk lại leo thang.

Vào ngày 1/7, Tổng thống Trump đã đăng lên mạng xã hội, chỉ trích các khoản trợ cấp chính phủ mà các công ty của Musk nhận được và đề xuất Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) tiến hành điều tra.

"Cho đến nay, Musk đã nhận được nhiều trợ cấp hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Nếu không có trợ cấp, ông ta có thể phải đóng cửa và trở về Nam Phi. Không còn phóng tên lửa, vệ tinh hay sản xuất xe điện, đất nước chúng ta [Mỹ] có thể tiết kiệm rất nhiều tiền. Có lẽ chúng ta nên để DOGE kiểm tra kỹ lưỡng? Điều này có thể tiết kiệm rất nhiều tiền!", ông Trump viết.

Theo tờ Washington Post, đế chế kinh doanh của tỷ phú Musk cho đến nay đã nhận được 38 tỷ USD từ các hợp đồng, khoản vay, trợ cấp và tín dụng thuế của chính phủ Mỹ.

Chuyên gia Simon lưu ý: "Nguồn gốc sinh ra là người Nam Phi và có quốc tịch Canada của Musk khiến ông ta về mặt lý thuyết có thể bị trục xuất, nhưng bất kỳ nỗ lực trục xuất nào cũng sẽ là cơn ác mộng về mặt pháp lý và chính trị, và khó có thể xảy ra ngay cả dưới thời [Tổng thống] Trump."

Theo SCMP, Washington Post