Cao tốc có địa hình phức tạp xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo hiểm, mở thêm một lối ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, rút ngắn nửa thời gian từ Bình Định đến Gia Lai

Admin

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 123 km, quy mô 4 làn xe, sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo hiểm An Khê và Mang Yang.

Tổng chiều dài Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khoảng 123 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định 37,4 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai 85,6 km. Tuyến đi qua địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.

Tuyến đường này đi qua địa hình đồi núi hiểm trở, đặc biệt với hai đoạn đèo nổi tiếng là An Khê và Mang Yang, nơi độ dốc lớn và cung đường quanh co gây khó khăn cho giao thông.

Để vượt qua thách thức này, dự án dự kiến xây dựng ba hầm xuyên núi hiện đại, hứa hẹn rút ngắn thời gian di chuyển và nâng cao an toàn cho người dân cũng như hoạt động vận tải.

Cao tốc có địa hình phức tạp xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo hiểm, mở thêm một lối ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, rút ngắn nửa thời gian từ Bình Định đến Gia Lai- Ảnh 1.

Đèo An Khê, dài khoảng 9km với chênh lệch độ cao hơn 400m, và đèo Mang Yang, dài 5km với độ cao chênh lệch hơn 300m, hiện là những điểm nghẽn giao thông đáng kể. Các phương tiện qua đây chỉ đạt tốc độ trung bình 40-50km/h, làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum đến cảng biển Quy Nhơn.

Nhằm giải quyết vấn đề, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất xây dựng ba hầm: hầm An Khê 1 dài 1.170m, hầm An Khê 2 dài 860m và hầm Mang Yang dài 3.000m. Mỗi hầm được thiết kế với hai ống song song, rộng hơn 10m, đáp ứng tiêu chuẩn cho hai làn xe lưu thông an toàn. Giải pháp này không chỉ giảm độ dốc và độ cong của tuyến đường mà còn giúp phương tiện di chuyển nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn.

Cao tốc có địa hình phức tạp xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo hiểm, mở thêm một lối ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, rút ngắn nửa thời gian từ Bình Định đến Gia Lai- Ảnh 2.

Dự kiến xây dựng 3 công trình hầm xuyên núi qua đèo An Khê và Mang Yang. Ảnh minh họa

Ngoài các hầm xuyên núi, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku còn bao gồm 63 cầu trên tuyến chính và 11 cầu vượt ngang, được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, đảm bảo độ bền và chất lượng lâu dài. Với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng gần 25m và vận tốc thiết kế 100km/h, tuyến đường được hoạch định để đáp ứng nhu cầu giao thông hiện đại.

Được biết, hiện việc kết nối bằng đường bộ từ Gia Lai xuống Bình Định chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 19. Mặc dù Quốc lộ 19 đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cấp III, tuy nhiên trên tuyến có 2 vị trí đèo An Khê và đèo Mang Yang quanh co, hiểm trở. Điều này khiến việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế, tốc độ bình quân chỉ khoảng 40 - 50 km/h, thời gian từ TP. Quy Nhơn (Bình Định) đến TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) mất tới 3,5 - 4 giờ.

Bên cạnh đó, theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 13.000 - 15.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm.

Nếu tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đưa vào khai thác sẽ giúp hành trình từ Gia Lai xuống cụm cảng biển ở Bình Định chỉ còn 1,5 giờ so với lưu thông bằng Quốc lộ 19 hiện hữu.

“Đây là tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, mở rộng không gian phát triển, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung”, ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá.

Ban Quản lý dự án 2 xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 38.917 tỷ đồng.