Căng thẳng thương mại - "gánh nặng" cho tăng trưởng toàn cầu

Admin

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào cũng sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho tăng trưởng toàn cầu .

Lo ngại về "thảm họa" đối với tăng trưởng toàn cầu

Trong một cuộc tranh luận thảo luận về các mối đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa diễn ra, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào cũng sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho tăng trưởng toàn cầu.

"Nếu chúng ta trả đũa bằng biện pháp ăn miếng trả miếng, dù là mức thuế 25% hay đến 60% và quay lại thời điểm những năm 1930, chúng ta sẽ chứng kiến GDP toàn cầu giảm tới hai chữ số. Thật thảm khốc và tất cả chúng ta đều sẽ phải trả giá, nhất là tại các nước nghèo", Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Theo đó, các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2025 từ nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho thấy mức tăng trưởng ổn định quanh ngưỡng 3%. Mức tăng trưởng được coi là ổn định nhưng dưới mức trung bình dài hạn, vẫn thấp hơn mức trung bình 3,5% trước đại dịch Covid-19. Những dự báo tích cực của tăng trưởng kinh tế thế giới phản ánh hiệu quả của các chính sách tiền tệ thắt chặt trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Việc duy trì lãi suất cao đã không dẫn đến suy thoái mạnh như lo ngại.

Dự báo năm nay, lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm, tiến gần hơn đến mục tiêu ổn định giá. Theo IMF, lạm phát toàn cầu dự kiến giảm từ 5,8% năm 2024 xuống còn 4,3% năm 2025 và theo OECD (9/2024), các nền kinh tế phát triển có thể đạt mức 2,0%, gần sát mục tiêu của ngân hàng trung ương. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng ghi nhận sự cải thiện, với lạm phát giảm từ 7,9% năm 2024 xuống 5,9% năm 2025. Giá dầu, một yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát toàn cầu, được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sẽ tiếp tục giảm, với giá dầu WTI trung bình ở mức 69,12 USD/thùng vào năm 2025. Tuy nhiên, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và biến động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là những yếu tố khó lường, có thể làm gián đoạn xu hướng giảm lạm phát trong tương lai gần.

Tuy nhiên, các dự báo cũng đưa ra tình trạng lo ngại về chiến tranh thương mại, gia tăng bảo hộ thương mại và áp lực từ chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực kinh tế, nhiều quốc gia lớn.

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo sẽ áp thuế quan đối với Trung Quốc và các quốc gia thành viên khác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Mexico, Canada và các nước châu Âu. Qua chính sách thuế, ông Donald Trump muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ; và bằng cách làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn, ông Trump muốn khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất hoặc sản xuất tại Mỹ.

Theo Tổng Giám đốc WTO, giả sử khi toàn cầu chia thành hai khối thương mại thì chúng ta sẽ mất 6,4% GDP toàn cầu thực tế trong dài hạn. Điều đó giống như mất đi tương đương hai nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại", bà Okonjo - Iweala nói.

Các quốc gia cân nhắc các biện pháp đối phó

Trên thực tế, đến nay, sau khi bị tổng thống Donald Trump “gọi tên” trong danh sách các nước sẽ bị tăng thuế hàng xuất khẩu vào Mỹ, nhiều nước đang cân nhắc các biện pháp đối phó, đáp trả - báo hiệu về một cuộc chiến tranh thương mại rộng khắp có thể xảy ra, với những hậu quả nặng nề.

Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ khi tháng trước ông Donald Trump thúc giục EU mua thêm dầu và khí đốt từ Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với loạt thuế quan mới.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố, châu Âu phải bảo vệ chủ quyền trước sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn đang ưu tiên cho đối thoại và sẵn sàng xem xét việc mua thêm vũ khí và năng lượng từ Mỹ để tránh việc bị áp thuế các mặt hàng khác.

Trong khi đó, Ủy viên kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền của mình nếu cần thiết. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, khi Mỹ áp dụng thuế quan đối với thép và nhôm của Châu Âu, chúng tôi đã phản ứng theo cách tương xứng. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, nhưng trước hết chúng tôi muốn hợp tác với chính quyền Mỹ".

Còn Trung Quốc - trước những động thái của ông Trump, quốc gia này đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào mà chỉ có thiệt hại cho các bên.

Ngày 23/1, người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc Hà Á Đông cho biết: "Lập trường của Trung Quốc về vấn đề thuế quan là nhất quán. Các biện pháp thuế quan không có lợi cho Trung Quốc và Mỹ, cũng như cho toàn thế giới. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi".

Đối với Nga, ngày 23/1, ông Donald Trump đã nhắm mũi tên áp thuế, trừng phạt nếu Nga không tham gia đối thoại về vấn đề Ukraine. Trước tình hình đó, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Peskov cho biết: "Chúng tôi không thấy bất kỳ yếu tố mới nào ở đây. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Donald Trump thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt hơn bất kỳ ai khác.

Theo Ông Peskov, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Moscow hiện đang chờ đợi những tín hiệu tương tự nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy./.