Buồn của Nga: Sở hữu ‘kho báu’ triệu tấn, ôm mộng sản xuất 45.000 tấn/năm để vượt Mỹ năm 2030 nhưng lệnh trừng phạt và rủi ro thị trường đe doạ bóp nghẹt tham vọng ngay từ vạch xuất phát

Admin

Sở hữu nhiều mỏ lithium lớn, Nga đặt mục tiêu sản xuất vượt Mỹ và chiếm 10% thị trường toàn cầu vào 2030. Nhưng lệnh trừng phạt từ phương Tây, sự e dè của Trung Quốc và thị trường ngày càng bão hòa đang đẩy kế hoạch này vào thế khó.

Buồn của Nga: Sở hữu ‘kho báu’ triệu tấn, ôm mộng sản xuất 45.000 tấn/năm để vượt Mỹ năm 2030 nhưng lệnh trừng phạt và rủi ro thị trường đe doạ bóp nghẹt tham vọng ngay từ vạch xuất phát- Ảnh 1.

Tham vọng khai thác lithium của Nga đối mặt với thách thức lớn

Nga là một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng lithium chưa khai thác lớn hàng đầu thế giới. Với ước tính 1 triệu tấn, trữ lượng lithium chưa khai thác của Nga tương đương với Mỹ.

Lithium là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion, đặc biệt khi nhu cầu của ngành xe điện tăng vọt. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt dầu khí đang gây áp lực lên nền kinh tế Nga, việc khai thác lithium trở thành một ưu tiên chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định: "Việc sản xuất kim loại này là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng". Tuy nhiên, tham vọng này đang gặp phải nhiều rào cản từ thị trường, các lệnh trừng phạt quốc tế và môi trường khai thác phức tạp.

Mỏ Kolmozerskoye : Trọng tâm của chiến lược lithium

Nga đã đạt được một số thỏa thuận quốc tế và hiện đang kiểm soát một số khu vực có trữ lượng lithium của Ukraine. Nhưng viên ngọc quý thực sự của Nga là mỏ Kolmozerskoye ở Murmansk, vùng cực Bắc nước này.

Đây là dự án khai thác lithium lớn nhất của Nga, do Polar Lithium phụ trách. Polar Lithium được thành lập vào năm 2023 dưới dạng một liên doanh giữa công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom và tập đoàn kim loại tư nhân Nornickel. Ngoài ra, dự án còn có sự hỗ trợ kỹ thuật từ công ty Trung Quốc MCC International Incorporation.

Mỏ dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2030 với sản lượng khoảng 45.000 tấn lithium mỗi năm, ngang bằng với Chile là quốc gia sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới. Nga đặt mục tiêu tự cung tự cấp lithium và chiếm 10% thị trường toàn cầu vào năm 2030, vượt qua Mỹ để trở thành một trong 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Buồn của Nga: Sở hữu ‘kho báu’ triệu tấn, ôm mộng sản xuất 45.000 tấn/năm để vượt Mỹ năm 2030 nhưng lệnh trừng phạt và rủi ro thị trường đe doạ bóp nghẹt tham vọng ngay từ vạch xuất phát- Ảnh 2.

Murmansk, vùng cực Bắc nước Nga.

Rào cản từ lệnh trừng phạt và thị trường

Vào ngày 10/1, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, trong đó có Polar Lithium. Điều này có thể khiến các đối tác quốc tế như Trung Quốc e ngại.

Nhà phân tích Vita Spivak nhận định rằng các lệnh trừng phạt có thể hạn chế sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong chuỗi cung ứng kim loại, do các công ty Trung Quốc lo ngại về nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp.

Ông Pavel Devyatkin từ Viện Bắc Cực cũng đồng tình rằng lệnh trừng phạt này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của Nga, bởi các công ty Trung Quốc thường tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Chuyên gia Philip Andrews-Speed tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, dự đoán rằng Trung Quốc có thể rút lui hoặc làm chậm tiến trình dự án.

Bên cạnh đó, thị trường lithium toàn cầu đang bước vào giai đoạn khó khăn.

Từng được mệnh danh là "vàng trắng" hoặc "dầu mỏ của thế kỷ 21", lithium hiện tại không còn quá khan hiếm. Chuyên gia Ahmed Mehdi từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết nguồn cung lithium từ Trung Quốc, Australia và châu Phi ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, sau khi giá tăng mạnh nhờ làn sóng xe điện, tình trạng cung vượt cầu đã khiến thị trường hạ nhiệt vào năm 2024. Điều này đặt ra thách thức lớn về tính khả thi thương mại của Polar Lithium.

Tương lai của dự án Polar Lithium

Mặc dù đối mặt với nhiều trở ngại, dự án Polar Lithium chưa hoàn toàn bị khai tử. Chuyên gia Andrews-Speed nhận định rằng Nga vẫn có thể tiếp tục triển khai mà không cần sự hợp tác của Trung Quốc, với hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ trong tương lai. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược một số lệnh trừng phạt của chính quyền ông Biden.

Ngay cả khi bị trừng phạt, Nga cũng có thể tìm cách bán lithium chưa qua tinh chế một cách lặng lẽ, tương tự như cách họ đã làm với dầu khí. Tuy nhiên, việc chế biến lithium mới là yếu tố mang lại giá trị kinh tế lớn.

Trung Quốc hiện thống trị thị trường chế biến lithium, từ khâu tuyển quặng, sản xuất oxit cho đến chế tạo pin. Đây mới là khâu thực sự tạo ra lợi nhuận. Điều này khiến tham vọng chiếm 10% thị trường toàn cầu của Nga trở nên đầy thách thức.

Dù còn nhiều khó khăn, Nga vẫn kiên định với mục tiêu khai thác lithium để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng cường vị thế của mình trong ngành công nghiệp kim loại quan trọng này. Tuy nhiên, khả năng thành công của dự án sẽ phụ thuộc vào việc Nga có thể vượt qua các rào cản địa chính trị và thị trường hay không.

Theo BI