Bị nhắm thẳng vào lĩnh vực không thể sản xuất dù chỉ 1gram, doanh nghiệp Mỹ ‘lộ chiêu’ dùng ‘đường vòng’ để tiếp tục nhận hàng hoá từ Trung Quốc

Admin

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết chặt xuất khẩu đất hiếm, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đang tìm cách nhập khẩu mặt hàng này qua quốc gia thứ 3.

Trong bối cảnh căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, một mặt trận âm thầm nhưng quyết liệt đang diễn ra quanh các khoáng sản chiến lược. Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu antimon - kim loại quan trọng trong sản xuất pin, chip và chất chống cháy, sang Mỹ vào tháng 12 năm ngoái, một làn sóng hàng hóa bất thường đã đổ vào Mỹ từ Thái Lan và Mexico, hé lộ mạng lưới chuyển hướng thương mại đầy tinh vi và phức tạp.

Tiết lộ "con đường vòng"

Antimon cùng với gali và gecmani là những kim loại có vai trò sống còn trong ngành viễn thông, chất bán dẫn và công nghệ quân sự. Việc Bắc Kinh áp dụng lệnh cấm xuất khẩu 3 kim loại này sang Mỹ ngày 3/12/2024 được xem là động thái đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington đối với lĩnh vực chip của Trung Quốc.

Nhưng thay vì khiến nguồn cung khan hiếm, Mỹ lại chứng kiến dòng nhập khẩu antimon oxit từ Thái Lan và Mexico tăng vọt. Trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 4, Mỹ nhập tới 3.834 tấn antimon oxit từ 2 quốc gia này, nhiều hơn gần 3 năm trước cộng lại.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, Thái Lan và Mexico - vốn không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu antimon của Trung Quốc năm 2023, bất ngờ lọt vào top 3 trong năm 2024. Điều đáng nói là cả 2 nước đều không có mỏ antimon quy mô lớn. Mỗi nước chỉ có một nhà máy luyện antimon và riêng nhà máy của Mexico mới được tái khởi động từ tháng 4.

Các chuyên gia công nghiệp và nguồn tin trong ngành cho biết, đây là một hình thức "transshipment", tức là hàng hóa từ Trung Quốc được chuyển qua nước thứ 3 trước khi đến Mỹ, nhằm tránh các quy định hạn chế trực tiếp. Một số công ty Mỹ thậm chí thừa nhận với Reuters rằng họ vẫn đang mua được khoáng sản từ Trung Quốc bằng các kênh gián tiếp.

Ram Ben Tzion, CEO của nền tảng kiểm tra vận chuyển Publican, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một mô hình rõ ràng và thống nhất. Các công ty Trung Quốc đang vô cùng sáng tạo trong việc né lệnh kiểm soát.”

Một ví dụ điển hình là Thai Unipet Industries, công ty con tại Thái Lan của Youngsun Chemicals - nhà sản xuất antimon Trung Quốc. Theo dữ liệu vận tải do Reuters thu thập, từ tháng 12 đến tháng 5, Unipet đã vận chuyển ít nhất 3.366 tấn sản phẩm antimon tới Mỹ, tăng gần 27 lần so với cùng kỳ năm trước.

Khách hàng mua số antimon này là Youngsun & Essen, công ty có trụ sở tại Texas, vốn từng nhập phần lớn antimon trioxit từ chính Youngsun Chemicals trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Dù Bắc Kinh đã mở chiến dịch chống lách luật và buôn lậu khoáng sản vào tháng 5, hiệu quả thực thi vẫn là dấu hỏi lớn. Theo luật hiện hành của Trung Quốc, doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền, cấm xuất khẩu trong tương lai hoặc thậm chí bị truy tố hình sự với mức án trên 5 năm tù.

Tuy nhiên, luật này áp dụng cả với các giao dịch diễn ra ở nước ngoài nếu bên bán Trung Quốc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra người mua cuối cùng.

Các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây lách luật ra sao?

Về phía Mỹ, luật pháp hiện tại không cấm mua khoáng sản có nguồn gốc từ Trung Quốc, miễn là không nhập khẩu trực tiếp. Các công ty Trung Quốc hoàn toàn có thể vận chuyển sang nước thứ 3 nếu có giấy phép, còn người mua Mỹ chỉ cần làm việc với các đối tác trung gian.

Một số nguồn tin tiết lộ các chiến thuật né tránh được áp dụng: hàng hóa được gắn nhãn là sắt, kẽm hoặc “dụng cụ nghệ thuật”, rồi chuyển qua các nước châu Á trước khi đến Mỹ.

Levi Parker - CEO Gallant Metals, cho biết ông nhập khoảng 200kg gali mỗi tháng từ Trung Quốc theo cách đó, dù ông muốn nhiều hơn. “Chuyển lô lớn sẽ dễ bị chú ý. Phía Trung Quốc rất thận trọng,” ông nói.

Giá antimon, gali và gecmani đã lập kỷ lục vì khan hiếm. Trong khi đó, hoạt động "transshipment" mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các bên chấp nhận rủi ro. Nhưng với việc Trung Quốc đang cố siết chặt quản lý xuất khẩu và Washington vẫn duy trì sức ép với ngành công nghệ Trung Quốc, cuộc đua kiểm soát chuỗi khoáng sản chiến lược vẫn sẽ tiếp tục leo thang trong âm thầm.

Tham khảo Reuters