Bị Mỹ doạ áp thêm 10% thuế, quốc gia chủ tịch luân phiên của BRICS tuyên bố: Không ủng hộ tạo ra đồng tiền chung của khối, cũng không phi đô la hoá

Admin

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên Ấn Độ khi nước này tham gia diễn đàn BRICS đang đẩy New Delhi vào tình thế khó khăn, ngay khi 2 nước đang chạy đua để hoàn tất một thỏa thuận thương mại.

Ông Trump cho biết bất kỳ quốc gia nào trong BRICS đều có thể phải đối mặt với thuế quan bổ sung. Điều này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi ông Trump tuyên bố đang tiến gần đến việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, điều mà New Delhi hy vọng sẽ giúp họ thoát khỏi mức thuế đối ứng lên tới 26%.

Tuyên bố cứng rắn của Trump được đưa ra sau hội nghị BRICS kéo dài 2 ngày tại Brazil. Trong khi Brazil và Nam Phi nhanh chóng lên tiếng phản đối Trump, thì Ấn Độ lại giữ im lặng - một động thái cho thấy New Delhi đang thận trọng giữ thế cân bằng trong mối quan hệ với Washington.

Giới chức New Delhi cho biết họ chưa quá lo ngại trước những lời đe dọa mới của Tổng thống Trump. Các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng mục tiêu của nước này trong các cơ chế giao dịch bằng nội tệ chỉ là nhằm giảm thiểu rủi ro, chứ không phải làm suy yếu vai trò của đồng USD như Mỹ lo ngại. Họ cũng khẳng định Ấn Độ không ủng hộ ý tưởng xây dựng một đồng tiền chung của BRICS.

Trong buổi họp báo ngày 8/7, nhà ngoại giao cấp cao P. Kumaran cho biết Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva “không thảo luận” gì về đe dọa áp thuế của ông Trump trong chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Ấn Độ.

Với việc sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên BRICS vào năm 2026, Ấn Độ đang cố gắng thể hiện quan điểm khác biệt với các thành viên như Trung Quốc và Nga, những quốc gia có xu hướng sử dụng BRICS như một diễn đàn đối trọng với Mỹ. New Delhi kỳ vọng sẽ đưa ra lập trường trung lập về tiền tệ và đóng vai trò chiến lược trong khu vực.

“Ông Trump không hài lòng với một số thành viên BRICS đang nói đến việc xây dựng đồng tiền dự trữ thay thế USD,” ông Mohan Kumar - cựu đại sứ Ấn Độ và hiện là giảng viên tại Đại học OP Jindal Global, cho biết. “Nhưng Ấn Độ đã nhiều lần thể hiện quan điểm tách biệt giữa giao dịch nội tệ và phi đô la hóa, do đó không nằm trong nhóm bị nhắm đến.”

Trong suốt nhiều đời Tổng thống Mỹ, Ấn Độ luôn được xem là đối tác chiến lược quan trọng và là đối trọng khu vực với Trung Quốc. Gần đây nhất, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhấn mạnh rằng “vận mệnh của thế kỷ 21 sẽ được định hình bởi sức mạnh của mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ.”

Tuy nhiên, mối quan hệ này gần đây đã xuất hiện những rạn nứt, đặc biệt sau khi ông Trump cho biết đã giúp chấm dứt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 5. Thủ tướng Modi đã bác bỏ tuyên bố rằng Mỹ đã dùng thương mại làm “quân bài mặc cả” trong xung đột. Việc chính quyền Trump đồng thời mở rộng tiếp xúc trong lĩnh vực quân sự của Pakistan cũng khiến New Delhi lo ngại.

Tất cả hy vọng hiện đang được đặt vào việc hoàn tất thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn, mà hai bên đã cam kết sẽ ký kết vào mùa thu năm nay.

Sau nhiều tháng đàm phán, các nhà ngoại giao Ấn Độ đã đưa ra đề xuất có lợi nhất cho phía Mỹ và đang chờ phản hồi. Theo giới quan sát, lời đe dọa áp thuế mới nhất từ Trump có thể cũng chỉ là một chiến thuật mặc cả nhằm giành thêm nhượng bộ từ New Delhi.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, Ấn Độ buộc phải "đi dây" một cách khéo léo giữa việc tham gia các liên minh mới nổi như BRICS và duy trì mối quan hệ then chốt với Mỹ.

Tổng hợp