Bí ẩn 154 triệu USD của hãng bán lẻ Macy's: Kế toán viên cố tình che giấu từ năm 2021, đơn vị kiểm toán không hề phát hiện sai phạm

Admin

Macy's là công ty mới nhất ghi nhận sự cố tài chính, trong bối cảnh thiếu hụt kế toán viên đủ tiêu chuẩn vài năm trở lại đây.

Chuỗi bán lẻ Macy's của Mỹ vừa trì hoãn báo cáo kết quả kinh doanh quý sau khi phát hiện một nhân viên kế toán chủ đích che giấu tới 154 triệu USD chi phí giao hàng của công ty trong nhiều năm. Một cuộc điều tra đang được thực hiện.

Theo WSJ, nhân viên chịu trách nhiệm kê khai chi phí giao các gói hàng nhỏ đã cố tình ghi chép sai kể từ cuối năm 2021, song không bỏ túi số tiền đang được đề cập. Công ty từ chối chia sẻ cách thức phát hiện sai phạm và cho biết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điều tra khi báo cáo kết quả quý vào ngày 11 tháng 12.

Neil Saunders, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu GlobalData cho biết: “Mặc dù Macy's không thể kiểm soát hành động của mọi nhân viên, nhưng điều đáng lo ngại đây là những lỗi kế toán cố ý có từ năm 2021. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực kiểm toán viên của công ty”.

Đại diện KPMG từ chối bình luận. Công ty này đã làm kiểm toán cho Macy's kể từ năm 1988.

Sự vụ diễn ra 1 ngày trước khi Macy's dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Cổ phiếu đã giảm khoảng 3,5% trong phiên giao dịch chiều thứ Hai.

Chuỗi cửa hàng bách hóa cho biết cuộc điều tra nội bộ phát hiện ra vị nhân viên đã giấu 132 triệu USD đến 154 triệu USD tích lũy từ quý IV/2021 cho đến giai đoạn gần đây nhất. Jeffrey Johanns, phó giáo sư kế toán tại Đại học Texas ở Austin, cho biết: “Rõ ràng đã có sự sai sót trong kiểm soát nội bộ của công ty”.

Theo đại diện Macy's, không có bằng chứng nào cho thấy sai sót trên ảnh hưởng đến việc quản lý tiền mặt hay thanh toán cho nhà cung cấp. Công ty chưa xác định được sự liên đới của bất kỳ nhân viên nào khác. Người chịu trách nhiệm lớn nhất hiện đã nghỉ việc.

Ron Friedman, giám đốc điều hành tại CBIZ, trước đây là Marcum, một công ty kế toán và tư vấn, cho biết các nhà bán lẻ đã chịu áp lực giảm chi phí giao hàng trong bối cảnh lạm phát. Có khả năng nhân viên đó đã cố gắng tăng báo cáo lợi nhuận nhằm tăng lương, Friedman cho biết.

Macy's là công ty mới nhất ghi nhận sự cố tài chính, trong bối cảnh thiếu hụt kế toán viên đủ tiêu chuẩn vài năm trở lại đây. Không có nhiều sinh viên theo đuổi lĩnh vực này, vậy nên, gây ra khoảng trống trong các vị trí tuyển dụng.

Hiện Macy's đang tìm cách xoay chuyển tình hình doanh số đang sụt giảm. Tổng giám đốc điều hành Tony Spring đã nhắm đến việc cải tổ hoạt động kinh doanh của công ty bằng cách đóng cửa các địa điểm hoạt động kém hiệu quả, đồng thời cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Công ty cho biết dựa trên kết quả sơ bộ, doanh số đã giảm 2,4% xuống còn 4,74 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 2 tháng 11.

“Trong những tháng gần đây, Macy’s đã thực hiện hai đợt tái cơ cấu và tăng cổ tức. Việc bán tháo cổ phiếu sau những thông báo này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan ngại của cổ đông về việc duy trì hiện trạng công ty”, chuyên gia Gavriel Kahane lưu ý.

Trước đó, hồi đầu năm, Macy’s đưa ra thông báo đóng cửa 150 cửa hàng, tương đương gần 1/3 trên tổng số. Đây được coi là một tín hiệu đáng buồn cho “người khổng lồ” bán lẻ của nước Mỹ từng một thời huy hoàng nay phải chật vật để tồn tại.

Theo nhà phân tích Neil Sauders của GlobalData, thực trạng nhức nhối nhất đối với Macy's và nhiều chuỗi bách hóa đang gặp khó khăn khác là ban lãnh đạo công ty không chủ động cập nhật, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ để có thể cạnh tranh với các đối thủ mới. “Thành thật mà nói, rất nhiều người trong số họ đã ngừng quan tâm. Họ ngừng lắng nghe khách hàng. Đó là sự thất bại trong việc phát triển”, ông Neil Sauders nhấn mạnh.

Hơn thế nữa, các cửa hàng bách hoá còn phải hứng chịu hậu quả từ việc người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thay vì trực tiếp. Thông báo của Macy về việc đóng cửa khoảng 150 cửa hàng theo đó không khiến nhiều người ngạc nhiên. Các chuyên gia cho biết đây không phải là đợt đóng cửa hàng loạt đầu tiên trong ngành và chắc chắn sẽ không phải đợt cuối cùng.

“Chúng ta đang có quá nhiều cửa hàng bách hóa. Vào thời hoàng kim, mọi người đến vì những gì chúng cung cấp. Nhưng ngày này chúng lại trở nên quá đơn giản và nhàm chán”, Michael Brown của nhà tư vấn Kearney cho biết. 

Theo: WSJ, Reuters