Bế tắc của ngành công nghiệp 63 tỷ USD ở nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Đang bị những bê bối ở quán karaoke và thảm hoạ 'trên trời rơi xuống' 'nghiền nát'

Admin

Có thoả thuận ngầm, thiên tai diễn ra triền miên và bị buộc phải bán hàng chục tỷ USD cổ phiếu đang khiến các công ty bảo hiểm ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đối mặt với nhiều khó khăn.

Bế tắc của ngành công nghiệp 63 tỷ USD ở nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Đang bị những bê bối ở quán karaoke và thảm hoạ 'trên trời rơi xuống' 'nghiền nát'- Ảnh 1.

Những chiếc ô tô bị hư hại nặng sau bão Jebi.

Các công ty bảo hiểm của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn vì xảy ra hàng loạt thảm hoạ thiên nhiên, bao gồm mưa lớn và bão. Họ phải bồi thường số tiền hàng tỷ USD. Trong một thị trường như vậy, các công ty sẽ xem xét tình hình các cơn bão, đánh giá rủi ro ngày càng gắt gao và tăng giá cho phù hợp.

Song, nền kinh tế nước này đang trong tình trạng giảm phát. Khách hàng đã quen với việc mọi thứ phải được hạ giá. Các bên bảo hiểm cho biết tâm lý này giúp họ dễ dàng “gian lận” hơn bằng cách ngầm móc nối với nhau.

Những thoả thuận "ngầm" được thảo luận ở các quán karaoke

Nhân viên sale của các công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản thường gặp mặt tại các quán karaoke ở Tokyo. Họ không đến để hát, mà là để thảo luận về việc tăng giá dịch vụ cho cùng một khách hàng doanh nghiệp, khi trao đổi qua email hay tin nhắc được cho là "thiếu an toàn".

Việc các công ty bảo hiểm Nhật Bản có thoả thuận "thông đồng" không phải là chưa từng có. Thị trường này trị giá 63 tỷ USD, lớn thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên, áp lực do biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng tồi tệ, các yêu cầu bồi thường liên tục tăng lên khiến các công ty bảo hiểm đưa ra quy định cố định giá cực kỳ nghiêm ngặt.

Từ năm 2018 đến 2023, MS&AD Insurance, Sompo và Tokyo Marine kiểm soát khoảng 90% thị trường bảo hiểm tài sản - thương vong. Các công ty này không đồng ý bán bảo hiểm cho khoảng 600 khách hàng.

Ban đầu, thông tin từ những vụ bê bối như vậy hầu như không được công chúng ghi nhận. “Nạn nhân” ở đây là các doanh nghiệp lớn nỗ lực hạ giá dịch vụ bảo hiểm và “kẻ gây án” là những nhân viên văn phòng vô danh.

Các hình phạt do Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đưa ra dường như chỉ mang tính tượng trưng. Các công ty bảo hiểm phải công bố kế hoạch cải thiện văn hoá doanh nghiệp và chấm dứt hành động thoả thuận “cửa sau” giữa các nhân viên, họ cũng cắt giảm lương của hơn 130 giám đốc điều hành.

Nhưng sau đó, một sự kiện khác xảy ra, vẫn là “chiêu thức” các công ty bảo hiểm “thân thiết” với nhau cùng nắm giữ lượng cổ phần lớn của các doanh nghiệp khách hàng. Các nhà quản lý phải yêu cầu họ bán lượng lớn cổ phần chiến lược đó.

Từ lâu, FSA coi việc này là lực cản lớn với thị trường chứng khoán Nhật Bản, vì sự phân bổ vốn sai lệch ảnh hưởng lớn đến ưu tiên của các giám đốc điều hành và làm suy yếu giá trị của cổ đông. Sau hơn 1 thập kỷ, hầu hết cả ngành này đã phải điều chỉnh việc sở hữu chéo.

Với mối quan hệ lâu năm được kết nối thông qua những buổi chơi golf hay uống rượu, nhân viên sale của các công ty bảo hiểm sẽ có sự thoả hiệp với nhau nếu một khách hàng muốn đấu thầu lại hợp đồng sắp hết hạn.

Các cựu nhân sự của ngành này tiết lộ hành vi gian lận của họ không phải do lòng tham. Họ cho biết việc thảo luận trước với nhau về giá thầu sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Các nhà đầu tư phàn nàn rằng việc các công ty bảo hiểm nắm giữ cổ phần chiến lược trong các doanh nghiệp đã tạo ra mạng lưới liên minh giữa họ, bảo vệ họ trước các thương vụ thâu tóm hay sự phản đối của cổ đông và sự cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn chưa muốn bán cổ phần chiến lược vì sợ mất đi một mảng kinh doanh và cắt đứt mối quan hệ phức tạp giữa các đối tác liên minh. Tính đến tháng 3/2023, các công ty Nhật Bản nắm giữ gần 12% cổ phiếu niêm yết công khai của quốc gia này. Các công ty bảo hiểm, cùng với các ngân hàng, là những bên nắm giữ hàng đầu. Ví dụ, Tokio Marine và MS&AD đã nằm trong số những cổ đông lớn nhất của Toyota trong nhiều năm.

Thiên tai triền miên khiến các công ty bảo hiểm "quá tải"

Đầu tháng 9/2018, bão Jebi đổ bộ vào Nhật Bản với những cơn gió mạnh hơn 170 km/h, đi qua Osaka. Hệ thống đường sắt và các nhà máy đóng cửa. Hàng triệu ngôi nhà và văn phòng mất điện. Những cơn gió mạnh khiến một tàu chở dầu 2.600 tấn bị bật mỏ neo, đâm vào cây cầu nối Sân bay quốc tế Kansai với đất liền, khiến hàng nghìn công nhân và du khách bị mắc kẹt.

Chưa đầy 1 tháng sau, cơn bão khác lại đổ bộ, di chuyển từ đảo Okinawa đến Tokyo. Mưa lớn liên tục khiến hậu quả của trận lũ lụt trước đó ở miền nam Nhật Bản càng trở nên trầm trọng hơn.

Thiên tai xảy ra vào năm 2018 chỉ là sự bắt đầu. 1 năm sau, các cơn bão Faxai và Hagibis tiếp tục tàn phá Nhật Bản, làm mực nước ở Vịnh Tokyo dâng cao, gây ra lở đất và lần đầu tiên trong lịch sử, thành phố này buộc phải hủy các trận đấu tại Giải bóng bầu dục thế giới. Tổng thiệt hại ước tính lầ khoảng 30 tỷ USD.

Khi các thành phố lớn bắt đầu hồi phục sau bão, các công ty bảo hiểm bắt đầu tính toán tổn thất. Trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2019, các khoản chi bảo hiểm liên quan đến thiên tai đã tăng gấp 5 lần lên 708 tỷ yên, chi phí yêu cầu bồi thường của năm sau đó là 507 tỷ yên.

Dù số lượng cơn bão lớn đổ bộ vào các trung tâm đông dân của Nhật Bản giảm trong những năm sau, song các công ty bảo hiểm vẫn phải chật vật với những khoản lỗ và chuẩn bị cho những cơn bão khác trong tương lai. Do đó, việc tăng phí bảo hiểm vẫn là mối lo thường trực và ưu tiên hàng đầu của họ.

Bê bối nối tiếp bê bối 

Khi chi phí tăng, thì hành động chống cạnh tranh cũng được thực hiện. Theo một cuộc điều tra của cơ quan quản lý đối với các công ty bảo hiểm lớn, các trường hợp thực hiện thoả thuận thông đồng mới đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm từ năm 2017 đến năm 2020.

Năm 2022, Tokyu, công ty vận một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất Nhật Bản và các bất động sản thương mại chính xung quanh nhà ga Shibuya, đã tìm cách gia hạn hợp đồng bảo hiểm. Công ty đã nhận được các giá thầu gần như giống hệt nhau từ một số công ty. Một nhân sự cấp cao của Tokyu nghi ngờ và yêu cầu giải trình, thực hiện lại đợt đấu thầu.

Sau đó, các công ty bảo hiểm thừa nhận rằng họ đã bàn bạc với nhau và đưa ra giá thầu mới. Tokio Marine đã tự nguyện báo cáo hành động của mình với FSA và xin lỗi công khai.

Trong cuộc điều tra, các nhân viên sale cho rằng họ không làm điều gì sai và hành động thông đồng của họ không gây tổn hại đến ai. Một số người cho biết họ không có nhiều lựa chọn khi đứng trước rủi ro mất đi lượng hợp đồng doanh nghiệp lớn.

Hiện tại, việc siết chặt quy định với việc nắm giữ cổ phần chéo đang là điều khiến ngành bảo hiểm lo ngại. Việc bán cổ phiếu khi thị trường tăng giá trong thời gian gần đây đã tạo khoản lợi nhuận bất ngờ cho họ. Trong năm nay, giá cổ phiếu của 3 công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản đã tăng từ 58% đến 83%.

Trong dài hạn, thị trường Nhật Bản được dự báo sẽ gặp nhiều bất ổn, có thể xảy ra bán tháo. Bởi vậy, các giám đốc điều hành trong ngành bảo hiểm lo ngại rằng việc kết thúc việc thời kỳ sở hữu chéo sẽ khiến họ dễ bị tổn hại trong thời kỳ khó khăn.

Dù vụ bê bối đã buộc các công ty bảo hiểm phải thay đổi, nhưng lạm phát vẫn đang thay đổi và khí hậu khó lường tiếp tục gây gián đoạn các ngành công nghiệp trên khắp Nhật Bản.

Vị trí địa lý và khí hậu của quốc gia này khiến nền kinh tế đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt, lở đất và nắng nóng. Theo MSCI, tác động của nóng lên toàn cầu đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể gấp 3 lần so với các doanh nghiệp ở các nước phát triển.