
Cột trữ E100 là nhiên liệu phối trộn cho xăng sinh học E10 tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: P.DUY
Đặc biệt, việc sử dụng xăng E10 sẽ được triển khai đồng loạt, bắt buộc cho các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo Cục Đổi mới sáng tạo - chuyển đổi xanh và khuyến công (Bộ Công Thương), việc sử dụng xăng sinh học là chủ trương được Chính phủ đưa ra để giảm thiểu các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường cũng như tăng cường sử dụng các nguồn nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Dù ủng hộ việc chuyển đổi do bộ đề xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí đầu tư chuyển đổi rất lớn, trong khi chính sách chưa rõ ràng về việc phân phối, tiêu dùng và lộ trình chuyển đổi cụ thể, gây lúng túng cho các doanh nghiệp.
Xây dựng lộ trình phối trộn, kinh doanh xăng sinh học
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đã cơ bản thực hiện xong công tác rà soát, đánh giá, phân tích tình hình thực hiện quyết định 53/2012 về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong đó, bộ đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng xin chủ trương xây dựng quyết định thay thế quyết định 53, đề xuất kế hoạch mới thay thế lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học.
Nhằm sớm ban hành và triển khai lộ trình phối trộn và sử dụng nhiên liệu sinh học mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục Đổi mới sáng tạo - chuyển đổi xanh và khuyến công phối hợp với các đơn vị liên quan xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ về xây dựng lộ trình phối trộn, sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nội dung quyết định 53, cũng như nhanh chóng xây dựng kế hoạch mới.
Trụ bơm xăng sinh học E5 hư hỏng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Kha Vạn Cân, phường Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: TRÍ ĐỨC
Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều người tiêu dùng rất ủng hộ việc sử dụng xăng sinh học song vẫn còn băn khoăn về chất lượng, cũng như mong muốn mặt hàng này có mức giá phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.
Là người đi lại bằng xe máy với quãng đường đi lại hàng trăm km mỗi ngày, anh Nam (Hà Đông, Hà Nội) cho hay do phương tiện sử dụng đời cũ, nên anh sử dụng xăng E5RON92 do thấy giá rẻ hơn khoảng 400 - 500 đồng/lít so với xăng RON95.
Thậm chí, có thời điểm giá xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng tới cả nghìn đồng/lít, giúp anh giảm đáng kể chi phí chạy xe và tiết kiệm được "đồng nào hay đồng ấy".
Theo anh Nam, thời kỳ đầu sử dụng xăng E5RON92 cũng gặp chút "trục trặc", như xe bị "chết máy" đột ngột.
Tuy vậy, kiên trì sử dụng mặt hàng này và chỉ dùng duy nhất một loại xăng, máy móc vận hành ổn định nên dù nhiều người khuyến cáo nên sử dụng xăng RON95, anh vẫn ưu tiên lựa chọn xăng sinh học để vừa tiết kiệm chi phí và phù hợp với loại xe đời cũ mà anh đang sử dụng.
Vì vậy, anh Nam cho rằng nếu đưa mặt hàng xăng sinh học E10 vào thị trường, ngoài việc đảm bảo chất lượng, cần có mức giá cạnh tranh hơn nhằm khuyến khích nhiều người lao động sử dụng để tiết kiệm chi phí.
Việc bán xăng sinh học trên toàn bộ hệ thống cửa hàng xăng dầu cũng sẽ giúp cho nhiều người có nhu cầu sử dụng không phải vất vả tìm mua, do phần lớn các cây xăng đều chỉ ưu tiên bán xăng RON95.
Trong khi đó, chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết do đang sử dụng xe đời mới nên chỉ lựa chọn xăng RON95 nhằm đảm bảo không ảnh hưởng tới máy móc.
Theo chị Hương, dù xăng E5RON92 có giá rẻ hơn so với xăng RON95 nhưng chị chưa thực sự yên tâm về chất lượng, trong khi nhà sản xuất xe khuyến cao nên dùng các loại xăng chất lượng cao, nên chị vẫn chưa mặn mà sử dụng xăng sinh học E5RON92.
Bởi vậy, theo chị Hương, nếu muốn đưa mặt hàng E10 vào tiêu thụ trên thị trường, loại xăng nền để pha chế phải là xăng RON95, dòng xăng chất lượng cao nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng, nguy hại đến máy móc.
Đồng thời, mức giá cho xăng sinh học cũng phải phù hợp, phải thấp hơn mức giá xăng RON95 hiện nay, nhằm khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn.
Anh Đức Anh, chuyên vận chuyển hành khách bằng ô tô cá nhân tại TP.HCM, cho rằng nếu thị trường vẫn tồn tại cả xăng khoáng và xăng sinh học, anh vẫn ưu tiên lựa chọn xăng khoáng do máy móc đã quen dùng loại xăng này và yên tâm hơn khi thường xuyên phải vận chuyển hành khách đường xa.
Nếu thị trường chỉ còn tồn tại mặt hàng xăng sinh học, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng nhằm giúp cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
"Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách để đảm bảo chất lượng xăng sinh học cho người dân yên tâm sử dụng, cũng như mức giá hợp lý nhằm tiết giảm chi phí, giá thành.
Việc sử dụng xăng sinh học là xu hướng của nhiều nước, nhưng cần đảm bảo các yếu tố tiêu dùng, thì xăng sinh học mới trở thành sự lựa chọn tin cậy và yên tâm với người tiêu dùng", anh Đức Anh nói.