AI đang tạo ra cuộc cách mạng trong ngành mỹ phẩm

Admin

Năm 2022, thị trường mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân chịu sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đạt giá trị khoảng 3,2 tỉ USD và duy trì mức tăng trưởng 20% hàng năm. Dự kiến đến năm 2032, con số này lên đến 20 tỉ USD.

Các nhà cung cấp nguyên liệu quốc tế tham dự Beauty Show 2024. Sự phát triển của AI kéo theo xu hướng cá nhân hóa trong ngành chăm sóc sắc đẹp - Ảnh: N.BÌNH

Các nhà cung cấp nguyên liệu quốc tế tham dự Beauty Show 2024. Sự phát triển của AI kéo theo xu hướng cá nhân hóa trong ngành chăm sóc sắc đẹp - Ảnh: N.BÌNH

Tại sự kiện Beauty Show 2024 được tổ chức ở TP.HCM ngày 5-7, ông Roland Kraut - giám đốc điều hành, ngành nguyên liệu hóa chất, DKSH Thụy Sĩ - cho biết trong 10 năm tới, thị trường mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp sẽ chứng kiến sự bùng nổ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

TikTok và các nền tảng mạng xã hội tương tự đã cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng, cung cấp nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, tương tự như vậy, ngành mỹ phẩm cũng sẽ phát triển theo xu hướng cá nhân hóa.

Báo cáo của Business of Fashion cho biết 73% giám đốc điều hành trong ngành xa xỉ phẩm nhận định sáng tạo AI sẽ là ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp vào năm 2024, và sự phát triển của AI cũng kéo theo xu hướng cá nhân hóa của khách hàng.

Hiện các thương hiệu đang trong cuộc đua cung cấp ngày càng nhiều những sản phẩm được "đo ni đóng giày" cho từng người dùng, từ dầu gội cho đến kem dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm. "AI đang thay đổi cách thức hoạt động của ngành mỹ phẩm, từ việc cá nhân hóa sản phẩm đến dự báo nhu cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng", ông Roland Kraut nói.

AI không chỉ cải tiến sản phẩm mà còn giúp tạo ra những thành phần mới trong các nguyên liệu tự nhiên để tối ưu hóa các nguyên liệu có sẵn. 

Nhờ AI, các nhà sáng chế còn có thể giảm số lượng thử nghiệm cần thiết vì nâng cao mức độ dự đoán chính xác tính năng của các thành tố mới. Điều này tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giảm thiểu lãng phí và khí thải carbon, hỗ trợ phát triển bền vững.

"Trong lĩnh vực phân phối, AI giúp tối ưu hóa dự báo nhu cầu, đảm bảo vật liệu được chuyển đến đúng vị trí và thời gian, giảm thiểu lãng phí và chi phí vận chuyển. Báo cáo của chúng tôi ghi nhận vào năm 2022, thị trường chăm sóc cá nhân ảnh hưởng bởi AI đã đạt 3,2 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng 20% hàng năm, đạt khoảng 20 tỉ USD vào năm 2032", ông Kraut chia sẻ.

Nói thêm về vận dụng AI trong sản xuất, CEO đến từ Thụy Sĩ cũng cho biết DKSH đang ứng dụng AI trong dự báo chuỗi cung ứng và phát triển công thức mới. AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình mà còn học hỏi từ những thất bại, hỗ trợ phát triển các sản phẩm chất lượng hơn.

Sự kiện Beauty Show 2024 quy tụ nhiều chuyên gia và khách hàng lớn cập nhật những xu hướng sử dụng mỹ phẩm của thị trường trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm. Dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD.

Ông Trần Thanh Hải - quản lý cấp cao, nhánh hàng chăm sóc cá nhân, ngành nguyên liệu hóa chất, DKSH Việt Nam - cho biết 6 tháng đầu năm, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường mỹ phẩm vẫn ghi nhận sự tăng trưởng của các sản phẩm thương hiệu nội địa. Đây là những sản phẩm gắn với xu hướng mỹ phẩm thiên nhiên, vừa tốt cho sức khỏe vừa làm đẹp.

Kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm ở TP.HCM đang rất khó kiểm soátKinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm ở TP.HCM đang rất khó kiểm soát

Hiện tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm diễn ra trên mạng Internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội đang rất khó kiểm soát.