Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu

Thật dễ dàng để coi Xiaomi là một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang cố gắng bắt chước các hãng khác để chế tạo ra chiếc xe điện của mình nhưng cũng giống những gì họ làm với những chiếc smartphone cách đây chục năm, thế giới có thể phải nhắc đến Xiaomi như là một trong những thế lực hàng đầu thế giới trong sản xuất xe điện.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 1.

Được thành lập từ năm 2010 bởi doanh nhân có tên Lei Jun, Xiaomi mất 1 năm để cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên. Họ mất thêm 3 năm để chinh phục thị phần smartphone rộng lớn ở Trung Quốc. Công ty có số vốn mỏng manh này cũng chọn cách không trực tiếp sản xuất mà thuê các nhà gia công chuyên nghiệp như Apple. Ban đầu, họ cũng chỉ bán smartphone trực tuyến, không có bất cứ cửa hàng nào.

Xiaomi được gọi là “Apple của Trung Quốc” nhờ các sản phẩm chất lượng cao, sau này mở rộng thành một hệ sinh thái như Apple. Tuy nhiên, họ cũng nhận không ít chỉ trích với phần mềm MIUI giống iOS, những chiếc smartphone thiết kế phần nào giống iPhone.

Những điều đó không ngăn cản được Xiaomi. Năm 2021, họ đứng thứ 2 thế giới về Chỉ số Sở hữu Trí tuệ nhờ có 216 bằng sáng chế kiểu dáng công nghiệp nộp trong năm 2020. Cùng năm đó, họ trở thành nhà sản xuất smartphone thông minh lớn thứ 3 thế giới, sau Apple và Samsung.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 2.

Từ “kẻ địch” của Apple thành đối thủ của Tesla

Nói một cách ngắn gọn, Xiaomi đã sao chép Apple – họ cũng chưa bao giờ phủ nhận điều đó nhưng đang trong quá trình thay đổi điều đó. Năm 2022, họ cam kết đầu tư 16 tỷ USD cho R&D trong 5 năm để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên giờ đây họ lại có mục tiêu mới: sao chép Tesla để trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong 5-10 năm tới. Nhìn vào cách họ hoạt động trên thị trường smartphone, có lý do để tin tưởng vào mục tiêu mới của Xiaomi. Họ không chỉ để mắt đến mảng kinh doanh ô tô của Tesla mà còn cả AI và robot. Không giống một số đối thủ dạng startup, Xiaomi không thiếu tiền hay nhân tài.

Xiaomi đã ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của mình vào cuối tháng 3, dự kiến giao hàng trong tháng 4 này. Mặc dù với nhiều người, đây cũng chỉ là một chiếc xe điện Trung Quốc mới ra mắt như bao mẫu xe khác nhưng nhiều nhà phân tích lại tin rằng SU7 có thể là “sát thủ” Tesla mà người ta liên tục tìm kiếm trong cả thập kỷ qua. Khác với Tesla – liên tục trễ hẹn – Xiaomi đã bắt đầu bàn giao xe, chỉ đúng 3 năm sau khi dự án ô tô được xác nhận.

Apple đã đốt số tiền tương tự Xiaomi (khoảng 10 tỷ USD) mà không thể sản xuất dù chỉ một nguyên mẫu xe điện.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 3.

Xiaomi là “người được chọn”?

Thuật ngữ “sát thủ Tesla” đã bị lạm dụng quá mức, đôi khi khiến người ta bật cười mỗi khi nghe đến. Các phương tiện truyền thông sử dụng cụm từ này cho hầu hết mẫu xe mới ra mắt sau chiếc Tesla Model S. Rõ ràng, việc một mẫu xe có thể vượt mặt được xe Tesla gần như là không thể trong giai đoạn này. Thứ nhất, hãng xe Mỹ không hề đứng yên cho đối thủ vượt lên. Thứ 2, họ đang là công ty dẫn đầu ngành về rất nhiều mặt khác nhau.

Nhiều người sẽ thất bại trong cuộc chiến này nhưng một số sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn. Rivian hay Lucid đang đấu tranh quyết liệt nhưng nguồn tài chính của họ còn hạn chế. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống thiếu sự táo bạo để đổi mới sau cả trăm năm làm những việc giống nhau.

Đây là sân chơi các công ty công nghệ có cơ hội với chiến lược táo bạo, nguồn tiền khổng lồ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Việc sản xuất ô tô là lĩnh vực mới đối với họ nhưng Tesla đã chứng minh điều đó có thể thực hiện được vì những chiếc ô tô hiện đại không khác gì “máy tính gắn 4 bánh”.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 4.

Có thể khẳng định, Xiaomi đã theo dõi chặt chẽ các công ty đầu ngành trước khi cam kết dự án sản xuất ô tô. Đó là lý do họ chọn sedan làm mẫu xe đầu tiên – điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Mặc dù SUV mới là dòng xe được yêu thích nhất hiện nay, Xiaomi cho rằng sedan vẫn có tập khách hàng của mình, ít nhất là tại Trung Quốc. Xiaomi tất nhiên vẫn đang nghiên cứu chiếc xe tiếp theo và sẽ sớm cho ra mắt một chiếc SUV.

Chọn đối đầu Tesla, Porsche

Xiaomi SU7 có kích thước gần bằng Tesla Model S. Đây là công thức mà các công ty khởi nghiệp khác, gồm cả Lucid, đã thử. Khác biệt ở chỗ xe của Lucid có giá 100.000 USD trong khi Xiaomi cung cấp các tính năng tương tự với mức giá thấp hơn Tesla Model 3.

Mẫu xe điện của Xiaomi gợi cho người ta liên tưởng đến Tesla, tất nhiên – và cả Porsche. CEO Lei Jun cũng không giấu ghiếm điều này khi khẳng định, muốn thành công ở “sân chơi” này, họ phải lấy Tesla và Porsche làm bài học. Trên thực tế, hầu hết mọi chi tiết trên chiếc SU7, từ thiết kế cho đến công nghệ hay tính năng sạc nhanh, đều khiến người ta nhớ đến chiếc Porsche Taycan.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 5.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 6.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 7.

Cứ chỉ trích họ nếu muốn nhưng Xiaomi hoàn toàn nghiêm túc khi chọn Chris Bangle (cựu BMW) là người được chọn để giám sát thiết kế của Xiami SU7, cùng với đó là Tianyuan Li, người từng tham gia thiết kế dòng iX, iVision của BMW và James Qiu, từng tham gia thiết kế Vision EXXX của Mercedes-Benz. Điều này lý giải cho việc hệ số cản của SU7 đạt 0,195, đánh bại Lucid Air (hệ số cản 0,197) để trở thành chiếc xe thương mại có tính khí động học cao nhất thế giới.

Mẫu xe này sử dụng kiến trúc Modena, sao chép rất nhiều kỹ thuật của Tesla, chẳng hạn như kỹ thuật megacasting hay cấu trúc pin. Tất nhiên, Xiaomi không gọi cùng một cái tên mà đặt cho nó cái tên mĩ miều là “hypercasting”.

Hyper cũng là từ được sử dụng liên tục trên sản phẩm của Xiaomi như hệ điều hành HyperOS, bộ truyền động điện HyperEngines. Tùy thuộc vào phiên bản, xe sẽ trang bị 1 hay 2 HyperEngines, trong đó bản tiêu chuẩn và Pỏ dùng động cơ 295 mã lực, dẫn động cầu sau. Trong khi đó, SU7 Max hoàn toàn là một con quái thú với động cơ kép, công suất tối đa 664 mã lực, đạt tốc độ 100 km/h trong chưa đầy 2,8 giây. Nó không nhanh như Tesla Model S Plaid nhưng đủ khiến nhiều siêu xe “hít khói”.

Sử dụng kiến trúc 800 volt, phiên bản này có khả năng sạc cực nhanh mà Xiaomi gọi là HyperCharge, cho phép chạy được 220 km chỉ sau 5 phút sạc. Sau 15 phút, Xiaomi SU7 có đủ điện để chạy quãng đường 510 km (chuẩn CLTC của Trung Quốc).

Một đối thủ không có điểm yếu

Tuy nhiên, những tín đồ Tesla tin rằng Xiaomi SU7 còn kém xa Tesla về mặt phần mềm, chưa nói đến khả năng tự lái. Điều này đúng. CEO Lei Jun thừa nhận Tesla FSD là chuẩn mực để Xiaomi phát triển SU7. Jun cho rằng Xiaomi phải mất 3-5 năm mới bắt kịp Tesla về hệ thống hỗ trợ người lái và hiệu suất truyền động. Tuy nhiên, CEO của Xiaomi tin rằng SU7 tốt hơn Model 3 ở mọi hạn mục khác.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 8.

Xiaomi sẽ không gặp vấn đề gì trong việc tăng tốc phát triển phần mềm vì đây là sở trường của họ. Ngay cả smartphone của Xiaomi cũng được bán với giá gốc vì họ biết sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ phần mềm. Điều này sẽ không thay đổi với xe điện. Tesla có lẽ sẽ lần đầu tiên phải cạnh tranh với một đối thủ đáng gờm về phần mềm. Cuộc chiến này hiện chỉ bó gọn ở thị trường Trung Quốc nhưng rất nhanh, Xiaomi sẽ tiến ra mọi nơi trên Trái Đất – như cách họ làm với hoạt động kinh doanh smartphone.

SU7 có phần cứng tuyệt vời, hệ thống thông tin giải trí được hỗ trợ bởi nền tảng Snapdragon Automotive của Qualcomm, các chức năng lái xe tự động do chip Drive Orin của Nvidia đảm nhiệm. Hệ thống này được hỗ trợ bởi radar, cảm biến siêu âm, camera để ghi lại chính sách môi trường xung quanh. Hệ thống lái xe tự động sẽ bắt đầu thử nghiệm trong tháng này và có mặt tại 10 thành phố của Trung Quốc vào tháng 5.

Về sản xuất, hiện chưa rõ khả năng của Xiaomi tiên tiến đến mức nào nhưng công ty cho biết họ sử dụng cỗ máy nặng 9.100 tấn để đúc các bộ phận khung xe. Điều này cho thấy hãng vẫn cần bắt kịp Tesla về thành phần hợp kim và thiết kế kết cấu. Ở góc độ này, Xiaomi cũng giống các hãng xe Trung Quốc khác, thường sử dụng máy đúc khuôn lớn hơn với lực cao hơn so với Tesla để bù đắp yếu tố công nghệ.

Mặc dù Xiaomi đang xây dựng nhà máy riêng để tiến tới tích hợp theo chiều dọc như Tesla nhưng hiện tại, SU7 đang được BAIC sản xuất. Điều này có thể khiến một số người không hài lòng vì BAIC không nổi tiếng với chất lượng sản xuất xe. Tuy nhiên, cần lưu ý Xiaomi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất theo hợp đồng.

Copy Apple, sao chép Tesla nhưng đây mới là 'người được chọn' để vẽ lại bức tranh thị trường xe điện toàn cầu- Ảnh 9.

Tương tự là khả năng thu lợi nhuận. Xiaomi biết rõ họ không kiếm được tiền khi bán SU7. Các tín đồ Tesla có thể cười khẩy với họ và nhắc lại câu nói nổi tiếng của Elon Musk: Nguyên mẫu đã khó, sản xuất số lượng lớn mới là địa ngục. Đúng như vậy, nhưng nếu có một ai đó có thể so sánh với Tesla trong lĩnh vực sản xuất thì đó là Xiaomi.

Đừng đánh đồng họ với những công ty như Fisker – hết tiền trong “một nốt nhạc” vì xe bán ra có chất lượng quá tệ. Nếu Xiaomi nói rằng trong 5-10 năm tới, họ sẽ nằm trong top 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, bạn tốt nhất nên tin vào điều đó.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/copy-apple-sao-chep-tesla-nhung-day-moi-la-nguoi-duoc-chon-de-ve-lai-buc-tranh-thi-truong-xe-dien-toan-cau-a99642.html