Bất ngờ người Việt chi đến 725 tỷ đồng mua giấy qua mạng

Chi hơn 203.000 tỷ đồng mua sắm qua mạng trong nửa đầu năm, bên cạnh sản phẩm làm đẹp, thời trang, thực phẩm, người tiêu dùng Việt tốn 725 tỷ đồng để mua giấy rút.

Trong gần 2 triệu sản phẩm mà người tiêu dùng Việt chi 202.300 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử lớn trong nửa đầu năm 2025, theo báo cáo của Metric, chiếm lượng lớn là các sản phẩm làm đẹp, nhà cửa đời sống, hàng bách hóa - thực phẩm, thời trang, điện gia dụng. Đáng chú ý, những sản phẩm nổi như cồn vài tháng trước như táo đỏ, labubu, baby three đã không còn xuất hiện.

Ngành hàng làm đẹp tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng trên sàn thương mại điện tử với doanh số nổi bật, chiếm đến gần 36.000 tỷ đồng. Ở nhóm sản phẩm làm đẹp, L'Oreal được chọn mua nhiều nhất, với doanh số gần 630 tỷ đồng, tăng hơn 110% so với cùng kỳ.

Gây chú ý, Colorkey có doanh số đứng thứ 2 với 594 tỷ đồng nhưng tăng trưởng đến gần 397%. Riêng cửa hàng của trên Tik Tok Shop có doanh số tăng đến gần 520%. Đây là thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc mới có mặt ở Việt Nam năm 2018, nhưng rất được lòng khách hàng trẻ nhờ giá bình dân, nhiều sự chọn lựa.

Bất ngờ người Việt chi đến 725 tỷ đồng mua giấy qua mạng- Ảnh 1.

Người Việt chi 202.300 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử lớn trong nửa đầu năm 2025, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu, quen thuộc. (Nguồn: Metric)

Nhóm Nhà cửa và Đời sống có doanh số gần 27.000 tỷ đồng. Trong đó, Top Gia là thương hiệu được người tiêu dùng Việt đặc biệt yêu thích, khi chi 725 tỷ đồng mua trong 6 tháng, mức tăng trưởng kỷ lục hơn 988%.

Top Gia với sản phẩm chủ lực là giấy ăn (giấy rút) có mức giá 20.000-23.000 đồng/bịch. Hiện 60% sản phẩm giấy của thương hiệu này được sản xuất trong nước và khoảng 40% sử dụng mô hình OEM (sản xuất theo đơn đặt hàng từ Trung Quốc).

Ở nhóm hàng Thời trang, dù nửa đầu năm chứng kiến không ít thương hiệu nổi tiếng tạm biệt thị trường, nhưng trên sàn thương mại điện tử, nhiều thương hiệu vẫn duy trì tăng trưởng 3 con số.

Như Ecochic với mức tăng đến 259,4%, Tingoan cũng tăng 179,1% hay Lovito tăng 159,3%. Đây là các thương hiệu thời trang gia nhập thị trường không lâu nhưng có giá rẻ, từ 200.000-500.000 đồng với mẫu mã cập nhật xu hướng, được những người trẻ có ảnh hưởng trên mạng sử dụng.

Với ngành Sữa và Dinh dưỡng, những ồn ào hàng giả, sản phẩm kém chất lượng đã thúc đẩy các thương hiệu lớn đẩy mạnh doanh thu. Hai thương hiệu sữa TH true MILK và Vinamilk dẫn đầu mức tăng trưởng doanh số.

Trong đó, ở nhóm shop, các gian hàng Vinamilk trên Shopee và Tik Tok tăng trưởng chưa từng có, với mức tăng lần lượt 164,5% và 213,8%, đạt tổng doanh thu gần 350 tỷ đồng.

Bất ngờ người Việt chi đến 725 tỷ đồng mua giấy qua mạng- Ảnh 2.

Ở nhóm hàng Bách hóa thực phẩm, chỉ có 4-5% người dùng chi từ 500.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng để mua một sản phẩm. (Nguồn: Metric)

Nỗi lo hàng giả hàng nhái khiến người tiêu dùng mua sắm ngày càng khắt khe hơn. Điều này cũng thúc đẩy các shop Mall chính hãng ngày càng chiếm ưu thế trong lựa chọn của người tiêu dùng, trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số trên các sàn thương mại điện tử.

Thống kê cho thấy dù chỉ chiếm 3,4% tổng số shop, các shop Mall lại đóng góp đến 28,7% tổng doanh số trên Shopee và Tik Tok Shop.

Doanh thu cao, chọn mua hàng chất lượng, chính hãng, nhưng theo thống kê, người tiêu dùng chỉ mạnh tay mua sắm ở nhóm hàng có giá thấp dưới 500.000 đồng/sản phẩm.

Trong nửa năm 2025, nhóm hàng có giá 100.000-200.000 dẫn đầu cả về doanh số lẫn sản lượng, với doanh số tăng từ 24,2% lên 26,3%. Tương tự, phân khúc 200.000-350.000 đồng/sản phẩm cũng tăng nhẹ từ 15,7% lên 16,5%; phân khúc trên 1 triệu đồng giảm từ hơn 16% xuống còn 15%.

Đáng chú ý ở hàng thực phẩm, bách hóa, chỉ có hơn 4% người dùng chi từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để mua một sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Sự phân hóa này phản ánh hành vi tiêu dùng thận trọng hơn, người mua tập trung vào các sản phẩm vừa túi tiền.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bat-ngo-nguoi-viet-chi-den-725-ty-dong-mua-giay-qua-mang-a185356.html