
Ngày 19/7, Trung Quốc chính thức khởi động dự án xây dựng siêu đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangpo tại khu vực đông nam Tây Tạng.
Lễ khởi công diễn ra tại thành phố Nyingchi, khu Tây Tạng – nơi sông Yarlung Tsangpo chảy xuống phía nam, vào Ấn Độ với tên gọi sông Brahmaputra, rồi tiếp tục đổ về Bangladesh.
Dự án bao gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (167 tỷ USD), theo Tân Hoa xã. Khi hoàn thành, siêu đập này sẽ có sản lượng điện hàng năm lên tới 300 tỷ kWh – gấp ba lần công suất của đập Tam Hiệp hiện nay.
Theo Trung Quốc, ngoài việc cung cấp điện cho các khu vực khác, dự án cũng sẽ đáp ứng nhu cầu điện tại Tây Tạng. Chủ đầu tư là Tập đoàn Yajiang Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước.
Trước đó, dự án đã vấp phải phản đối từ nước láng giềng Ấn Độ và Bangladesh. Hai quốc gia này bày tỏ lo ngại về tác động của siêu đập đối với nguồn nước, an ninh lương thực và khả năng di dân quy mô lớn.
Trong khi đó, phía Trung Quốc khẳng định dự án đã được đánh giá khoa học nghiêm ngặt và sẽ không ảnh hưởng đến ổn định địa chất, môi trường sinh thái hay quyền tiếp cận tài nguyên nước của các nước láng giềng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng công trình có thể hỗ trợ phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở hạ lưu.
Trước động thái của Bắc Kinh, Ấn Độ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện của mình trên sông Brahmaputra.
Giới quan sát nhận định, với dự án siêu đập này, Trung Quốc không chỉ theo đuổi mục tiêu khai thác tiềm năng thủy điện, mà còn củng cố ảnh hưởng chiến lược trên dãy Himalaya – khu vực có vị trí địa chính trị đặc biệt nhạy cảm tại châu Á.
Tham khảo: SCMP