Tổng thống Trump đe doạ sa thải Chủ tịch Fed khiến thị trường 'dậy sóng': Cả thế giới sẽ chịu rủi ro lớn thế nào nếu Fed không độc lập với chính phủ?

Lời đe dọa gần đây của cựu Tổng thống Donald Trump về việc có thể sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã khơi dậy một câu hỏi vừa cấp bách, vừa khó có câu trả lời: Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế toàn cầu nếu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới mất đi tính độc lập?

Tổng thống Trump đe doạ sa thải Chủ tịch Fed khiến thị trường 'dậy sóng': Cả thế giới sẽ chịu rủi ro lớn thế nào nếu Fed không độc lập với chính phủ?- Ảnh 1.

Trong nhiều thập kỷ, Fed - độc lập khỏi ảnh hưởng trực tiếp từ Nhà Trắng, đã đóng vai trò là “mỏ neo” ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, đại dịch Covid-19 đến các cú sốc địa chính trị gần đây, Fed đã kịp thời hành động để ngăn đà sụp đổ lan rộng. Giới kinh tế cho rằng thành công này phần lớn đến từ khả năng đưa ra quyết sách không bị chi phối bởi các tính toán chính trị ngắn hạn.

Tại sao ngân hàng trung ương cần độc lập với chính trị?

“Nếu không độc lập, khả năng phản ứng nhanh và đáng tin cậy của Fed trước các mối đe dọa tài chính sẽ bị suy giảm đáng kể,” cựu Phó Chủ tịch Fed và chuyên gia kinh tế tại Đại học Princeton, Alan Blinder nhận định. Ông nói thêm: “Chính trị gia gần như luôn muốn lãi suất thấp hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần Fed độc lập.”

Mối lo ngại này không phải là lý thuyết suông. Trong cuộc họp với các nghị sĩ Cộng hòa hôm thứ Ba, ông Trump ám chỉ rằng ông có thể sớm tìm cách sa thải Powell, sau nhiều tháng chỉ trích Fed vì giữ lãi suất quá cao. Dù sau đó ông nói "khó có khả năng" sẽ đưa ra hành động, nhưng đã phát tín hiệu.

Mối rủi ro đến tính độc lập của Fed diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm. Kinh tế Mỹ vẫn đang nỗ lực kiềm chế lạm phát sau nhiều năm vượt mục tiêu 2%. Trong khi đó, các dữ liệu gần đây cho thấy áp lực giá từ “cuộc chiến” thuế quan của ông Trump đang bắt đầu gia tăng.

Nếu Fed dễ bị tác động bởi Nhà Trắng, khả năng ra quyết sách trung lập và kịp thời của họ trong các cuộc khủng hoảng tương lai sẽ thiếu độ tin cậy. Khi thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn - như khủng hoảng nợ Nga năm 1998 hay khủng hoảng tài chính 2008, Fed thường là bên dẫn dắt các nỗ lực ổn định quốc tế. Nhưng để làm được điều đó, Fed cần một đội ngũ chuyên gia hành động nhanh chóng và một ban lãnh đạo có đủ uy tín.

“Chất lượng nhân sự và năng lực lãnh đạo là yếu tố sống còn trong khủng hoảng,” cựu Thống đốc Fed Jeremy Stein cảnh báo.

Fed cũng từng tham gia cứu trợ các nước như Mexico vào năm 1982 và 1995 để ngăn chuỗi phản ứng dây chuyền. Song, nếu Fed trở thành công cụ phục vụ chính trị, liệu họ còn chủ động trong các chương trình hoán đổi tiền tệ hay phối hợp đa phương hay không?

Áp lực từ ông Trump

Sau khi số liệu cho thấy lạm phát tháng 6 tăng nhẹ - một phần do thuế nhập khẩu, ông Trump kêu gọi Fed hạ lãi suất liên bang xuống 3% từ mức 4,3%. Blinder đã phản ứng gay gắt: “Nói điều đó với bất kỳ nhà kinh tế nào, họ sẽ không biết nên cười hay khóc.”

Lãi suất thấp kích thích tiêu dùng và đầu tư, nhưng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến bong bóng tài sản và lạm phát cao. Sau khủng hoảng 2008-2009, Fed bị chỉ trích là quá chậm trong việc nhận diện bong bóng nhà đất. Trong khi đó, nếu chịu sức ép chính trị, Fed có thể dễ dàng “làm ngơ” trước những rủi ro như vậy.

Không chỉ vậy, lãi suất thấp kéo dài còn khiến Fed khó hành động khi khủng hoảng thực sự xảy ra. “Nếu lúc nào cũng hào phóng, thì đến lúc cần thực sự kích thích kinh tế, bạn chẳng còn dư địa,” Robert Barbera từ Đại học Johns Hopkins nhận xét.

Ông Trump cũng lập luận rằng giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí nợ công khổng lồ của Mỹ. Nhưng lãi suất ngắn hạn do Fed điều hành không hẳn sẽ quyết định lãi suất dài hạn như vay mua nhà. Thị trường sẽ điều chỉnh dựa trên kỳ vọng về mức độ độc lập và tính bền vững của chính sách tiền tệ. Nếu Fed bị coi là công cụ của chính quyền, lãi suất dài hạn có thể tăng ngược, làm tổn hại đến người vay và nền kinh tế nói chung.

Điều này đã xảy ra ngay sau khi có tin ông Trump đe dọa sa thải Powell. giới đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc dài hạn, khiến đồng USD và chứng khoán Mỹ suy yếu, trong khi giá vàng tăng vọt. Tình hình chỉ dịu lại khi ông Trump bác bỏ ý định sa thải.

CEO Goldman Sachs, David Solomon, thẳng thắn nhận xét: “Chúng ta cần bảo vệ sự độc lập của ngân hàng trung ương. Không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn thế giới.”

Một số người hoài nghi cho rằng Fed chưa bao giờ thực sự độc lập, vì vẫn phối hợp với chính phủ trong các gói cứu trợ. Nhưng ngay cả khi có sự hợp tác, khả năng hành động trung lập và độc lập vẫn là nền tảng để duy trì lòng tin.

Tham khảo WSJ

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tong-thong-trump-de-doa-sa-thai-chu-tich-fed-khien-thi-truong-day-song-ca-the-gioi-se-chiu-rui-ro-lon-the-nao-neu-fed-khong-doc-lap-voi-chinh-phu-a183956.html