Trung Quốc ‘vỡ mộng’ với dự án ‘Vạn Lý Trường Thành xanh’: Tiêu tốn 8 tỷ USD, bất ngờ phát hiện ‘bảo bối’ chế ngự thiên nhiên lại gây dị ứng nghiêm trọng cho cả khu vực

Loại cây được lựa chọn trồng trong dự án này của Trung Quốc được xác định là nguyên nhân khiến người dân bị dị ứng nghiêm trọng.

Trung Quốc ‘vỡ mộng’ với dự án ‘Vạn Lý Trường Thành xanh’: Tiêu tốn 8 tỷ USD, bất ngờ phát hiện ‘bảo bối’ chế ngự thiên nhiên lại gây dị ứng nghiêm trọng cho cả khu vực- Ảnh 1.

Trong nỗ lực dài hạn nhằm chống sa mạc hóa, Trung Quốc đã xây dựng một “Vạn Lý Trường Thành xanh” trải dài khắp các vùng khô cằn phía bắc, với hàng loạt loại cây trồng bền bỉ được đưa vào trồng đại trà.

Một trong những loài cây chủ lực là ngải bắc (thuộc họ Artemisia), được chọn vì dễ trồng, chi phí thấp và khả năng chịu hạn cao. Dẫu vậy, sau nhiều thập kỷ, loại cây này lại đang bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra một đợt dị ứng phấn hoa (viêm mũi dị ứng theo mùa) ngày càng lan rộng tại nhiều địa phương.

Mới đây, nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã lần đầu tiên xác nhận mối liên hệ giữa cây ngải và bệnh dị ứng ở cấp độ phân tử. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Khoa Dược, Đại học Giao thông Tây An, kết hợp với Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây. Kết quả đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế Journal of Hazardous Materials vào cuối tháng 5 và được truyền thông nhà nước như Science Daily đưa tin hôm đầu tuần.

Trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 5 hợp chất bay hơi có trong phấn hoa của cây ngải - tất cả đều có khả năng gây dị ứng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tại những khu vực có trồng loài cây này.

Thành phố Du Lâm, nằm ở cực bắc tỉnh Thiểm Tây, nơi giao thoa giữa sa mạc Mậu Ốc và cao nguyên Hoàng Thổ, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng sa mạc hóa trong lịch sử. Từ những năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành trồng đại trà cây ngải sa mạc tại đây nhằm phục hồi đất đai. Thành công là điều không thể phủ nhận, khi diện tích sa mạc tại vùng Mậu Ốc đã thu hẹp đáng kể và hệ thực vật xanh của tỉnh Thiểm Tây đã mở rộng thêm gần 400 km về phía bắc.

Tuy nhiên, song song với thành tích về môi trường là sự gia tăng bất thường của các ca dị ứng theo mùa. Một khảo sát sơ bộ vào năm 2019 do chính quyền Du Lâm phối hợp với Bệnh viện Liên hợp Bắc Kinh thực hiện cho thấy phấn hoa từ cây ngải sa mạc là nguyên nhân chính gây viêm mũi dị ứng trong khu vực.

Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề, chính quyền thành phố đã liệt kê việc phòng và kiểm soát viêm mũi dị ứng vào danh sách ưu tiên hàng đầu trong công tác an sinh xã hội năm 2023. Từ năm 2022, giáo sư Hà Lang Trọng, một nhà nghiên cứu dược công tác tại Đại học Giao thông Tây An, đã cùng nhóm cộng sự khởi động chiến dịch “theo dõi dị nguyên” dài hạn tại địa phương. Nhóm đã phát triển một thiết bị phân tích khí dị ứng, tiến hành sàng lọc hệ thống các mẫu thực vật để xác định các hợp chất bay hơi.

Kết quả cho thấy các hợp chất này có khả năng kích hoạt mạnh mẽ tế bào mast, loại tế bào tham gia vào phản ứng miễn dịch, thông qua thụ thể MrgX2, từ đó dẫn đến hiện tượng dị ứng. Nhóm nghiên cứu cũng đo được sự thay đổi hàm lượng các chất này theo từng tháng. Đáng chú ý, nồng độ tăng mạnh vào tháng 8 và 9, trùng khớp với mùa cao điểm của viêm mũi dị ứng tại Du Lâm.

Những phát hiện này không chỉ giúp giám sát chất gây dị ứng trong không khí, mà còn mở đường cho việc phát triển thuốc chống dị ứng đặc hiệu, phù hợp với từng vùng trồng cụ thể.

Tình trạng này không chỉ giới hạn ở Thiểm Tây. Tại Hohhot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông, một người dân tên Mã Ba cho biết trên 30% người quanh anh có triệu chứng dị ứng theo mùa, nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Trong khi đó, một người dân tại Lan Châu (tỉnh Cam Túc) cho biết anh đã mắc viêm mũi dị ứng suốt hơn 10 năm, với các triệu chứng nặng mỗi mùa thu như hắt hơi dữ dội, chảy nước mắt và sưng mặt.

Một cán bộ Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ thành phố Du Lâm từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn báo chí năm 2020 rằng bài học lớn rút ra từ chiến dịch trồng cây chống sa mạc hóa là phải tính đến sức khỏe cộng đồng. Ông cho biết, trong các kế hoạch tương lai, chính quyền đã “xem xét đầy đủ yếu tố đa dạng sinh học của cây trồng và những tác động tiềm tàng đến đời sống người dân.”

Dự án “Vạn lý Trường thành xanh”, chính thức mang tên Chương trình rừng chắn ba Bắc (Three‑North Shelterbelt Project), được khởi động vào năm 1978 nhằm chống sa mạc hóa ở những vùng phía bắc, đông bắc và tây bắc Trung Quốc. Dự án kéo dài đến năm 2050, là một trong những chương trình trồng rừng quy mô lớn nhất thế giới.

Theo các nguồn đáng tin cậy, dự án đã tiêu tốn khoảng 8 tỷ USD, như tài liệu của Tổ chức Lâm nghiệp và đồng cỏ Trung Quốc và cập nhật qua các nghiên cứu khí hậu quốc tế. Về diện tích, chương trình này gồm nhiều giai đoạn, tính toán đến năm 2050 sẽ bao phủ hơn 4 triệu km² trải dài 13 tình thành ở khắp miền bắc Trung Quốc.

Tham khảo SCMP

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/trung-quoc-vo-mong-voi-du-an-van-ly-truong-thanh-xanh-tieu-ton-8-ty-usd-bat-ngo-phat-hien-bao-boi-che-ngu-thien-nhien-lai-gay-di-ung-nghiem-trong-cho-ca-khu-vuc-a183880.html