Đập thuỷ điện Lưỡng Hà Khẩu là thành tựu táo bạo nhất của Trung Quốc tính đến nay trong lĩnh vực hạ tầng phục vụ cho năng lượng bền vững.
Toạ lạc ở vị trí cao 3.000 mét so với mực nước biển, công trình khổng lồ này cao hơn tất cả các nhà máy điện khác ở Trung Quốc và cao thứ hai thế giới. Theo báo cáo của Công ty Phát triển Thuỷ điện sông Yalong, điểm cao nhất của đập là hơn 300 mét, ngang ngửa với Tháp Eiffel. Công trình này ước tính sản xuất tới 11 tỷ kWh điện mỗi năm.
Không chỉ gây ấn tượng bởi sản lượng điện khổng lồ, dự án còn được xem như lời thách thức đối với vị thế thống trị của điện mặt trời và điện gió. Những nguồn năng lượng tái tạo này đang chiếm ưu thế về mặt số lượng nhưng thường kém ổn định.
Nhờ tận dụng địa hình cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đã khai thác được áp suất nước lớn, giúp các tuabin vận hành hiệu quả hơn. Một kỹ sư cấp cao tham gia dự án nhận định súc tích: “Đây là một thành tựu”.

Không giống như năng lượng mặt trời và gió vốn phụ thuộc vào thời tiết và ánh sáng, thủy điện cung cấp dòng điện liên tục. Tính ổn định này đặc biệt phù hợp với hệ thống điện quốc gia, nơi cần nguồn cung không gián đoạn mà không phụ thuộc vào các nguồn dự phòng.
Trên cơ sở đó, giới chức Trung Quốc đã giảm bớt quy mô các dự án điện mặt trời và điện gió hoạt động chưa đạt công suất tối ưu, đặc biệt ở những khu vực mà sản lượng không tương xứng với chi phí hạ tầng. Tuy nhiên, nhà chức trách khẳng định đây không phải là từ bỏ điện gió hay mặt trời, mà là bước “tái cân bằng” nhằm phát huy thế mạnh của thủy điện.
Xây dựng một công trình khổng lồ ở trên cao là thách thức lớn. Kỹ sư và công nhân phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thiếu oxy và địa hình hiểm trở. Khi xe tải không thể di chuyển, trực thăng được điều động vận chuyển vật liệu.
Các khu nhà tạm đã được dựng lên để phục vụ hàng nghìn lao động, cùng các trạm y tế hỗ trợ. Môi trường khắc nghiệt từng bị xem là trở ngại về hậu cần, nay lại trở thành lợi thế, cho phép các kỹ sư khai thác sức mạnh tự nhiên một cách hiệu quả.
Yếu tố môi trường cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng. Thay vì phá hủy để hoàn thành dự án, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp sáng tạo nhằm bảo vệ hệ sinh thái xung quanh. Từ việc phục hồi đất cho đến thiết kế các dòng nước cho cá di cư, mọi chi tiết đều nhằm đảm bảo đa dạng sinh học không bị ảnh hưởng. Dự án là minh chứng cho khả năng kết hợp giữa công nghiệp quy mô lớn và nhận thức sinh thái.
Hãng tin Xinhua đưa tin nhà máy thủy điện sẽ là bước ngoặt trong việc cung cấp điện cho Tứ Xuyên cũng như sự phát triển của Vành đai kinh tế sông Dương Tử và vành đai kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh.
Tuy nhiên, mô hình này không dễ áp dụng tại các quốc gia khác. Muốn làm tương tự, các nước phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trước hết là địa lý phù hợp như cần có sông chảy mạnh, chảy siết hoặc vùng cao nguyên đủ tạo áp lực nước cần thiết. Nếu không, ngay cả nhà máy hiện đại cũng không thể đạt hiệu suất tương đương.
Tiếp theo là yêu cầu về vốn đầu tư lớn. Dự án cần hàng tỷ USD cùng hệ thống hạ tầng phối hợp chặt chẽ. Cuối cùng là sự hậu thuẫn của chính phủ và ý thức bảo vệ môi trường cũng như tôn trọng cộng đồng địa phương.
Dự án thủy điện mới của Trung Quốc không chỉ đánh dấu bước nhảy vọt về công nghệ năng lượng, mà còn là thông điệp chiến lược định hình tương lai năng lượng bền vững toàn cầu.
Tổng hợp