300 con đập bị cho nổ, hàng trăm nhà máy thuỷ điện ngừng hoạt động: Chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc?

Hàng trăm con đập trên một nhánh của sông Dương Tử đã bị phá dỡ nhằm khôi phục hệ sinh thái.

Theo Tân Hoa Xã, trong một nỗ lực quy mô lớn nhằm khôi phục hệ sinh thái sông Dương Tử - dòng sông dài nhất châu Á, Trung Quốc đã phá dỡ 300 con đập và đóng cửa phần lớn các trạm thủy điện nhỏ trên một nhánh chính của thượng nguồn dòng sông này. 

Cụ thể, 300 trong số 357 con đập trên sông Xích Thủy, còn gọi là “sông Đỏ”, đã bị tháo dỡ tính đến cuối tháng 12/2024. Đồng thời, 342 trên tổng số 373 nhà máy thủy điện nhỏ tại đây cũng đã ngừng hoạt động.

Sông Xích Thủy dài hơn 400 km, chảy qua các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Đây là một trong những dòng sông cuối cùng ở thượng nguồn Dương Tử vẫn còn giữ được môi trường sống tự nhiên cho nhiều loài cá quý hiếm, đặc hữu của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên, hệ thống đập và thủy điện dày đặc đã làm suy giảm mạnh dòng chảy tự nhiên, khiến nhiều đoạn sông cạn khô, tàn phá môi trường sinh sản và cản trở đường di cư của các loài cá.

Giáo sư Chu Kiến Quân, chuyên gia thuỷ lợi tại Đại học Thanh Hoa - cho biết: “Việc ngừng hoạt động trạm thủy điện không hẳn đồng nghĩa với việc phá hủy hoàn toàn công trình. Quan trọng nhất là thay đổi cách điều tiết nước sau khi ngừng phát điện để đáp ứng nhu cầu sinh thái.”

Từ năm 2020, Bắc Kinh đã triển khai chiến dịch điều chỉnh và tháo dỡ quy mô lớn các công trình thủy điện nhỏ, nhằm khôi phục hệ sinh thái sông ngòi. Theo Tân Hoa Xã, nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực: nhiều loài thủy sinh, trong đó có cá tầm Dương Tử, một loài từng được tuyên bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên, đã bắt đầu phục hồi môi trường sống và có dấu hiệu sinh sản tự nhiên trở lại.

Cá tầm Dương Tử, cùng với cá kiếm Trung Hoa, là 2 loài cá nước ngọt khổng lồ từng sinh sống trong hệ thống sông Dương Tử. Tuy nhiên, từ những năm 1970, số lượng cá tầm suy giảm nghiêm trọng do sự phát triển ồ ạt của các con đập và ngành giao thông đường thủy. Kể từ năm 2000, các nhà khoa học không tìm thấy cá tầm non sinh ra tự nhiên trong toàn bộ lưu vực sông.

Dù vậy, hy vọng đã được nhen nhóm trở lại nhờ nhóm nghiên cứu của Viện Thủy sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Lưu Phi, nhóm đã thả 2 đợt cá tầm vào sông Xích Thủy vào năm 2023 và 2024. Kết quả ghi nhận cho thấy cá thích nghi tốt với môi trường hoang dã và đang phát triển khỏe mạnh.

Tháng 4/2025, nhóm tiếp tục thực hiện thử nghiệm, thả 20 con cá tầm trưởng thành vào một đoạn sông tại Quý Châu nhằm theo dõi khả năng sinh sản tự nhiên. Chỉ trong vòng vài tuần, họ đã quan sát được hành vi đẻ trứng và nở cá con tự nhiên - một bước đột phá cho công tác phục hồi loài này.

“Kết quả này cho thấy môi trường sinh thái hiện tại của sông Xích Thủy đã đủ điều kiện cho cá tầm Dương Tử sinh sống và sinh sản tự nhiên,” ông Lưu cho biết.

Theo kết quả giám sát mới nhất, hệ sinh thái sông Xích Thủy đang dần phục hồi với sự gia tăng rõ rệt số lượng và chủng loại các loài cá ở nhiều khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai nhiều chính sách song song để bảo vệ sông Dương Tử. Trong đó, lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm được ban hành từ năm 2020 là một trong những biện pháp cốt lõi. Tại tỉnh Tứ Xuyên, đến cuối năm 2021, chính quyền đã hoàn tất việc điều chỉnh 5.131 trạm thủy điện nhỏ, bao gồm việc đóng cửa 1.223 trạm.

Chính quyền địa phương cũng cấm tuyệt đối hoạt động khai thác cát trong lòng sông - vốn là nguyên nhân gây xói mòn, phá vỡ môi trường đẻ trứng và sinh sản của các loài thủy sinh.

Trong báo cáo công bố tháng 8/2024, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng đa dạng sinh học thủy sinh của sông Dương Tử đã cải thiện đáng kể, nhờ sự kết hợp giữa lệnh cấm đánh bắt, kiểm soát thủy điện nhỏ và các biện pháp khôi phục hệ sinh thái khác. Số lượng cá, động vật không xương sống và lưỡng cư đều tăng trở lại, trong khi chất lượng nước ở các nhánh sông chính được xếp hạng “xuất sắc”.

Theo SCMP

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/300-con-dap-bi-cho-no-hang-tram-nha-may-thuy-dien-ngung-hoat-dong-chuyen-gi-dang-xay-ra-o-trung-quoc-a182804.html