BRICS mở rộng chưa từng có, công bố 126 cam kết chiến lược: Không đối đầu Mỹ, nhưng không lệ thuộc

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 17 được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 6-7/7/2025.

Đây là lần thứ ba Brazil đảm nhiệm chức chủ tịch BRICS, trước đó là vào các năm 2010 và 2014. Brazil đã chọn khẩu hiệu cho kỳ họp thượng đỉnh 2025 là "Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ở Nam Bán cầu để có nền quản trị toàn diện và bền vững hơn".

Tham gia Hội nghị có các đoàn từ 37 nước, trong đó có nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 10 nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Indonesia, Iran, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ethiopia. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã tham gia Hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 tại Brazil đã thu hút sự chú ý to lớn của dư luận quốc tế do chương trình nghị sự của nó bao gồm một loạt các vấn đề thời sự. Một trong những kết quả chính của hội nghị là các sáng kiến nhằm củng cố vị thế của khối trên trường quốc tế thông qua các phương pháp tiếp cận mới về kinh tế và thương mại.

BRICS mở rộng chưa từng có, công bố 126 cam kết chiến lược: Không đối đầu Mỹ, nhưng không lệ thuộc- Ảnh 1.

Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 chụp ảnh chung. Ảnh: Reuters

Kết quả chính của hội nghị

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Brazil đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển và hợp tác giữa các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới.

Với sự tham gia đầy đủ của 10 thành viên, hội nghị không chỉ phản ánh những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh quốc tế hiện nay, mà còn đề cập thẳng thắn đến các thách thức an ninh, kinh tế và quản trị toàn cầu.

126 cam kết đã được đưa ra, bao gồm quản trị toàn cầu, tài chính, y tế, trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực chiến lược khác.

Các nhà lãnh đạo của BRICS đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 tại Rio de Janeiro mang tên "Tăng cường Hợp tác Nam Bán cầu hướng tới Quản trị Toàn diện và Bền vững hơn". Tuyên bố khẳng định cam kết của nhóm trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương, duy trì luật pháp quốc tế và phấn đấu vì một trật tự thế giới công bằng hơn. Đây là kết quả của hơn 200 cuộc họp nhằm tạo ra và củng cố 200 cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ mới.

Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên BRICS đã tái khẳng định cam kết của mình đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ luật pháp quốc tế, tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuyên bố chung cũng kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin và Caribe, vào các quá trình và cơ cấu ra quyết định toàn cầu của BRICS.

Tuyên bố nêu rõ một thế giới đa cực có thể tạo ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi, hiện thực hóa tiềm năng của họ và hưởng lợi từ toàn cầu hóa kinh tế công bằng, toàn diện và hợp tác có lợi cho tất cả mọi người. Nam Bán cầu có vai trò như một động lực thúc đẩy thay đổi tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức quốc tế to lớn, căng thẳng địa chính trị leo thang, suy thoái kinh tế, chuyển đổi công nghệ tăng tốc, các biện pháp bảo hộ và các vấn đề di cư.

Khuyến khích sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch song phương, giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền thống trị trên thế giới, tăng cường khối lượng đầu tư giữa các nước BRICS để kích thích tăng trưởng kinh tế là những vấn đề đạt được sự đồng thuận cao tại Hội nghị.

Tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố các thể chế của BRICS. Hội nghị ghi nhận rằng tổ chức này đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi hệ thống tài chính hiện tại của thế giới.

Bên cạnh các tuyên bố chính trị, hợp tác văn hóa và giáo dục cũng được đặc biệt chú trọng. Chủ tịch Trung tâm BRICS Vicente Barrientos đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ quyền lực mềm và tương tác liên chính quyền địa phương.

Như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2025 đã khẳng định vai trò là nền tảng cho việc đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế quốc tế. Nhấn mạnh tiềm năng của quyền lực mềm và ngoại giao văn hóa, các nhà lãnh đạo BRICS nỗ lực đảm bảo một tương lai cân bằng cho cộng đồng thế giới.

BRICS mở rộng chưa từng có, công bố 126 cam kết chiến lược: Không đối đầu Mỹ, nhưng không lệ thuộc- Ảnh 2.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 5/7. Ảnh: AFP

BRICS ngày càng mở rộng và ảnh hưởng tới toàn cầu

BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nâng cấp lên thành Hội nghị cấp cao từ năm 2009. Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Nhóm đã chứng kiến sự chuyển đổi về chất trong năm nay sau khi kết nạp thêm 5 quốc gia nữa.

Hiện nay BRICS đại diện cho 49% dân số thế giới, tương đương khoảng 3,9 tỷ người và 39% GDP toàn cầu và 25% thương mại thế giới. Khối nắm giữ nguồn tài nguyên năng lượng và nguyên liệu thô khổng lồ, bao gồm Nga, Ả Rập Xê Út và Brazil, cùng với Iran là những nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ - hai thành viên chính của BRICS - sở hữu các ngành công nghiệp sản xuất và công nghệ khổng lồ, và là hai trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Sự mở rộng này là đối trọng với nhóm G7 - trong đó có Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 29,6% nền kinh tế toàn cầu.

Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg năm 2023, sáu quốc gia đã được mời tham gia tổ chức này gồm Argentina, Ai Cập, Iran, UAE, Ả Rập Xê Út và Ethiopia. Tuy nhiên, Argentina - khi ông Javier Milei đắc cử Tổng thống - đã từ chối tham gia, và Ả Rập Xê Út vẫn chưa quyết định tham gia chính thức, nhưng vẫn là một quốc gia được mời.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan vào tháng 10/2024, một quy chế mới là "quốc gia đối tác" đã được thiết lập. Kể từ 1/1/2025, quy chế này đã được trao cho Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan. Tháng 6/2025, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS.

Sau hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg (2023), số lượng thành viên của BRICS đã lên tới 10 nước. Kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Kazan (2024), đã có 10 quốc gia được công nhận là đối tác của BRICS.

Việc đưa ra quy chế đối tác là một bước tiến mới trong sự phát triển của BRICS. Không giống như khách mời, các quốc gia đối tác được tham gia vào tất cả các sự kiện của BRICS, không chỉ trong các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trưởng, mà còn trong hầu hết các cuộc thảo luận theo ngành, các định dạng dành riêng cho các khía cạnh khác nhau của hợp tác kinh tế và giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Một số lượng đáng kể các quốc gia cũng đã tham gia các hội nghị thượng đỉnh BRICS. Năm 2023, khi Nam Phi giữ chức chủ tịch BRICS, tất cả các thành viên của Liên minh Châu Phi (OAU) đều được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh. Khi đó, công việc được thực hiện theo các hình thức BRICS Plus và BRICS Outreach.

BRICS không đối đầu Mỹ và phương Tây

BRICS được thành lập năm 2009, và hợp tác trong khuôn khổ BRICS không nhằm chống lại các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Các hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này không đưa ra bất cứ tuyên bố nào chống lại Washington.

Mục tiêu của BRICS là xây dựng một nhóm tập hợp các quốc gia đang phát triển để bảo vệ lợi ích của mình trước sức ép của Mỹ và phương Tây. Việc các nước BRICS dùng đồng tiền quốc gia trong thanh toán là để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD khi Mỹ thi hành chính sách cấm vận, ngăn cản nhiều nước thanh toán bằng đồng USD.

Nhóm BRICS không đặt mục tiêu tạo ra một loại tiền tệ mới cho các thành viên của mình. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện Mỹ gây sức ép, gây khó khăn cho các nước trong việc thanh toán bằng đồng USD, thì việc các nước sử dụng đồng tiền địa phương trong các giao dịch thương mại và đầu tư là hợp lý. Hiện nay, các nhà lãnh đạo BRICS vẫn chưa chính thức nói về một đồng tiền chung của nhóm, mà chỉ mới nói về việc tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại.

Từ lâu, các nước BRICS rất mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ thương mại căng thẳng gia tăng, bao gồm vấn đề thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, đang đặt ra các rào cản thương mại với Mỹ và thúc đẩy các đối tác của Mỹ hướng đến đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.

Quan hệ hợp tác của BRICS với các khối và tổ chức khu vực, đặc biệt là Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)... đang phát triển tốt và là một hướng đi rất hứa hẹn.

Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil là một bước ngoặt trong quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên. Tại hội nghị, các nước BRICS đã đưa ra nhiều sáng kiến kinh tế, trong số đó có Tuyên bố Rio de Janeiro mới bao gồm các chiến lược hợp tác kinh tế BRICS cho giai đoạn 2025 - 2030, tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và các sáng kiến nhằm mở rộng thanh toán bằng đồng tiền địa phương, tạo ra khái niệm Nền tảng Đầu tư BRICS Mới, các sáng kiến về thanh toán xuyên biên giới BRICS, khái niệm Sàn giao dịch Ngũ cốc BRICS... và việc thực hiện các sáng kiến này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên.


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/brics-mo-rong-chua-tung-co-cong-bo-126-cam-ket-chien-luoc-khong-doi-dau-my-nhung-khong-le-thuoc-a182755.html