Đã 16 ngày trôi qua, chương trình thử nghiệm robotaxi (taxi tự lái) được kiểm soát chặt chẽ của Tesla tại Austin đã diễn ra mà không xảy ra bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, vào ngày 24/6, một chiếc Model Y trong đội thử nghiệm đã va quẹt nhẹ vào một chiếc Toyota Camry đang đỗ trước tiệm pizza nổi tiếng. Dù chỉ là sự cố nhỏ, nhưng nếu chiếc xe đó đâm vào một người, hậu quả có thể đã khác.
GIẤC MƠ TỶ USD
Các nhà đầu tư lạc quan đang đặt cược vào giấc mơ robotaxi của Elon Musk như một nguồn doanh thu mới khổng lồ từ dịch vụ chở khách tự động. Tuy nhiên, đi cùng đó là rủi ro pháp lý chưa từng có: Trách nhiệm pháp lý nếu công nghệ tự lái gặp sự cố. Các chủ xe Tesla – những người mong muốn “cho thuê” xe của mình như kiểu Airbnb thông qua mạng lưới robotaxi mà Musk đã quảng bá trong nhiều năm – cũng có thể bị liên đới trách nhiệm.
“Một số xe sẽ do Tesla sở hữu... nhưng đối với đội xe do khách hàng sở hữu, thì sẽ giống như Airbnb”, Musk phát biểu tại cuộc họp cổ đông Tesla vào tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc tham gia mạng lưới robotaxi không đơn giản là kiếm tiền.
“Tôi có tưởng tượng ra cảnh bị kiện không? Chắc chắn là có”, luật sư Mike Nelson, người từng tham gia hơn 1.000 vụ tai nạn liên quan đến Tesla cho biết. Startup của ông – QuantivRisk – chuyên phân tích dữ liệu từ cảm biến và hệ thống máy tính của các vụ tai nạn. “Ngoài việc kiện Tesla, luật sư của nguyên đơn có thể sẽ kiện cả chủ sở hữu xe, với lập luận rằng xe không được bảo trì đúng cách hoặc chủ xe che giấu tình trạng kỹ thuật”.
“Nếu robotaxi Tesla gây tai nạn lúc 3 giờ sáng, chủ xe có phải bật dậy chạy tới hiện trường để làm việc với cảnh sát không?”
Ngay cả khi công nghệ robotaxi của Tesla thực sự sẵn sàng (điều mà nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi), lời hứa biến xe thành nguồn thu nhập có thể chỉ là một giấc mơ viển vông khác của Musk – giống như hyperloop, mái nhà năng lượng mặt trời, hay khoản 2.000 tỷ USD cắt giảm ngân sách DOGE.
“Robotaxi giống như phòng chờ di động – bạn có thể thư giãn, uống một ly, xem phim, thậm chí ngủ”, Musk từng viết trên Facebook.
Tuy nhiên, Tesla không trả lời khi được câu hỏi nếu hành khách đang ngủ hoặc uống rượu mà gặp tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Waymo, đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực robotaxi đã tuyên bố rõ ràng: Nếu xe của họ gây tai nạn, công ty sẽ chịu trách nhiệm. Họ còn cung cấp bảo hiểm y tế cho hành khách, bất kể lỗi thuộc về ai.
“Trách nhiệm pháp lý phải đặt lên vai nhà sản xuất – y như với người lái xe”, Giáo sư luật William Widen tại Đại học Miami – người chuyên nghiên cứu pháp lý liên quan đến xe tự hành – đồng tình với cách tiếp cận của Waymo. Nhưng ông nhấn mạnh rằng: “Câu hỏi lớn là: Tiêu chuẩn trách nhiệm pháp lý đối với công nghệ này là gì? Nếu xe robotaxi gây tai nạn, thì hãy xử lý như một con người gây tai nạn: Tái dựng vụ việc trước bồi thẩm đoàn để xác định xem AI hành xử có hợp lý không”.
Dù Musk nói nhiều về tương lai của robotaxi, nhưng Tesla chưa nói rõ cách triển khai toàn diện. Chương trình thử nghiệm ở Austin chỉ mở cho một nhóm nhỏ người dùng, thông qua ứng dụng riêng biệt và phải chấp nhận điều khoản dịch vụ – nhiều người có thể không đọc kỹ.
Một điều khoản ghi rõ:
“Hành khách có thể không được đưa đến đúng điểm đến dự kiến, hoặc có thể gặp bất tiện, gián đoạn, hay cảm thấy không thoải mái khi sử dụng dịch vụ Robotaxi”.
Hành khách cũng không được dùng robotaxi trong trường hợp khẩn cấp, và phải chấp nhận hòa giải thay vì kiện tụng nếu xảy ra tranh chấp.
CÂU HỎI PHÁP LÝ
Hiện tại, cả Uber và tài xế của hãng đều có thể phải chịu trách nhiệm nếu gặp tai nạn. Giới chuyên gia dự đoán Tesla và chủ xe robotaxi cũng sẽ chịu chung rủi ro.
Tuy nhiên, ý tưởng “Airbnb hóa xe tự lái” vẫn quá mới mẻ, và bảo hiểm cho mô hình này là bài toán hóc búa.
“Với rủi ro mới, các công ty bảo hiểm sẽ rất thận trọng”, ông Ben Lewis – Phó Chủ tịch Simulytic, một startup chuyên đánh giá rủi ro xe tự lái – nhận định. “Bảo hiểm cá nhân thì không quen với chuyện chủ xe lập cả đội xe tự hành để kiếm tiền ngoài đường”.
Tesla không có hệ thống bảo trì như Waymo – và đó là vấn đề. Waymo hiện có khoảng 2.000 xe robotaxi tại các thành phố lớn như Phoenix, San Francisco, Austin, LA, Atlanta – được bảo trì liên tục, vệ sinh, sạc điện mỗi ngày.
Tesla thì chưa công bố kế hoạch tương tự. Nếu không đảm bảo được bảo trì, sẽ khó thu hút chủ xe tham gia.
“Xước xe, bẩn nội thất, ghế rách, vi khuẩn… Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng thấy rắc rối”, ông Loren McDonald, một chủ xe Tesla lâu năm chia sẻ. “Về lý thuyết thì có thể kiếm tiền, nhưng với gia đình tôi, những phiền phức đó không xứng đáng”.
Chưa kể, Musk tự hào rằng Tesla có lợi thế chi phí vì chỉ dùng camera kỹ thuật số giá rẻ, thay vì lidar, radar và cảm biến nhiệt như Waymo – vốn đắt hơn hàng ngàn USD.
Tuy nhiên, điều này có thể là rủi ro pháp lý: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu luật sư không tranh luận rằng: Tesla cắt giảm an toàn để tiết kiệm chi phí”, luật sư Mike Nelson nhận xét.
Theo: Forbes