Trung tâm dữ liệu đang thúc đẩy nhu cầu chưa từng có trong lĩnh vực này

Các công điện lực Mỹ đang phải tìm kiếm số vốn khổng lồ cần thiết để phát triển các trung tâm dữ liệu mà không khiến hóa đơn của người tiêu dùng bị tăng cao.

Các công ty điện lực Mỹ dự kiến sẽ chi 212,1 tỷ USD cho chi tiêu vốn trong năm nay, tăng 22,3% so với năm trước khi họ chạy đua để đảm bảo nguồn cung cấp điện mới cho các trung tâm dữ liệu, tờ Financial Times đưa tin hồi đầu tuần, trích dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Đầu tư Jefferies.

So với 10 năm trước, mức tăng đầu tư đạt mức ấn tượng 129%. Theo Jefferies, chi tiêu vốn trong lĩnh vực điện lực tại Mỹ sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2027, ở mức 228,1 tỷ USD.

"Các công ty đang đầu tư vào sản xuất và truyền tải để tái công nghiệp hóa nền kinh tế", ông Julien Dumoulin-Smith, nhà phân tích năng lượng sạch và tiện ích điện tại Jefferies, nói với Financial Times.

"Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi đã thấy sự thiếu hụt tương đối về đầu tư mới. Hiện tại, chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi rất có ý nghĩa và sẽ thấy sự gia tăng mạnh mẽ khi việc triển khai các trung tâm dữ liệu được đẩy nhanh", ông nói thêm.

Trung tâm dữ liệu đang thúc đẩy nhu cầu chưa từng có trong lĩnh vực này- Ảnh 1.

Ảnh minh họa do AI tạo ra

Trong khi sự phát triển của các trung tâm dữ liệu có thể thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế, các công ty, cơ quan quản lý và chính phủ trên khắp "xứ cờ hoa" đang phải tìm cách cân bằng giữa số vốn khổng lồ cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) và làm thế nào để hóa đơn của người tiêu dùng không bị tăng cao.

Nếu các trung tâm dữ liệu chuyển chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, các trung tâm này có thể phải đối mặt với sự phản đối đối với các kế hoạch mở rộng của mình – trong khi các công ty tiện ích có thể phải chọn lọc hơn với các khoản đầu tư của mình.

Tuần trước, Wood Mackenzie đã báo cáo rằng khoản đầu tư hằng năm vào cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối của các công ty tiện ích do nhà đầu tư sở hữu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, từ hơn 50 tỷ USD vào năm 2016 lên hơn 100 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, những thách thức đang nổi lên, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu về nhiều loại thiết bị tăng đột biến.

Wood Mackenzie lấy ví dụ với máy biến áp ba pha. Cơ quan này dự kiến nhu cầu về thiết bị này ở Mỹ sẽ tăng vọt 145% từ nay đến năm 2034. Nhưng hiện đã có tình trạng thiếu hụt máy biến áp và tình trạng này ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Thời gian chờ máy biến áp đã kéo dài từ 4-6 tuần vào năm 2020 lên tới 3 năm hiện nay, do nhu cầu tăng đột biến từ lĩnh vực trung tâm dữ liệu, Wood Mackenzie cho biết.

Ngoài ra, còn có một cuộc đua xây dựng thêm công suất phát điện chạy bằng khí đốt để đảm bảo nguồn điện cơ bản đáng tin cậy cho các nhà điều hành trung tâm dữ liệu.

Rystad Energy cho biết vào đầu năm nay rằng, khí đốt đã trở lại mạnh mẽ khi nguồn cung điện gió và điện mặt trời mà các công ty công nghệ lớn dựa vào trong nhiều năm qua vẫn là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của họ.

"Lượng dự trữ các dự án phát điện bằng khí đốt theo kế hoạch trong lĩnh vực tiện ích – không bao gồm các nhà sản xuất điện độc lập – đã tăng từ 6 GW vào cuối năm 2023 lên mức đáng kinh ngạc là 17,5 GW hiện tại, mức cao nhất kể từ năm 2017", Rystad Energy lưu ý.

Minh Đức (Theo Oil Price, Financial Times)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt ở nơi không ngờTấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt ở nơi không ngờ

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/trung-tam-du-lieu-dang-thuc-day-nhu-cau-chua-tung-co-trong-linh-vuc-nay-a181749.html