Có lẽ hiếm có nơi nào quanh Thăng Long - Hà Nội mà dấu ấn của tổ tiên thủa bình minh của lịch sử lại được hiện diện đậm đặc như ở Đông Anh.
Qua những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học, trải qua các giai đoạn văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn... chúng ta có thể phác họa bức tranh khá toàn diện về quá trình khai phá đất đai để cư trú xây dựng nền tảng văn hóa bền chặt trên địa bàn huyện Đông Anh.
Thời kỳ Hùng Vương, vùng đất Đông Anh thuộc một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang, những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng như Bãi Mèn, Đường Mây, Đình Tràng với hàng nghìn hiện vật được khai quật trong lòng đất là những minh chứng cho quần cư của người tiền sử sớm hiện diện trên mảnh đất này.
Đền Cổ Loa còn được gọi là đền thờ vua An Dương Vương hoặc đền Thượng, toạ lạc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, sau khi thành lập nước Âu Lạc, Thục Phán - An Dương Vương đã chọn vùng đất Đông Anh, vùng đất cao, gần núi, nhưng cũng không quá xa biển để định đô và xây thành Cổ Loa. Cổ Loa ở vùng đồng bằng sông Hồng giáp với trung du, bên bờ bắc dòng sông Hoàng và nằm trong tứ giác nước với sông Cà Lồ ở phía Bắc, sông Cầu ở phía Đông, sông Đuống ở phía Nam và sông Hồng ở phía Tây.
Là kinh đô của nước Âu Lạc, Cổ Loa trở thành một tổ hợp kinh thành - quân thành - thị thành. Các nhà khảo cổ học đánh giá đây là một trong những kinh đô cổ nhất trong khu vực Đông Nam Á, là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ.
Theo chiều dài lịch sử, mảnh đất Đông Anh tiếp tục lưu dấu ấn lịch sử khi mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương, thành lập nhà nước độc lập, đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Để tỏ ý nối tiếp "quốc thống xưa" của An Dương Vương, Ngô Quyền đã quyết định đóng đô ở Cổ Loa thành. Cổ Loa một lần nữa trở thành trung tâm chính trị của cả nước trong buổi đầu tự chủ.
Ban thờ Đức Vua An Dương Vương tại đền Cổ Loa.
Như vậy, có thể thấy trong suốt thời kỳ mở nước của dân tộc, khu vực Cổ Loa luôn là trung tâm văn hóa lớn ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nghiên cứu ở Cổ Loa đã cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn về quy mô, mức độ và cấu trúc xã hội của một vùng dân cư nông nghiệp trong thời kỳ An Dương Vương điều đó được thể hiện qua câu ca:
"Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường.
Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây"
Trải qua tầng tầng lớp lớp những thăng trầm của lịch sử dân tộc, bước vào thế kỷ XX, mảnh đất Đông Anh tiếp tục là nơi lưu dấu những chiến công oai hùng của Thủ đô và đất nước.
Từ năm 1941 đến năm 1945, Đông Anh được chọn là một trong những An toàn khu để cán bộ Trung ương hoạt động. Nhân dân Đông Anh đã che chở, nuôi dưỡng, giúp đỡ nhiều đồng chí lãnh đạo và cơ quan của Trung ương, trong đó có các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng,...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đông Anh là "cửa ngõ" hành quân lên Đông Bắc của bộ đội chủ lực, là "tuyến lửa" ngăn chặn địch từ Hà Nội tấn công lên chiến khu kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Đông Anh tiếp tục đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Thủ đô, vừa xây dựng CNXH, chi viện "sức người, sức của" cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa đánh trả ngoan cường chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hàng vạn người con Đông Anh đã anh dũng lên đường ra trận, hàng nghìn người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường.
Không gian bên trong đình Thái Bình, thuộc thôn Thái Bình xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Với bề dày thành tích trong đấu tranh cách mạng, từ năm 1957 đến 1965, Đông Anh vinh dự 6 lần được đón Bác Hồ về thăm đó là Công trường hàn khẩu đê Mai Lâm, Công trường đào giếng chống hạn thôn Kính Nỗ, thăm Đền Thượng tại khu di tích Cổ Loa, thăm huyện Đông Anh và trồng cây đa tại Vườn cây thống nhất (Cầu Đôi); thăm và chúc tết cán bộ và nhân dân thôn Lỗ Khê, đơn vị pháo phòng không thôn Du Nội, trồng cây đa tại thôn Tiên Hội.
Không chỉ là vùng đất anh hùng trong tiến trình lịch sử, Đông Anh đang vững bước trên hành trình phát triển, không ngừng đổi mới để khẳng định vị thế là một trong những địa phương phát triển năng động của Thủ đô. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đông Anh đã thực sự khoác lên mình diện mạo phát triển mới, trở thành một trong những trục động lực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, vùng đất "địa linh" này còn sinh ra nhiều "nhân kiệt" làm rạng danh quê hương đất nước. Đây là vùng đất hiếu học, các làng khoa bảng nổi tiếng như Vân Điềm (Vân Hà), Hà Lỗ (Liên Hà), với 56 tiến sĩ, cùng nhiều hương cống, cử nhân, sinh đồ, tú tài. Các danh nhân tiêu biểu như: Nguyễn Thực, Đỗ Túc Khang, Nguyễn Tư Giản, Dương Cảo, Lê Tuấn Mậu... sau này có nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố và nhà văn cách mạng Nguyễn Huy Tưởng những người đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Một góc đình Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đông Anh cũng là quê hương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn, được nhân dân yêu mến.
Và chính đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết trong lời tựa cuốn "Địa chí Đông Anh" rằng: "Đông Anh, một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn là "điểm tựa" cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam...".
Có thể nói, hòa quyện trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Đông Anh đã luôn thể hiện truyền thống hào hùng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ 2 lần là kinh đô nước Việt, Đông Anh tiếp tục ghi dấu ấn là vùng đất cách mạng trong kháng chiến. Đây chính là những giá trị căn bản làm nên một Đông Anh giàu bản sắc và đang vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dau-an-mot-vung-dat-dia-linh-a174011.html