Đất một nơi, hộ khẩu một nẻo
Hơn 1.000 người dân sinh sống ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam suốt nhiều năm qua vẫn phải chịu cảnh "đất một nơi, hộ khẩu một nẻo" do tình trạng chồng lấn địa giới hành chính chưa được xử lý dứt điểm.
Sự bất cập này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ việc học hành của con em, khám chữa bệnh, làm giấy tờ tùy thân đến cấp quyền sử dụng đất đều gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm hộ gia đình sống trong cảnh “treo lơ lửng”, khi giấc mơ an cư vẫn còn dang dở.
Xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm biệt lập giữa đại ngàn, cách trung tâm tỉnh hơn 120km. Để tiếp cận được khu vực có chồng lấn địa giới giữa Kon Tum và Quảng Nam, hành trình vô cùng gian nan.
Từ trung tâm xã Đăk Nên, phải vượt thêm khoảng 20km đường đất gồ ghề, sỏi đá lởm chởm, uốn lượn quanh triền núi, xuyên qua những cánh rừng rậm mới đến được khu vực chồng lấn địa giới.
Vào mùa mưa, tuyến đường này trơn trượt như được phủ mỡ, nhiều đoạn gần như bị chia cắt hoàn toàn. Chính sự cách trở này càng khiến công tác quản lý hành chính, tiếp cận dịch vụ công và bảo đảm quyền lợi cho người dân vùng giáp ranh trở nên khó khăn gấp bội.
Đường vào làng gian nan vất vả.
Do chưa thống nhất được ranh giới hành chính giữa hai tỉnh, nhiều dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm rơi vào thế "giậm chân tại chỗ", không thể triển khai. Kéo theo đó là đời sống kinh tế của người dân gần như bị bỏ lại phía sau.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Hồ Thị Mai (47 tuổi) bộc bạch: "Gia đình tôi sinh sống ở đây từ đời ông bà tổ tiên. Dù thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và bà con trong làng không ai muốn rời bỏ mảnh đất này. Mong sao chính quyền sớm đầu tư hạ tầng, có điện, có đường để cuộc sống bà con bớt vất vả".
Nhiều người làng mong muốn được ở lại gắn bó với mảnh đất tổ tiên.
Còn bà Hồ Thị Ha bày tỏ: “Sống ở tỉnh này nhưng hộ khẩu lại thuộc tỉnh khác khiến cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần cần làm thủ tục hành chính, tôi phải đi một quãng đường rất xa từ Kon Tum về Quảng Nam.
Nhà cửa xuống cấp, muốn sửa sang hay xây mới cũng rất phức tạp vì vướng thủ tục cấp phép. Đã vậy, đường sá lại khó đi, nhất là vào mùa mưa. Tôi chỉ mong chính quyền sớm hỗ trợ cấp sổ đỏ, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế".
Cùng chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Xuân Bốn (67 tuổi, dân tộc Ca Dong) đã sinh sống tại khu vực này hơn 20 năm nay.
Gia đình ông canh tác trên phần đất thuộc xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), nhưng hộ khẩu lại đăng ký tại thôn 3 (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Chính sự chồng lấn địa giới kéo dài khiến ông không thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được vay vốn ngân hàng và cũng không thể sang nhượng đất đai một cách hợp pháp.
Anh Hồ Văn Vân mong muốn sớm ổn định vùng chồng lấn để làm ăn phát triển kinh tế.
Đường đến trường của con anh Hồ Văn Vân cũng đầy gian nan. Suốt những năm học từ lớp 3 đến lớp 9, các con anh phải đi học tại xã Trà Vinh, cách nhà hơn 10km. Lên cấp 3, quãng đường còn xa hơn, phải xuống tận trung tâm huyện Nam Trà My. Chính vì khó khăn đó, người con cả của anh chỉ học hết lớp 9 rồi bỏ dở việc học.
Dù vất vả, anh Vân vẫn mong được tiếp tục là cư dân của Quảng Nam như cha ông trước đây. “Từ nhà tôi xuống Trà My gần hơn rất nhiều so với Kon Plông. Phong tục, tập quán ở đây cũng thân thuộc với chúng tôi. Chỉ mong sớm được ổn định nơi ở, để cuộc sống đỡ bấp bênh hơn", anh chia sẻ.
Phương án nào để an cư?
Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết, hiện có hơn 1.000 người dân đang sinh sống tại khu vực chồng lấn địa giới giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Mặc dù, phần đất thuộc quyền quản lý của tỉnh Kon Tum, nhưng phần lớn cư dân lại có hộ khẩu đăng ký tại tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Nam, ngày 26/4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã về khảo sát thực tế và ghi nhận ý kiến người dân, trong đó chia thành 2 nhóm: một số hộ mong muốn được sáp nhập về Kon Tum, trong khi nhiều hộ khác lại bày tỏ nguyện vọng tiếp tục là cư dân Quảng Nam.
Hiện trạng quản lý cũng rất phức tạp: đất đai do xã Đăk Nên quản lý, nhưng người dân lại thuộc quyền quản lý hành chính của xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Số liệu mới nhất cho thấy có khoảng 364 hộ dân đang sinh sống trên vùng chồng lấn, canh tác trên diện tích khoảng 380ha đất thuộc xã Đăk Nên — và con số này có thể còn tiếp tục tăng.
Chưa thống nhất được phương án định cư, khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được triển khai, cuộc sống người làng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Chính tình trạng chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã khiến việc đầu tư hạ tầng tại khu vực giáp ranh rơi vào bế tắc. “Kon Tum không thể đầu tư vì người dân không có hộ khẩu tại tỉnh, trong khi Quảng Nam cũng không thể rót vốn do đất lại thuộc về Kon Tum”, đại diện chính quyền địa phương cho biết.
Trước thực trạng này, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi UBND 2 tỉnh, yêu cầu phối hợp giải quyết dứt điểm vấn đề chồng lấn địa giới giữa xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) và xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam).
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị 2 địa phương làm việc cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đề án sắp xếp địa giới hành chính trình ngày 29/4, tỉnh Kon Tum đưa ra hai phương án giải quyết khu vực chồng lấn: Một là chuyển hơn 1.000 nhân khẩu đang sinh sống tại đây về tỉnh Quảng Nam để sáp nhập vào Tp.Đà Nẵng; hai là chuyển số dân này về nhập hộ khẩu tại tỉnh Quảng Ngãi (phương án tỉnh Kon Tum nhập địa bàn này vào tỉnh Quảng Ngãi).
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Bộ Nội vụ đã nêu rõ quan điểm là giữ nguyên địa giới theo Chỉ thị 364-CT.
“Với định hướng đó, phương án khả thi nhất là đưa toàn bộ người dân về Kon Tum. Tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện để bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Tuấn khẳng định.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/phuong-an-cho-hon-1000-nguoi-dan-mac-ket-giua-2-tinh-kon-tum-va-quang-nam-a171408.html