Kashmir sở hữu "kho báu chiến lược" 5,9 triệu tấn, có thể "xoay chuyển cục diện" hoàn toàn!

"Kho báu" này được đánh giá có thể đưa Ấn Độ "xoay chuyển cục diện".

"Kho báu chiến lược" đó chính là Lithium - kim loại được mệnh danh là "vàng trắng" của thế kỷ 21.

Đầu năm 2023, Bộ Mỏ của Ấn Độ công bố phát hiện trữ lượng lithium khổng lồ đầu tiên của nước này. Theo đó, Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ (GSI) đã xác định được 5,9 triệu tấn tài nguyên lithium tại khu vực Salal-Haimana, thuộc Quận Reasi, phần lãnh thổ liên bang phía bắc của Ấn Độ Jammu & Kashmir (phía bắc của tiểu lục địa Ấn Độ), The Hindu thông tin.

Kashmir sở hữu "kho báu chiến lược" 5,9 triệu tấn, có thể "xoay chuyển cục diện" hoàn toàn!- Ảnh 1.

Làng Salal, nơi Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã tìm thấy các mỏ Lithium năm 2023. Ảnh: PTI

Với 5,9 triệu tấn, trữ lượng lithium tại Kashmir được xếp hạng là một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia có trữ lượng lithium lớn thứ 2 toàn cầu vào thời điểm công bố.

Straits Research cho biết, quy mô thị trường lithium toàn cầu sẽ bùng nổ thời gian tới. Năm 2024, giá trị thị trường lithium toàn cầu được định giá ở mức 37,43 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt từ 44,13 tỷ USD vào năm 2025 lên 164,77 tỷ USD vào năm 2033, đạt tốc độ CAGR là 17,9% trong giai đoạn dự báo (2025-2033).

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, lithium là thành phần cốt lõi trong pin lithium-ion, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành xe điện (EV), năng lượng tái tạo và thiết bị điện tử. Nhu cầu lithium toàn cầu dự kiến tăng gấp 42 lần vào năm 2040 so với năm 2020.

Cập nhật tình hình thăm dò mỏ lithium 5,9 triệu tấn vào tháng 4/2025

Một trong những bài toán mà Ấn Độ gặp phải trong khai thác thương mại lithium tại Kashmir là tính chất quặng chứa lithium. 

Lithium tại vùng này tồn tại trong các trầm tích đất sét (clay deposits) - hình thành từ môi trường địa chất đặc biệt của dãy Himalaya - khác với các mỏ muối (brine) phổ biến ở Nam Mỹ (Chile, Bolivia, Argentina) hoặc mỏ đá cứng (hard rock) ở Úc.

Kashmir sở hữu "kho báu chiến lược" 5,9 triệu tấn, có thể "xoay chuyển cục diện" hoàn toàn!- Ảnh 2.

Để lấy được "vàng trắng" trong đất sét đòi hỏi công nghệ khai thác và tinh chế phức tạp, khác với các mỏ muối hoặc đá cứng. Hiện, công nghệ khai thác lithium từ đất sét chưa được thương mại hóa rộng rãi trên toàn cầu.

Chưa kể, quá trình chuyển đổi quặng đất sét thành lithium hydroxide (LiOH) và lithium iron phosphate (thành phần pin EV) cần các hóa chất như cobalt sulphate, nickel sulphate và manganese sulphate - vốn chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp tại Ấn Độ.

Tính đến tháng 4/2025, Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ tiến hành tái thăm dò mỏ lithium để đạt cấp G2 (thăm dò triển vọng - theo Khung phân loại của Liên Hợp Quốc). Muốn đạt cấp G1 (thăm dò chi tiết), Ấn Độ có thể phải mất thêm 2 năm nữa. 

Trước đó, năm 2023, Ấn Độ mới tiến hành thăm dò sơ bộ (cấp G3) mỏ lithium này.

Hiện, Ấn Độ đang tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ Úc, quốc gia có kinh nghiệm khai thác lithium, để khai thác mỏ lớn của mình.

Bước ngoặt của Ấn Độ trong cuộc đua Net Zero 2070

Phát hiện 5,9 triệu tấn "kho báu" này là một bước ngoặt tiềm năng cho Ấn Độ, có thể thay đổi cục diện của Ấn Độ - vốn xếp trong top những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - trong cuộc đua năng lượng sạch và tự chủ tài nguyên.

Nếu được khai thác thương mại, mỏ lithium tại Kashmir có thể giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu lithium (hiện chiếm 100% nhu cầu), tiết kiệm được hàng chục triệu USD từ chi phí nhập khẩu.

Quan trọng hơn hết, Ấn Độ đang tăng tốc để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết trước quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Mục tiêu trước mắt là đến năm 2030, Ấn Độ phải giảm được 1 tỷ tấn khí thải. Để làm được điều này, những kim loại chuyển đổi như lithium đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Lithium là nguyên liệu cốt lõi để sản xuất pin lithium-ion, cần thiết cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo, hai yếu tố then chốt trong việc giảm phát thải carbon.

Trữ lượng lithium có thể hỗ trợ mục tiêu của Ấn Độ về tăng thị phần xe điện lên 30% vào năm 2030, góp phần giảm phát thải carbon. Các công ty như Ola Electric, Ather Energy và Tata Motors của nước này đang tăng tốc để sản xuất xe điện.

 (theo The Hindu, Straitsresearch)

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/kashmir-so-huu-kho-bau-chien-luoc-59-trieu-tan-co-the-xoay-chuyen-cuc-dien-hoan-toan-a170776.html