Bùng phát tay chân miệng ở Hà Nội: Trẻ dưới 3 tuổi chiếm 95% ca bệnh

Chỉ trong một tuần, Hà Nội ghi nhận 313 ca mắc tay chân miệng, trong đó 95% là trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều trường mầm non và cộng đồng đã xuất hiện ổ dịch, báo động nguy cơ lan rộng nếu không kiểm soát kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 25/4 đến 1/5, toàn thành phố ghi nhận 191 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; không có trường hợp tử vong. So với tuần trước, số ca mắc giảm nhẹ (giảm 7 ca). Một số địa phương có số ca cao gồm: Nam Từ Liêm (29), Hoàng Mai (23), Hà Đông (18), Đống Đa (14), Ba Vì (12) và Thường Tín (11).

CDC Hà Nội nhận định, dịch sởi bắt đầu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ. Tuy nhiên, bệnh vẫn tập trung ở nhóm chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ, đặc biệt đang có chiều hướng gia tăng ở nhóm tuổi trên 10. Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.265 ca sởi (1 ca tử vong), tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (1 ca mắc, 0 tử vong).

Phân bố theo độ tuổi cho thấy tỷ lệ mắc cao ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên: 12,5% dưới 6 tháng tuổi; 13,8% từ 6–8 tháng; 9% từ 9–11 tháng; 21,4% từ 1–5 tuổi; 13,9% từ 6–10 tuổi; 13,6% từ 11–15 tuổi; 15,9% từ 16 tuổi trở lên.

Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng, với 313 ca được ghi nhận trong tuần qua tại 29 quận, huyện (trừ Mỹ Đức), tăng 23 ca so với tuần trước.

Bệnh chủ yếu xuất hiện rải rác, tập trung ở trẻ ≤ 3 tuổi (chiếm 95%), một số ổ dịch được ghi nhận tại trường mầm non và cộng đồng. Một số đơn vị có số mắc cao là: Hà Đông (60), Nam Từ Liêm (37), Quốc Oai (29), Thanh Trì (17), Ba Vì (15), Hai Bà Trưng (13), Cầu Giấy và Thanh Xuân (11).

Bùng phát tay chân miệng ở Hà Nội: Trẻ dưới 3 tuổi chiếm 95% ca bệnh- Ảnh 1.

Chỉ trong một tuần, Hà Nội ghi nhận 313 ca mắc tay chân miệng, trong đó 95% là trẻ dưới 3 tuổi.

Tính từ đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 1.819 ca tay chân miệng (0 tử vong), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 (1.031 ca). Có 32 ổ dịch đã được ghi nhận, trong đó 7 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại các địa bàn như Ba Vì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Quốc Oai và Thanh Xuân.

Về sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận thêm 12 ca mắc trong tuần (tăng 1 ca), không có tử vong. Cộng dồn đến nay, thành phố có 235 ca mắc, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (603 ca). Bệnh nhân rải rác tại 28 quận, huyện, không ghi nhận ổ dịch mới. Hiện chỉ còn 1 ổ dịch cũ đã kết thúc hoạt động.

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 1 ca uốn ván người lớn tại Phú Xuyên (nam, 37 tuổi, có tiền sử bị thương ở gót chân), nâng tổng số ca uốn ván từ đầu năm lên 11 (tăng so với cùng kỳ 2024 là 6 ca). Ngoài ra, 1 ca Rubella cũng được ghi nhận tại Tây Hồ (trẻ nữ 7 tháng tuổi, chưa tiêm vắc xin).

Các bệnh truyền nhiễm khác như liên cầu lợn, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, ho gà không ghi nhận ca mắc trong tuần.

Trước diễn biến dịch bệnh, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ trong năm 2024 tại nhiều địa bàn như Đống Đa, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Hà Đông; đồng thời theo dõi dịch tễ học các ổ dịch dại cũ tại Mê Linh, Sóc Sơn.

Các trung tâm y tế địa phương được yêu cầu tăng cường rà soát, tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi; khẩn trương lập kế hoạch và triển khai tiêm bổ sung cho học sinh từ 11–15 tuổi tại các xã, phường có nguy cơ cao, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Bé 14 tháng tuổi phải lọc máu liên tục sau biến chứng tay chân miệngHà Nội: 53 ca mắc tay chân miệng, ngành y tế tăng cường giám sát

Đối với tay chân miệng, ngành y tế tăng cường giám sát tại cộng đồng, trường mầm non, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý ổ dịch kịp thời theo quy định. 

Ngành Y tế và Giáo dục được yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong giám sát, xử lý ca bệnh trong trường học, triển khai tiêm chủng đầy đủ và tuyên truyền cho phụ huynh.

Các địa phương cũng được chỉ đạo xây dựng sớm kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch; tổ chức giám sát ca bệnh nghi ngờ sởi, lấy mẫu xét nghiệm 100%, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.

Cùng với đó, công tác truyền thông về phòng chống sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết được đẩy mạnh. CDC Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng mở rộng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bung-phat-tay-chan-mieng-o-ha-noi-tre-duoi-3-tuoi-chiem-95-ca-benh-a170180.html