TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 1.

Mỗi năm đến những ngày này, âm vang lúc tha thiết lúc hào hùng của bài ca này lại ngân lên, kể lại câu chuyện trăm năm đã lật trang sử mới cho dân tộc, mở đường đi mới cho đất nước và mang đến cho Sài Gòn danh xưng "thành phố mang tên Bác".

Năm nay, tròn 50 năm kể từ những ngày "Bác đã cùng về với những đoàn quân", nhà văn Trình Quang Phú và nhà sưu tầm Nguyễn Đại Hùng Lộc gửi đến Tuổi Trẻ những cảm xúc lắng đọng từ bao năm theo đuổi đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 2.
TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 3.

Sau những ngày tránh sự truy xét của mật thám Pháp, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Quốc học, rời thành phố Huế - nơi hình thành trong anh những khái niệm về độc lập tự do, nơi lần đầu tiên anh xông pha trước kẻ thù. Anh đã vào Quy Nhơn, Phan Thiết rồi đến Sài Gòn, để ngày 5-6-1911 quả quyết xuống tàu, ra đi tìm một con đường cho mình, cho dân tộc mình.

Đã hơn 100 năm trôi qua nhưng những dấu tích in hình bóng Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiển hiện ở thành phố này. Đó là xóm Rạch Bần (giờ là đường Cô Bắc), là nhà số 5 Châu Văn Liêm (tức đường Quai Testard) - trụ sở Liên Thành thương quán - nơi Nguyễn Tất Thành trú tạm những ngày ngắn ngủi.

Đó là số 2 Đồng Khởi (tức Catinat ngày trước) - trụ sở hãng tàu Năm Sao - nơi anh đến xin việc và xin giấy xuống tàu gặp thuyền trưởng. Đó là tiệm giặt ủi của ông Ba Tiêu trên đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng).

Đó là thương cảng Sài Gòn ở đầu đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi - Hàm Nghi, tức bến Bạch Đằng ngày nay. Ngày đó bến có cầu tàu dành riêng cho hãng Chargeurs Réunis (tức hãng Năm Sao), hãng tàu Pháp chạy tuyến Pháp - Đông Dương - Pháp. Đây cũng chính là nơi Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba khi xuống tàu tạm biệt Sài Gòn, tạm biệt đất nước để ra đi.

Đây cũng là nơi cô Huệ - người bạn gái quàng lên cổ anh chiếc khăn rằn chia tay và anh thì quyết gác tình riêng theo đuổi sự nghiệp lớn.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 4.

Những kỷ niệm Sài Gòn trong ký ức của Bác gắn liền với tình yêu thương sâu sắc với con người, với đất nước. Những năm ở Hà Nội, cùng cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước, nhiều lần gặp anh chị em cán bộ ở Sài Gòn ra, Bác đều hỏi thăm tỉ mỉ về những người Bác quen, những nơi Bác ở.

Có lần Bác hỏi "Sài Gòn còn cơm tấm nhà che (cơm tấm bán ở vỉa hè) không?", và Bác kể: "Hồi ở Sài Gòn, Bác hay ăn cơm tấm với tép rang, vừa rẻ tiền lại ngon. Họ nấu giỏi, cơm không bị nhão và tép không bị khô".

Năm 1961, khi tiếp đoàn đại biểu miền Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc, Bác chỉ vào tim mình và nói: "Miền Nam yêu quý luôn trong trái tim tôi".

Mùa xuân năm 1969, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc do bác sĩ Phùng Văn Cung, phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận, dẫn đầu. Chị Ba Thi (tức Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo) và Phan Văn Gừng (dũng sĩ diệt Mỹ của Củ Chi đất thép thành đồng) là hai cán bộ chiến sĩ đại diện cho thành phố Sài Gòn về thăm Bác.

Lần đó, sau buổi sáng Bác và trung ương tiếp đoàn tại Phủ Chủ tịch, cả đoàn vừa lưu luyến tạm biệt, trở về nhà khách ở Bắc Bộ phủ được một lúc thì Bác Hồ cùng với bác Tôn Đức Thắng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại đến thăm đoàn. Thật là bất ngờ và vô cùng cảm động. Các chị em phụ nữ, các cháu anh hùng dũng sĩ và đại biểu bỏ hết cả lễ nghi chạy đến.

Mọi người ngồi quây quần bên Bác, không sắp xếp nhưng tình cờ hình thành một bố cục hoàn hảo: bên phải Bác là chị Ba Thi, tiếp đến là anh hùng Huỳnh Thúc Bá của chiến trường Liên khu 5, sau lưng Bác là nữ anh hùng Kan Lịch của chiến trường Trị Thiên, bên trái Bác là Đặng Văn Đậu - anh hùng của đồng bằng Nam Bộ, và người ngồi phía dưới trước mặt Bác là dũng sĩ trẻ tuổi Phan Văn Gừng của Sài Gòn - Gia Định.

Bác vui vẻ ngồi giữa, cho các cháu nhỏ được vuốt chòm râu mềm mại và trắng cước. Được đón Bác trong khung cảnh đó, ai cũng thấy như Bác đang ngồi giữa Sài Gòn, giữa hàng triệu người miền Nam thiết tha mong nhớ.

Trong phút ấm cúng đó, chị Ba Thi thưa: "Chúng cháu ở miền Nam, vâng theo lời Bác, không nề hy sinh gian khổ, đánh Mỹ đến 100 năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là... Bác trăm tuổi".

Một nét suy nghĩ thoáng qua vầng trán Bác. Bác quay lại hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Năm nay Bác bảy mươi mấy rồi, chú?".

- Thưa Bác, năm nay Bác bảy mươi chín.

- Thế thì còn đến 21 năm nữa Bác mới được trăm tuổi. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh giặc Mỹ 5, 10, 20 năm, chứ có bao giờ Bác nói 21 năm đâu. Nếu 20 năm nữa ta mới thắng được đế quốc Mỹ thì Bác cũng còn một năm vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam...

Bác cười, cả đoàn cười theo Bác trong niềm xúc động mãnh liệt. Rất vui, Bác nhìn nhanh mọi người đang vây quanh và nói như khẳng định: "Bác đang ở giữa miền Nam".

Sau ngày giải phóng, Sài Gòn chính thức đổi tên thành Hồ Chí Minh sau đề xuất từ đại biểu đại diện miền Nam từ năm 1946. Con đường dẫn vào bến Nhà Rồng được mang tên đường Nguyễn Tất Thành, tòa nhà tọa lạc trăm năm ở đây được sử dụng làm Bảo tàng Hồ Chí Minh.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 5.

Công trình này được người Pháp xây dựng từ năm 1863, là trụ sở của Messageries Maritimes - hãng vận tải hàng hải đầu tiên của Pháp tại khu vực. Cấu trúc tòa nhà hơi lạ: hai tầng chính xây dựng với những cửa vòm kiểu Pháp nhưng sân thượng lại có thêm một tầng nhỏ hơn kiểu Việt Nam có hai mái và hai chái lợp ngói.

Bốn góc là bốn con cá hóa rồng nằm lượn quay mặt ra bốn hướng. Trên nóc nhà, chính giữa có phù hiệu hãng tàu, hình một đầu ngựa lồng trong chiếc mỏ neo và vương miện. Hai bên nóc có hai con rồng uốn lượn nằm quay đầu ra hai bên. Hai đầu hồi có hai chữ M.I là tên viết tắt của công ty và phù hiệu ống khói tàu thủy.

Tầng trên ban công rất rộng có thành xây cao vây tròn lấy mấy căn phòng. Đứng trên ban công có thể nhìn rõ toàn cảng Sài Gòn, vàm rạch Bến Nghé, bến Bạch Đằng - thương cảng ngày xưa cùng một góc khá rộng của khu trung tâm thành phố.

Đứng ở đây nhìn những con tàu lớn từ năm châu bốn bể cập bến, chúng ta lại nghĩ đến con tàu Amiral Latouche Tréville trăm năm trước đưa Bác ra đi. Ngày nay, lớp lớp thanh niên thành phố đến chào Bác trước khi lên đường xây dựng đất nước, những đoàn quân trang nghiêm đứng trước tượng Bác ở sân Nhà Rồng vang vang lời thề "Quyết thắng" trước lúc hành quân...

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 6.
TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 7.

Từ thành phố này, người phụ bếp Văn Ba thực hiện chuyến hải trình đầu đời để đến nước Pháp xa xôi - quê hương của cuộc Cách mạng Pháp với khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" mà từ thuở nhỏ anh đã từng nghe đến. Và như anh đã thuật lại: "Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta".

Không chỉ là một cuộc phiêu lưu thám hiểm hay du lịch, cũng không phải là chuyến "xuất dương du học", càng không phải chuyến đi lập nghiệp, anh Văn Ba mang theo chỉ hai bàn tay trắng và một tinh thần yêu nước thiết tha, một ý chí kiên định để đi tìm đường cứu nước, một tinh thần học hỏi kiên trì và một nghị lực cách mạng kiên cường.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 8.

Là một thanh niên trưởng thành từ sau ngày 30-4-1975, tôi đã tìm hiểu và sưu tập những tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, đặc biệt trong những năm Người bôn ba ở nước ngoài.

Từ những vật phẩm bưu chính như con tem, bưu ảnh, phong thư..., tôi đã kết hợp lại để hình thành chuyên đề "Những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và bộ sưu tập bưu ảnh "Hành trình theo dấu chân Bác Hồ".

Tôi đặc biệt chú ý đến chiếc tàu mang tên "Đô đốc Latouche-Tréville" đã đưa anh thanh niên Văn Ba ra đi vào năm 1911, mà một số nhà nghiên cứu đã gọi sự gắn bó đầy bất ngờ giữa tàu Đô đốc Latouche-Tréville với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình vượt trùng dương tìm đường cứu nước là "số phận lịch sử"...

Tàu Amiral Latouche-Tréville là một thương thuyền trên tuyến đường biển từ Đông Dương đi Pháp của công ty vận tải đường biển Chargeurs Réunis. Con tàu được đặt theo tên của Đô đốc hải quân Pháp: bá tước De Latouche-Tréville (1745-1804), một chính trị gia từng hoạt động trong Cách mạng Pháp.

Tài liệu Direction générale des TP - Port de Commerce de Saigon (Saigon, 1912) ghi rõ: Tàu Amiral Latouche-Tréville từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn ngày 2-6-1911 với thuyền trưởng Maisen, đoàn thủy thủ 69 người và rời cảng Sài Gòn ngày 5-6-1911.

Một điều thú vị và có ý nghĩa mà tôi đã sưu tập được về chiếc tàu "Amiral Latouche-Tréville": những chiếc tàu thuộc lớp "Amiral" của hãng Chargeurs Réunis chỉ xuất hiện trên những tấm bưu ảnh của Pháp phát hành chỉ vào khoảng 3-5 tấm, trong khi bộ sưu tập hình ảnh về chiếc tàu Amiral Latouche-Tréville với nhiều góc độ mà tôi tìm được đã có tới 20 tấm khác nhau.

Từ những tấm hình tàu đang hoạt động trên biển, tàu neo đậu tại cảng Dunkerque, cảng Le Havre; tàu cùng hành khách và thủy thủ đoàn hoặc tranh vẽ tàu đang vượt sóng gió đại dương…

Qua đó chúng ta có thể phần nào hình dung những vất vả của công việc phụ bếp phục vụ hàng trăm người của anh Văn Ba: dậy thật sớm và làm việc đến đêm với cường độ cao, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, đốt lửa trong các lò, lau chùi nồi chảo, vác những bao tải nặng từ hầm lên boong, nào than, nào rau, thịt, cá. Trong bếp thì rất nóng và trong hầm thì rất lạnh.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 9.

Tàu Amiral Latouche-Tréville trên các bưu ảnh đương thời Ảnh: NĐHL

Công việc dưới tàu cực khổ và nguy hiểm, có tới 14 thủy thủ và nhân viên của tàu đã bỏ nghề trên các bến dọc đường. Khi tàu cặp bến Le Havre, tổng số nhân viên chỉ còn 58 người, trong đó có Văn Ba.

Khi rời quê hương, anh ở vào lứa tuổi đôi mươi, hoàn toàn là một thư sinh chưa từng lao động nặng nhọc. Thế nhưng anh đã chấp nhận và nỗ lực vượt khó khăn vất vả, xem đó là những thử thách, là cơ hội để từ đó mà tìm đường, mà học hỏi để thực hiện hoài bão lớn lao của mình.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định "Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước". Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng về miền Nam thân yêu, trong đó có Sài Gòn.

Báo Cứu Quốc số 329 ra ngày 27-8-1946 đưa tin bài về buổi họp mặt của những người Nam Bộ tại Hà Nội nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn (25-8-1945 - 25-8-1946). Trong buổi họp này, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã đề xuất lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho Sài Gòn. Mọi người đều tán thành và đồng ký vào bản quyết nghị tên thành phố Hồ Chí Minh gửi lên Chính phủ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm, đến mùa xuân năm 1975, chiến tranh mới kết thúc, đất nước hòa bình thống nhất, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước "Bắc Nam sum họp một nhà" được hoàn thành.

Ngày 2-7-1976, khi quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã căn cứ vào hai cơ sở: Một là "nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người" và hai là "trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

50 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình thống nhất, thành phố mang tên Bác đã không ngừng lớn mạnh cùng nhiều sự đổi thay rộng lớn, to đẹp, hiện đại trên con đường phát triển hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, một xã hội công bằng văn minh thịnh vượng, nghĩa tình.

Dòng sông Sài Gòn vẫn lặng lẽ trôi nhanh ra biển lớn, cầu cảng năm xưa nơi chiếc tàu "Amiral Latouche-Tréville" nhổ neo rời bến đưa Người ra đi còn đó và tòa nhà Bến Nhà Rồng vẫn còn hiện hữu và trở thành nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật cùng những câu chuyện về "hành trình ra đi tìm đường cứu nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ mai sau.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 10.
TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 11.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 12.

Ca mổ tách rời thành công hai anh em song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức, nạn nhân của hậu quả chiến tranh, vào năm 1988 đã trở thành biểu tượng cho lòng tốt của bạn bè quốc tế, đó là thuốc men, trang thiết bị và chuyên môn từ Nhật Bản.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 13.

Câu chuyện của hai anh em Việt - Đức còn là biểu trưng cho sức bền bỉ của người dân Việt Nam trong quá trình hồi phục, cải cách và vươn mình của đất nước. Ca mổ huyền thoại đã trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam và đưa những người thầy thuốc áo trắng tự tin bước ra hòa nhập thế giới.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 14.

Hôm nay khi đứng trước một thế giới được định hình bởi những cơ hội và thách thức chung từ biến đổi khí hậu đến đại dịch, từ đói nghèo đến xung đột, chúng ta cũng nên dừng lại để suy nghĩ về Tổ quốc trong 50 năm qua, và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cho quá trình xây dựng và phát triển một đất nước thống nhất tươi đẹp của chúng ta.

Hãy để ký ức về sự hỗ trợ mà chúng ta nhận được trong thời gian qua đóng vai trò như một lời nhắc nhở liên tục về việc nhờ có bạn bè quốc tế sát cánh thì Việt Nam mới có hòa bình và phát triển.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 15.

Việt Nam ngày nay là một quốc gia năng động và ngày càng thịnh vượng khi GDP đạt gần 500 tỉ USD trong năm 2024, tăng gần 100 lần so với năm 1976. Khi nhìn lại hành trình khắc phục sự tàn phá của chiến tranh để đạt đến vị thế hiện tại của đất nước này là một câu chuyện không dễ dàng.

Hiệp định Paris vào tháng 1-1973 thiết lập những nền tảng đầu tiên cho hòa bình cũng như việc thống nhất đất nước vào tháng 4-1975, nhưng Việt Nam vẫn trải qua những khó khăn to lớn, đặc biệt là trong những năm 1980 và đầu những năm 1990.

Ngày 30-4-1975 mặc dù đánh dấu thời điểm kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước, nhưng không mang lại sự thịnh vượng cho đất nước ngay lập tức. Điều quan trọng là giai đoạn ngay sau khi thống nhất đất nước rất phức tạp khi Việt Nam phải đối mặt với lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và phải điều hướng các mối quan hệ địa chính trị phức tạp.

Lúc đó, Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế yếu kém và người dân vẫn còn những di chứng tổn thương từ cuộc chiến.

Đối với hàng triệu người Việt Nam, cuộc sống hằng ngày trong những năm 1980 là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để có được những nhu cầu cơ bản. Tình trạng thiếu lương thực kéo dài, với cảnh tượng xếp hàng dài để mua những mặt hàng thiết yếu như gạo, đường và dầu ăn là cảnh tượng thường thấy, và tiêu tốn nhiều giờ quý báu có thể dành cho các hoạt động có hiệu quả khác.

Ăn cơm độn bo bo là ký ức có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người Việt thời bao cấp. Tôi cũng như hàng triệu trẻ em khác thường xuyên phải đi học trong bụng kẹp lép vào thời điểm đó nhưng vẫn luôn tin vào Việt Nam ngày mai tươi sáng.

Trong những năm khó khăn đó, Việt Nam vẫn không đơn độc trong hành trình gian nan để xây dựng lại cuộc sống và đất nước. Vượt qua biên giới và đại dương, những bàn tay nhân ái và hào phóng từ bạn bè quốc tế đã vươn tới Việt Nam.

Sự hỗ trợ ban đầu, thường dưới hình thức viện trợ nhân đạo, đã cung cấp cứu trợ thiết yếu cho một bộ phận dân chúng đang vật lộn với khó khăn của cuộc sống, mới vừa đi qua khỏi chiến tranh. Những hạt giống hy vọng đã được các quốc gia và tổ chức trên toàn cầu gieo trồng, tin tưởng vào hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của Việt Nam.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 16.

Thật là khó để kể tên đầy đủ các bạn bè quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Liên Xô đã giữ vai trò chính trong hỗ trợ tài chính, thiết bị và chuyên môn kỹ thuật cho nhiều dự án phát triển khác nhau trong thập niên 1970 và 1980.

Các quốc gia xã hội chủ nghĩa anh em trước đây như Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Cuba cũng đã hỗ trợ, chủ yếu dưới hình thức hàng hóa, hỗ trợ kỹ thuật và một số dự án cơ sở hạ tầng trong thời gian hậu chiến.

Mặc dù viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa là đáng kể, nhưng Việt Nam cũng đã tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ quý báu và vô giá từ một số quốc gia phương Tây và trung lập, cũng như các tổ chức quốc tế, để tái thiết và phát triển.

Thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cơ bản đã đặt nền tảng cho sự ổn định. Khi đất nước bắt đầu con đường cải cách kinh tế "Đổi mới" vào năm 1986, thì mục tiêu sự giúp đỡ cũng dần thay đổi, ngày càng tập trung vào các mục tiêu phát triển dài hạn.

Có thể nói cam kết dài hạn của Thụy Điển, đặc biệt là thông qua các tổ chức như SIDA, đã đóng vai trò quan trọng nền tảng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và phát triển công nghiệp của Việt Nam. Sự hỗ trợ của Phần Lan trong lĩnh vực lâm nghiệp và phát triển nông thôn cũng để lại tác động tích cực lâu dài.

Ấn Độ đã cung cấp viện trợ kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt là trong nông nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Pháp đã nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam vào cuối những năm 1970, với sự tập trung vào hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Danh sách các quốc gia giúp đỡ Việt Nam vẫn còn dài.

Viện trợ của Liên hợp quốc đã chiếm một phần đáng kể trong tổng viện trợ mà Việt Nam nhận được vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Các cơ quan cụ thể của Liên hợp quốc như UNDP, UNICEF và UNFPA đã tham gia vào nhiều chương trình liên quan đến phát triển, y tế và dân số.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cung cấp viện trợ lương thực để giải quyết tình trạng thiếu lương thực và hỗ trợ những nhóm dân số ở Việt Nam dễ bị tổn thương sau chiến tranh. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng lại hệ thống chăm sóc sức khỏe và chống lại bệnh tật.

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng, tư vấn chính sách và chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế và hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 17.

Biểu tượng hữu nghị TP.HCM “Sóng nước giao hòa - Kết tình hữu nghị” khắc tên 58 địa phương trên thế giới kết nghĩa với thành phố, trong buổi lễ khánh thành tại công viên bến Bạch Đằng tháng 9-2024 - Ảnh: T.T.D.

Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, cũng như gia nhập tổ chức khu vực ASEAN cũng đã mở ra cánh cửa cho thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển quan trọng, đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Sự hỗ trợ dành cho Việt Nam trong năm thập kỷ qua không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất và tài chính. Đó còn là về sự hy vọng và niềm tin được truyền vào một quốc gia đang cố gắng để tìm chỗ đứng và khẳng định chính mình. Nó thể hiện một tinh thần đoàn kết quốc tế, niềm tin vào tiềm năng đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng một khu vực thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn.

Sự hỗ trợ quý báu, cũng như kiến thức chuyên môn được chia sẻ từ bạn bè và các tổ chức đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chữa lành vết thương chiến tranh, vượt qua những thách thức kinh tế to lớn và trở thành một quốc gia năng động và ngày càng có ảnh hưởng tích cực trên trường quốc tế.

TP.HCM đi tới tương lai - Rực rỡ tên vàng - Cảm ơn bạn bè quốc tế - Ảnh 18.

HÌNH ẢNH:
QUANG ĐỊNH - TRẦN TIẾN DŨNG
NỘI DUNG:
TRÌNH QUANG PHÚ - NGUYỄN ĐẠI HÙNG LỘC - TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TRÌNH BÀY:
MẠNH TÁNH

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tphcm-di-toi-tuong-lai-ruc-ro-ten-vang-cam-on-ban-be-quoc-te-a169570.html