ĐHCĐ Vinasun: Đặt kế hoạch lãi 2025 giảm 36%, lãnh đạo trăn trở về "sức ép" đối thủ Grab huy động 12 tỷ USD, XanhSM nâng vốn lên 18.000 tỷ

Tại Đại hội, lãnh đạo Vinasun cũng đã bày tỏ “trăn trở” trong vòng 2 năm, XanhSM tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab từ khi thành lập đã gọi vốn hơn 12 tỷ USD. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinasun chỉ là hơn 1.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 24/4/2025, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp, mã chứng khoán VNS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch thu hợp nhất 977 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với kết quả năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến còn gần 54 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với năm 2024.

ĐHCĐ Vinasun: Đặt kế hoạch lãi 2025 giảm 36%, lãnh đạo trăn trở về "sức ép" đối thủ Grab huy động 12 tỷ USD, XanhSM nâng vốn lên 18.000 tỷ- Ảnh 1.

Ban lãnh đạo cho biết, kế hoạch đi lùi này phản ánh thực tế ngành taxi đang gặp nhiều thách thức: cạnh tranh gay gắt, lạm phát, sức mua giảm và thay đổi trong chính sách chia doanh thu với xe hợp tác và xe nhượng quyền.

Để thích ứng, Vinasun sẽ tiếp tục đầu tư và tái cơ cấu đội xe. Năm 2025, Công ty dự kiến đưa vào vận hành khoảng 400 xe hybrid Toyota, thay thế dần xe sử dụng xăng. Bên cạnh đó, khoảng 500 xe sẽ được thanh lý hoặc chuyển nhượng theo hình thức bán trả chậm cho tài xế để vận hành dưới mô hình thương quyền.

Cùng với đầu tư phương tiện, Vinasun sẽ mở rộng các hình thức thanh toán trên ứng dụng Vinasun App: trả trước, trả ngay và trả sau. Đồng thời, công ty đẩy mạnh quảng bá tính năng báo giá trước chuyến đi để tiếp cận cả nhóm khách hàng chưa sử dụng ứng dụng.

Ngoài ra, công ty sẽ tăng số điểm tiếp thị, mở rộng tệp khách hàng cố định và hoàn thiện các kênh giao tiếp qua tổng đài và nền tảng số.

ĐHCĐ Vinasun: Đặt kế hoạch lãi 2025 giảm 36%, lãnh đạo trăn trở về "sức ép" đối thủ Grab huy động 12 tỷ USD, XanhSM nâng vốn lên 18.000 tỷ- Ảnh 2.

Lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do giảm khoảng quảng cáo, hoạt động thanh lý

Chia sẻ sâu hơn về chỉ tiêu giảm, Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Minh cho biết dù thực tế kế hoạch đi lùi, nhưng cần nhìn vào cấu trúc lợi nhuận. Ông nói, lãi trước thuế 2025 kế hoạch đạt 66 tỷ đồng, giảm gần 23% nhưng chủ yếu do lợi nhuận trước thuế từ thu nhập khác đi xuống (từ các hoạt động thanh lý, quảng cáo). Trong khi đó, lãi trước thuế từ hoạt động kinh doanh kế hoạch gần 45 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước. Ngoài ra, VNS đã hoàn tất bù lỗ và không còn được miễn thuế, nên sẽ phải đóng thuế 20% lợi nhuận trong năm nay.

Với việc đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng, ĐHĐCĐ cũng thông qua mức chi cổ tức 15% cho năm 2024, và giảm xuống còn 10% vào 2025. Theo ông Minh, dù giảm nhưng đây là thành quả của sự nỗ lực.

“Thực sự, chúng tôi phải đáp ứng được 2 tiêu chí. Đầu tiên là phải đảm bảo mức cổ tức mỗi năm tối thiểu 10%, cho đến 15-20% tùy tình hình kinh doanh. Trong khi đó, năm 2024, với việc đầu tư hơn 800 xe hybrid, tổng vốn lên tới gần 800 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực lớn của Ban lãnh đạo" , ông Minh chia sẻ.

"T p.HCM mà không còn thấy ánh đèn của Vinasun thì sẽ rất buồn"

Trả lời câu hỏi về sự tăng trưởng của xe điện và các đối thủ, ông Minh bày tỏ “trăn trở” trong vòng 2 năm, XanhSM tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab từ khi thành lập đã gọi vốn hơn 12 tỷ USD. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinasun chỉ là hơn 1.000 tỷ đồng.

“Vinasun đã đứng dưới sức ép lớn như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn tự hào mình duy trì là một công ty taxi biểu tượng, và hình ảnh của chúng tôi gắn liền với sự phát triển của T p.HCM. Một ngày nào đó, nếu du khách hoặc người nước ngoài tới đây và không còn thấy ánh đèn của Vinasun nữa, tôi nghĩ sẽ rất là buồn. Đó là biểu tượng, là mục tiêu, là đam mê của chúng tôi” , ông nói.

“Những năm qua, năm nào chúng tôi cũng có xe mới, đảm bảo lợi nhuận và chia cổ tức cho cổ đông. Chúng tôi kiên cường chiến đấu, tự thân vận động và tự hào về điều đó. Còn kinh doanh, ngành nghề này là một cuộc chiến dài hạn. Grab suốt ngần ấy năm, họ vẫn chưa có lời, vẫn lỗ luỹ kế khoảng 3 .000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Chúng ta đưa kế hoạch lãi vài chục tỷ, nhìn thì nhỏ bé, nhưng đây là môi trường có nhiều đối thủ cạnh tranh. Chúng ta có lãi và không phải từ dòng xe cũ. Sắp tới, sẽ là những chiếc xe mới của năm 2025, không đối thủ nào có. Mong cổ đông chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của ban lãnh đạo”.

Cổ đông lớn từ Tập đoàn HIPT vào HĐQT

ĐHCĐ Vinasun: Đặt kế hoạch lãi 2025 giảm 36%, lãnh đạo trăn trở về "sức ép" đối thủ Grab huy động 12 tỷ USD, XanhSM nâng vốn lên 18.000 tỷ- Ảnh 3.

Ảnh: ông Lê Hải Đoàn (sinh năm 1978), hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn HIPT.

Đại hội lần này cũng thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của bà Huỳnh Thanh Bình Minh cho nhiệm kỳ 2022-2027 theo nguyện vọng cá nhân. Người được bầu thay thế là ông Lê Hải Đoàn (sinh năm 1978), hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn HIPT.

Được biết, ông Lê Hải Đoàn đã trở thành cổ đông lớn của Vinasun trong tháng cuối năm 2024, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,01% vốn điều lệ (tương đương sở hữu hơn 4 triệu cp). Sau đó, trong tháng 1/2025, ông Đoàn mua thỏa thuận thêm 2 triệu cổ phiếu nữa từ Tael Two Partners Ltd – cổ đông vừa thoái toàn bộ vốn tại Vinasun sau hơn 10 năm gắn bó - qua đó nâng tỷ lệ lên 8,96%.

Ông Lê Hải Đoàn hiện đang trực tiếp sở hữu 13,61% cổ phần tại Vinasun. Ngoài ra, Tập đoàn HIPT đang nắm giữ 3,4% cổ phần. Như vậy, nhóm cổ đông từ HIPT đang sở hữu khoảng 17% vốn điều lệ của Vinasun.

Thảo luận tại Đại hội

1. Liệu phương án thay thế xe cũ bằng xe hybrid Toyota có mang lại hiệu quả? Có phương án nào giúp giảm giá vốn hàng bán?

Việc sử dụng xe mới cần nhìn nhận trên hai khía cạnh. Thứ nhất, xã hội đang chuyển hướng sang sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. Vinasun đã chọn xe hybrid – dòng xe có giá gấp 1,4-1,5 lần so với xe xanh nhưng giá cước tương đương và có thể cạnh tranh với xe điện.

Thứ hai, đầu tư xe hybrid sẽ làm tăng chi phí khấu hao và giá vốn. Tuy nhiên, nếu không đổi mới, liệu công ty có đạt được doanh thu kỳ vọng? Khách hàng hiện rất quan tâm đến dòng xe này. Đây là một cách để nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh.

2. Giá cổ phiếu đang thấp nhất nhiều năm. Vậy Công ty có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ không?

Giá cổ phiếu VNS đang ở mức thấp, trong khi lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường chỉ vào khoảng 2-3%. Việc mua cổ phiếu quỹ phụ thuộc vào dòng tiền. Trước hết, công ty cần đảm bảo cổ tức ổn định khoảng 10-15%/năm và duy trì đầu tư xe mới, bao gồm cả các chi phí như lệ phí trước bạ.

3. Xe điện đang phát triển mạnh. Thị phần của Vinasun hiện thế nào và tầm nhìn phát triển thời gian tới ra sao?

Mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng. Một hãng xe điện trong hai năm qua đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của Vinasun chỉ hơn 1.100 tỷ đồng. Grab – đối thủ lớn của Vinasun – đã huy động đến 12 tỷ USD.

Dù vậy, Vinasun vẫn tự hào là công ty taxi gắn bó với Tp.HCM. Vào một ngày nào đó, nếu khách du lịch không còn thấy ánh đèn Vinasun, đó sẽ là điều đáng buồn.

Vinasun gần như tự lực trong hoạt động. Mỗi năm vẫn có xe mới, có lợi nhuận và chia cổ tức. Trong ngành taxi, đây là cuộc chiến dài hơi. Grab sau 12 năm vẫn chưa có lãi, đang lỗ lũy kế khoảng 3.000 tỷ đồng tại Việt Nam đến cuối năm 2024.

Vinasun chỉ đặt mục tiêu lãi vài chục tỷ đồng trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Sắp tới, công ty sẽ ra mắt dòng xe chưa có đối thủ nào có. Ban lãnh đạo mong cổ đông thấu hiểu và đồng hành.

4. Nếu hoàn nhập quỹ dự phòng, Công ty có thể nâng cổ tức lên 15% không?

Quỹ đầu tư phát triển gồm cả quỹ dự phòng tài chính hơn 70 tỷ đồng và phần còn lại là quỹ đầu tư. Từ năm 2018-2019, Công ty không còn trích lập hay sử dụng khoản này, nên hiện chỉ ghi nhận quỹ đầu tư phát triển trên báo cáo. Nếu thực hiện bút toán sử dụng, sẽ cần truy nguồn gốc quỹ.

Về cổ tức, Công ty luôn muốn đảm bảo quyền lợi cổ đông nhưng cũng cần tính toán nguồn dự trữ để duy trì hoạt động dài hạn. Đầu tư xe hybrid không giống xe xanh, nguồn cung khan hiếm, cần phối hợp với các đối tác và tính toán thời điểm nhận xe.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dhcd-vinasun-dat-ke-hoach-lai-2025-giam-36-lanh-dao-tran-tro-ve-suc-ep-doi-thu-grab-huy-dong-12-ty-usd-xanhsm-nang-von-len-18000-ty-a168501.html