Liên quan đến vấn đề hiện nay có rất nhiều người nổi tiếng, có uy tín như biên tập viên đài truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ... tham gia quảng cáo không đúng sự thật nhiều sản phẩm là thực phẩm, đại diện Bộ Công an khẳng định người quảng cáo sữa giả có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Nhà nước đã có quy định nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ.
Người quảng cáo sai sự thật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 38-2021 hoặc xử lý hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo điều 197 Bộ luật Hình sự
Thiếu tướng Tuyên cho biết trong thời gian tới, các đơn vị công an sẽ tập trung điều tra, xử lý toàn diện hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan lĩnh vực quảng cáo để tăng sức răn đe, phòng ngừa. Đồng thời, nhà chức trách cũng rà soát để khắc phục những thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại.
Từ đây, nhà chức trách sẽ gắn trách nhiệm trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng bá thực phẩm. Việc này sẽ bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn và không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi trục lợi.
Bộ Công an khuyến cáo người dân mua các loại thực phẩm là sữa cần tỉnh táo, thận trọng; không nên tin tưởng mù quáng vào giới thiệu từ người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên không gian mạng.
Khi mua hàng, người dân cần chọn thương hiệu sữa uy tín, địa chỉ cụ thể, rõ ràng, không mua hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ. Nếu phát hiện dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật về quảng cáo hoặc kinh doanh thực phẩm cần phản ánh ngay cho công an.

Bộ Công an công bố nhiều nhãn sữa và khuyến cáo người dân không dùng
Liên quan đến đường dây sữa bột giả vừa bị triệt phá, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột) được xác định là hàng giả (giả về chất lượng), ngoài ra còn 72 loại sữa khác đang tiếp tục xác minh.
Thời gian qua, Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi lợi dụng uy tín cá nhân, mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán hàng giả.
Điển hình là vụ kẹo rau củ Kera do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) sản xuất,l bị xác định là hàng giả với hơn 135.300 hộp đã bán. Trong 5 bị can có Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, bị cáo buộc lừa dối khách hàng.