Các trung tâm lừa đảo ở châu Á "vươn vòi"

Báo cáo mới của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo các nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đang vươn ra toàn cầu.

Tại châu Phi, Nigeria đã trở thành một điểm nóng của các đối tượng bị nghi ngờ lừa đảo tình cảm và tiền số đến từ Đông Á và Đông Nam Á, với hàng loạt cuộc truy quét của cảnh sát vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Zambia và Angola. Các băng nhóm tội phạm này còn "vươn vòi" đến tận Mỹ Latin, nổi bật là ở Brazil, Peru..., và ở cả Trung Đông cùng một số hòn đảo Thái Bình Dương.

Đây là diễn biến đáng lo ngại được nhắc đến trong báo cáo mới liên quan các trung tâm lừa đảo, ngân hàng ngầm và thị trường trực tuyến bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung - theo Văn phòng LHQ về Ma túy và tội phạm (UNODC). 

Ông Benedikt Hofmann, quyền đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cho biết từ khu vực hoạt động chính là Đông Á và Đông Nam Á, các nhóm tội phạm có tổ chức này đã mở rộng ra toàn cầu, đặc biệt là những nơi xa xôi có lực lượng thực thi pháp luật lỏng lẻo.

"Điều đó phản ánh cả sự mở rộng tự nhiên khi ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này phát triển, đồng thời là cách phòng ngừa rủi ro của bọn tội phạm" - ông Hofmann nhấn mạnh.

Các trung tâm lừa đảo ở châu Á "vươn vòi"- Ảnh 1.

Những công dân Indonesia từng làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở Myanmar xuống máy bay tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Tangerang - Indonesia hôm 18-3. Ảnh: AP

Theo AP, trong nhiều năm qua, các hoạt động lừa đảo đã gia tăng ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở các khu vực biên giới Campuchia, Lào, Myanmar cũng như ở Philippines. Khi bị ráo riết truy quét, các băng nhóm chuyển hoạt động từ địa điểm này sang địa điểm khác để "đi trước cảnh sát một bước".

Báo cáo của UNODC chỉ ra khi các sào huyệt cũ - là các khu kinh tế, khu công nghiệp ở các vùng biên giới kể trên - bị phá vỡ, chúng liên tục xuất hiện trở lại ở các khu công nghiệp khác, tái xây dựng cơ sở cho các tội ác trực tuyến. Thậm chí, các địa điểm mới hội đủ mọi điều kiện, cơ sở hạ tầng và các biện pháp bảo vệ cần thiết về mặt pháp lý và tài chính cho chúng.

Báo động hơn, các chiêu trò của chúng ngày càng đa dạng và tinh vi, ngoài lừa đảo tình cảm, chào mời đầu tư giả mạo, cờ bạc bất hợp pháp... còn mở rộng sang đánh cắp dữ liệu, rửa tiền… Ông Hofmann mô tả các trung tâm lừa đảo này di căn như ung thư. Tuy nhà chức trách xử lý chúng ở một số khu vực nhưng gốc rễ không bao giờ biến mất, dần tạo nên một kiểu hệ sinh thái kết nối, thúc đẩy tham nhũng, gây nguy hiểm cho đất nước mà chúng ký sinh.

Nhiều nhóm trong số này đã xoay xở để đạt được quy mô công nghiệp, bằng cách tái đầu tư lợi nhuận và tận dụng lực lượng lao động đa ngôn ngữ gồm hàng trăm ngàn nạn nhân buôn người và những cá nhân đồng lõa. Ước tính thế giới hiện có hàng trăm trung tâm lừa đảo quy mô công nghiệp với lợi nhuận hằng năm gần 40 tỉ USD.

Sự bành trướng của các nhóm này được thúc đẩy bởi khả năng rửa tiền thông qua tiền điện tử và ngân hàng ngầm, xâm nhập các hệ thống ngân hàng trên toàn cầu. Những đổi mới công nghệ cũng tạo điều kiện cho các mạng lưới lừa đảo thay đổi cách thức hoạt động và thích ứng với các cuộc truy quét, bao gồm sử dụng phần mềm độc hại, trí tuệ nhân tạo (AI) đi kèm công nghệ deepfake… 

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/cac-trung-tam-lua-dao-o-chau-a-vuon-voi-a168066.html