
Chỉ số USD Index giảm hơn 9% từ đầu năm đến nay cùng việc trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo, sự suy yếu của đồng bạc xanh đang tạo ra những tác động lan tỏa sâu rộng, từ các thị trường tài chính phát triển đến các nền kinh tế mới nổi.
Theo khảo sát mới nhất của Bank of America với các nhà quản lý quỹ toàn cầu, 61% người tham gia dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá trong vòng 12 tháng tới. Đây là mức độ bi quan cao nhất trong gần 2 thập kỷ.
Phản ứng dây chuyền khi đồng USD sụt giá
Đồng USD yếu khiến nhiều đồng tiền khác tăng giá. Các "hầm trú ẩn an toàn" như đồng yên Nhật, franc Thụy Sĩ và euro đều tăng giá mạnh: đồng yên tăng hơn 10%, franc và euro tăng khoảng 11% so với USD kể từ đầu năm, theo dữ liệu từ LSEG. Ngoài ra, những đồng tiền như peso Mexico (tăng 5,5%), CAD (tăng 4%), zloty Ba Lan (tăng 9%) và thậm chí là rúp Nga (tăng 22%) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.

Tuy nhiên, không phải đồng tiền nào cũng đi lên. Đồng rupiah Indonesia giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong tháng này. Lira Thổ Nhĩ Kỳ và nhân dân tệ Trung Quốc cũng chịu áp lực giảm giá.
Việc đồng USD yếu được coi là "cơn gió thuận" với nhiều quốc gia, nhất là các nền kinh tế mới nổi có nợ tính bằng USD. Đồng USD yếu đồng nghĩa với gánh nặng nợ “nhẹ” hơn, đồng thời làm giảm chi phí nhập khẩu và từ đó hạ nhiệt lạm phát. Đây là cơ hội để một số ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng.
Adam Button – chuyên gia phân tích tiền tệ tại ForexLive, nhận định: “Hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ mong chờ USD giảm giá từ 10-20%, bởi USD mạnh đã gây áp lực suốt nhiều năm qua, đặc biệt với các quốc gia neo tỷ giá vào USD.”
Dẫu vậy, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng tận dụng cơ hội này. Đồng nội tệ tăng giá quá nhanh có thể làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ châu Á.
“Cái giá” của việc phá giá đồng nội tệ
Dù một số quốc gia có thể cân nhắc phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, song hiến lược này đi kèm nhiều rủi ro. Tại các nền kinh tế mới nổi, nơi lạm phát vẫn cao và dòng vốn dễ biến động, phá giá có thể khiến dòng vốn bị rút ra ồ ạt, gây mất ổn định tài chính.
Wael Makarem – chiến lược gia thị trường tại Exness, cảnh báo rằng việc phá giá có thể bị Mỹ xem là hành động thao túng tiền tệ, dẫn đến các biện pháp trả đũa. Ngoài ra, điều này còn có thể kích hoạt vòng xoáy lạm phát – yếu tố khiến các ngân hàng trung ương thận trọng hơn với các quyết định chính sách.
Fitch Ratings cũng cho rằng nhiều nước mới nổi sẽ khó cắt giảm lãi suất mạnh do tác động ngược đến các khoản vay bằng USD của doanh nghiệp và hộ gia đình. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Indonesia được dự báo sẽ không mạo hiểm nới lỏng chính sách thêm do biến động tỷ giá gần đây. Ngược lại, Hàn Quốc và Ấn Độ được cho là có dư địa để cắt giảm lãi suất nhờ nền tảng vĩ mô ổn định hơn.
Tại châu Âu, ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã tận dụng đà lạm phát giảm để hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 4, với dự báo lạm phát sẽ ổn định quanh mức mục tiêu 2% trong trung hạn.
Không phải ai cũng vui vì đồng nội tệ mạnh
Thụy Sĩ là ví dụ điển hình của một quốc gia “khổ sở” vì đồng nội tệ quá mạnh. Trong hơn 15 năm qua, franc Thụy Sĩ thường xuyên trở thành nơi trú ẩn tài sản trong thời kỳ bất ổn. Với hơn 75% GDP đến từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, đồng franc mạnh khiến hàng hoá Thụy Sĩ trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế. Nếu dòng vốn tiếp tục đổ vào franc, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB)có thể buộc phải can thiệp để kiềm chế đà tăng giá.
Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp cũng không đơn giản. Brendan McKenna – nhà kinh tế quốc tế tại Wells Fargo, cho rằng rủi ro lạm phát tăng cao do phá giá tiền tệ và áp thuế từ Mỹ sẽ khiến các ngân hàng trung ương thận trọng hơn.
Khả năng phá giá của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dự trữ ngoại hối, tỷ lệ nợ nước ngoài, cán cân thương mại và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu. McKenna nhận định rằng các quốc gia định hướng xuất khẩu, có dự trữ cao và nợ ngoại tệ thấp sẽ có nhiều dư địa hơn, nhưng họ vẫn cẩn trọng.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều quốc gia đang chọn cách đàm phán thay vì chạy theo cuộc chiến tiền tệ.
Tham khảo CNBC