Tuần qua, VN-Index giảm 3,34 điểm, xuống mức 1.219,12 điểm. Tuy nhiên, sàn HoSE duy trì giao dịch khá sôi động với tổng giá trị giao dịch đạt 111.084 tỷ đồng. HNX-Index kết tuần ở mức 213,1 điểm, giảm 0,24 điểm so với tuần trước.
Thống kê trên sàn HoSE , khối ngoại bán ròng gần 65 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 4.806 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6,97 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 254 tỷ đồng.
Với thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp với 7,2 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 194 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 14 - 18/4 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 79,12 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 5.256 tỷ đồng.
Đua nhau bán
Do nhu cầu cá nhân, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán: SSG) - đăng ký thoái sạch 25.700 cổ phiếu SSG.

Gia đình Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Hải Âu muốn bán gần 25% vốn tại vận tải biển Hải Âu.
Tương tự, mẹ của bà Hạnh là bà Nguyễn Thị Mai Phương đăng ký bán 1.160.000 cổ phiếu, chiếm 23,28% vốn tại SSG. Anh trai bà Hạnh là ông Nguyễn Thành Dương cũng đăng ký bán 58.700 cổ phiếu SSG.
Như vậy, tổng số cổ phiếu mà bà Hạnh và người liên quan muốn bán ra là hơn 1,2 triệu cổ phiếu, chiếm gần 25% vốn tại Vận tải biển Hải Âu. Cả 3 giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, từ ngày 18/4 - 16/5. Nếu thành công, bà Hạnh và người thân không còn là cổ đông tại đây.
Động thái bán ra của gia đình giám đốc SSG diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu SSG dường như đang bị ngấm đòn thuế quan, rơi gần 40% trong phiên 9 - 17/4. Ước tính, gia đình bà Hạnh có thể thu về gần 12 tỷ đồng khi bán xong cổ phiếu.
Bà Nguyễn Thị Lê - cổ đông lớn nắm hơn 15% vốn của Công ty CP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (mã chứng khoán: RYG) - bán ra gần 1,4 triệu cổ phiếu RYG để cơ cấu danh mục đầu tư. Sau giao dịch, bà Lê giảm tỷ lệ sở hữu tại RYG xuống còn hơn 12%, tương ứng với hơn 5,4 triệu cổ phần.
Ước tính, bà Lê có thể thu về gần 18 tỷ đồng từ giao dịch này. Động thái của bà Lê diễn ra khi giá cổ phiếu RYG giảm gần 23% sau hơn 4 tháng niêm yết trên sàn HoSE.
Ông Đặng Thanh Bình - Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu từ ngày 17/4 - 15/5 theo hình thức thỏa thuận.
Cũng trong thời gian trên, hai người con của ông Bình là bà Đặng Thị Lan Ngọc và ông Đặng Ngọc Hoàng đăng ký mua mỗi người 1 triệu cổ phiếu. Mục đích của cả 3 giao dịch đều là mua thỏa thuận từ người trong gia đình.

Tổng cộng 400.000 cổ phiếu LHG bị nhóm quỹ ngoại bán ra.
Sau khi giao dịch thành công, mỗi người sẽ sở hữu 1,3% vốn điều lệ của Thủy điện A Vương. Ước tính giá trị thương vụ khoảng 114 tỷ đồng.
Hai quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund và KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund đã bán bớt vốn tại Công ty CP Long Hậu (mã chứng khoán: LHG). Tổng cộng 400.000 cổ phiếu đã được nhóm quỹ này bán ra, khi thị trường cổ phiếu hồi phục mạnh với thông tin Việt Nam được chính quyền Mỹ hoãn thuế đối ứng cao, chờ đàm phán.
Kể từ khi mức thuế 46% áp lên hàng hóa Việt Nam được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, cổ phiếu LHG đã rớt giá gần 30% về vùng thấp nhất trong gần 2 năm.
Quỹ ngoại lại mua vào
Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital vừa mua vào 1,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG), nâng tỷ lệ sở hữu lên 12,13% vốn điều lệ, tương đương gần 106 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, các quỹ Amersham Industries Limited mua vào 80.000 cổ phiếu, Hanoi Investments Holdings Limited mua 1 triệu cổ phiếu, Norges Bank mua 400.000 cổ phiếu, Vietnam Enterprise Investments Limited đã mua 320.000 cổ phiếu. Ước tính nhóm quỹ Dragon Capital đã chi hơn 25 tỷ đồng để gom 1,8 triệu cổ phiếu DXG.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố thông tin về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung (EVN-Land Cetral - mã chứng khoán: LEC).

Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital vừa mua vào 1,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh.
Quyết định được HoSE đưa ra sau khi LEC công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 với khoản lỗ 36 tỷ đồng, cũng là năm thứ 3 liên tiếp báo lỗ. Như vậy, cổ phiếu LEC đã rơi vào trường hợp bị hủy bỏ niêm yết theo quy định.
Trên thực tế, LEC đã bị đình chỉ giao dịch tại sàn HoSE kể từ tháng 9/2024.
Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang (mã chứng khoán: AGM) vừa có văn bản phản hồi HoSE về việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 11-17/4.
AGM cho biết, ngoài các thông tin liên quan đến khả năng hủy niêm yết và tài khoản bị phong tỏa, công ty không thực hiện bất kỳ tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Biến động giá hoàn toàn do cung cầu và nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp .
Đây không phải lần đầu AGM phải giải trình về diễn biến giảm sàn nhiều phiên liên tục. Cổ phiếu AGM đã giảm sàn từ ngày 2/4 sau thông tin Mỹ công bố chính sách thuế quan mới. Chuỗi giảm kéo dài 5 phiên đến ngày 9/4, khiến mã này mất hơn 29% giá trị, xuống dưới 2.000 đồng/cổ phiếu, trước khi bật tăng trần vào ngày 10/4 khi thị trường hồi phục sau thông tin Mỹ tạm dừng áp thuế trong 90 ngày.
Tuy nhiên, cổ phiếu AGM tiếp tục chuỗi giảm sàn 5 phiên tiếp theo từ ngày 11 - 17/4, rồi bật trần trở lại trong phiên 18/4 tại mức 1.590 đồng/cổ phiếu, mất hơn 43% giá trị chỉ trong hơn nửa tháng.
So với 1 năm trước, thị giá AGM đã giảm 66% và bốc hơi tới 97% kể từ đỉnh lịch sử 62.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2022.