Bác sĩ cảnh báo yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử

Rung nhĩ – dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất không chỉ làm rối loạn nhịp tim mà còn kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: đột quỵ, suy tim, thậm chí đột tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngày 17/4, ThS.BS Trần Lê Uyên Phương, Phó Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim – Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo về bệnh rung nhĩ tại hội nghị khoa học thường niên do bệnh viện tổ chức. Báo cáo tập trung vào các phương pháp dự phòng đột quỵ và đột tử liên quan đến rối loạn nhịp tim.

Theo bác sĩ Uyên Phương, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, chiếm khoảng 1–1,5% trong dân số và có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến nhịp tim mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, sa sút trí tuệ, trầm cảm, giảm chất lượng cuộc sống và tăng số lần nhập viện. Đáng chú ý, rung nhĩ làm tăng nguy cơ tử vong từ 1,5 đến 3,5 lần.

“Rung nhĩ có thể xảy ra từng cơn hoặc kéo dài dai dẳng. Một số bệnh nhân cảm nhận rõ các triệu chứng như hồi hộp, tim đập nhanh không đều, ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, dẫn đến tình trạng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đặc biệt là việc dự phòng đột quỵ ở nhóm bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã xảy ra biến chứng đầu tiên là đột quỵ”, ThS.BS Trần Lê Uyên Phương chia sẻ.

Bác sĩ cảnh báo yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử- Ảnh 1.

Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân nguy cơ đột quỵ từ rung nhĩ. (Ảnh BSCC).

Một số bệnh nhân có sẵn đường dẫn truyền phụ bẩm sinh (còn gọi là hội chứng kích thích sớm), khi bệnh nhân xuất hiện thêm rung nhĩ làm dẫn truyền từ nhĩ đến thất rất nhanh và bệnh nhân có thể bị đột tử

Nguyên nhân đột tử phụ thuộc vào từng độ tuổi khác nhau. Nếu đột tử xuất hiện sau độ tuổi 40, nguyên nhân chủ yếu do bệnh liên quan đến động mạch vành và suy tim.

Song, nhờ tiến bộ gần đây trong quản lý rối loạn nhịp đã mở ra các giải pháp hiệu quả, giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đột tử do rối loạn nhịp tim. Máy phá rung (ICD) và triệt đốt điện sinh lý là 2 phương pháp quan trọng trong dự phòng và điều trị trường hợp này.

Bác sĩ cảnh báo yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử- Ảnh 2.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Lê Uyên Phương báo cáo về phương pháp điều trị rung nhĩ mới nhất

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Đấu thầu rất khó, tiền có mà cũng không tiêu đượcBệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật tim mạch cho Bệnh viện ở tỉnh Bình ThuậnBệnh viện Chợ Rẫy tiết lộ chi phí điều trị bệnh nhân mắc Covid-19

Theo bác sĩ Uyên Phương, máy ICD là thiết bị y tế khi được cấy vào cơ thể người bệnh có thể phát hiện ngay lập tức các rối loạn nhịp thất nguy hiểm đến tính mạng, và tiến hành điều trị ngay lập tức giúp cứu sống bệnh nhân.

Đây là thiết bị được sản xuất lại nước ngoài, thuộc danh mục bảo hiểm y tế giúp bác sĩ có thể phát hiện ngay lập tức các rối loạn nhịp thất nguy hiểm đến tính mạng, từ đó tiến hành điều trị kịp thời.

Một số yếu tố nguy cơ đột quỵ ở người mắc rung nhĩ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, trên 65 tuổi, bệnh mạch máu ngoại biên đi kèm hay tiền căn đột quỵ rung nhĩ. Các bệnh nhân mang càng nhiều yếu tố này thì nguy cơ đột quỵ càng cao.

Hiện, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đã có thể điều trị rung nhĩ bằng kỹ thuật mới, giúp rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Nguyễn Lành

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bac-si-canh-bao-yeu-to-tang-nguy-co-dot-quy-dot-tu-a167110.html