Đối diện với hình phạt tử hình
Cụ thể, ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng. Cầm đầu là Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (TP HCM), nhóm này đã sản xuất thuốc giả từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, rồi bán qua mạng xã hội với vỏ bọc là dược sĩ. Công an thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, nguyên liệu và thiết bị sản xuất, tổng số tiền thu lợi bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng . Các cơ sở sản xuất này tồn tại suốt 4 năm, nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành, hoạt động tinh vi, khép kín nhằm tránh bị phát hiện.

Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện hàng tấn thuốc tân dược giả.
Liên quan đến vụ án, trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm nhận định, theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
“Đây là hành vi xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Với số lượng thuốc giả gần 10 tấn , quy mô toàn quốc, hành vi này có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, nếu gây hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, thậm chí gây chết người”, Tiến sĩ Diễm nói.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm cho hay, căn cứ Điều 194 BLHS, mức hình phạt áp dụng từ 20 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình (khoản 4), nếu thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; Gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội. Và trong vụ án này, cơ quan điều tra bước đầu xác định, nhóm đối tượng đã thu lời bất chính khoảng 200 tỷ đồng, là dấu hiệu cấu thành tình tiết định khung tăng nặng.

Các đối tượng cùng tang vật vụ án.
Về vụ án này, Luật sư Bùi Phan Anh , Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: “Một tình tiết đáng chú ý là các đối tượng sử dụng vỏ bọc nhân viên dược để quảng cáo thuốc giả qua mạng xã hội, đánh vào tâm lý người tiêu dùng muốn mua thuốc giá rẻ. Điều này không chỉ thể hiện sự tinh vi, có tổ chức mà còn đặt ra trách nhiệm pháp lý cho cả các cá nhân, tổ chức vô tình ‘tiếp tay’ cho tiêu thụ thuốc giả”.
Một số tình huống pháp lý có thể xảy ra, người tiêu dùng bị thiệt hại về sức khỏe khi dùng thuốc giả: Có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cá nhân/nhà thuốc phân phối lại thuốc giả một cách vô ý thức, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Doanh nghiệp có liên quan gián tiếp, nếu thuê nhân công, địa điểm hoặc tham gia quy trình mà không biết rõ nguồn gốc hàng hoá, cần xem xét trách nhiệm hành chính hoặc thậm chí hình sự (nếu có yếu tố cấu thành).
Theo Luật sư Phan Anh, vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô toàn quốc không chỉ là minh chứng cho sự tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng phạm tội, mà còn là dấu hiệu cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về dược phẩm. Trước một vụ việc nghiêm trọng như vậy, các cơ quan có thẩm quyền không thể phủi bỏ trách nhiệm mà cần phải làm rõ và nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong quản lý và kiểm soát.
Trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc
Về trách nhiệm cơ quan quản lý, Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm nêu quan điểm, Bộ Y tế – với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về dược, phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc, cấp phép lưu hành thuốc; Kiểm soát chất lượng dược phẩm trên thị trường; Thực hiện công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, phân phối thuốc.
Trong đó, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế là những đơn vị chuyên trách cần được xem xét về trách nhiệm quản lý, giám sát chuyên ngành.

Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm.
"Việc để hàng loạt loại thuốc giả có hình thức đóng gói tương tự thuốc thật, lưu thông suốt nhiều năm, thông qua nhiều kênh phân phối mà không bị phát hiện, cho thấy công tác hậu kiểm hoặc không được tiến hành thường xuyên, hoặc thiếu hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu bị buông lỏng" - luật sư nêu quan điểm đánh giá.
Tiến sĩ Diễm cho rằng, bên cạnh Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng cần được xem xét trách nhiệm. Đây là lực lượng có vai trò giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường; Phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, việc để một khối lượng lớn thuốc giả len lỏi vào thị trường trong thời gian dài là dấu hiệu cho thấy quy trình kiểm tra định kỳ tại các nhà thuốc, kho thuốc và các kênh phân phối chưa được thực hiện hiệu quả hoặc bị đối tượng phạm tội qua mặt bằng thủ đoạn tinh vi.
Bên cạnh đó, các đối tượng trong vụ án đã lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để rao bán thuốc giả, đánh vào tâm lý ham rẻ, tin vào quảng cáo "thuốc công ty thừa ra" của người tiêu dùng. Do đó, cơ quan quản lý truyền thông, mạng xã hội cũng cần, tăng cường giám sát nội dung đăng tải trên các nền tảng số; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và ngành y tế để xử lý các hành vi rao bán hàng giả, thuốc giả trên môi trường mạng.
Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm đề xuất: “Cần khẩn trương rà soát, thiết lập cơ chế hậu kiểm hiệu quả giữa các cơ quan chức năng như Cục Quản lý Dược và Tổng cục Quản lý thị trường, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu, cảnh báo sớm về các loại thuốc có dấu hiệu bất thường, đồng thời siết chặt kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc trên nền tảng số”.