Nhựa Tân Đại Hưng hết thời "đen tối": Tân Chủ tịch Phạm Trung Cang khẳng định nguy cơ phá sản như năm 2023 đã không còn

Công ty chỉ vừa có lợi nhuận hơn 11 tỷ trở lại trong năm 2024, giai đoạn 2022-2023 TPC lỗ nặng.

CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (mã chứng khoán TPC) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua kế hoạch doanh thu 428 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 11 tỷ đồng, tương đương năm 2024.

Được biết, Công ty chỉ vừa có lợi nhuận hơn 11 tỷ trở lại trong năm 2024, giai đoạn 2022-2023 TPC lỗ nặng, khiến tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị "ngốn sạch", và đang còn lỗ luỹ kế hơn 3 tỷ.

Dù vậy, tại Đại hội năm nay, tân Chủ tịch là ông Phạm Trung Cang khẳng định giai đoạn thử thách nhất đối với doanh nghiệp bao bì nhựa đã qua.

Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 1-2%

Lãnh đạo TPC cho biết doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng doanh thu. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là vải địa kỹ thuật dùng trong xây dựng, mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao.

Dù vậy, hiện một số đơn hàng tại Mỹ đã tạm hoãn nhưng dù TPC có thể điều chỉnh giá bán và duy trì thị trường.

Công ty cũng đang đàm phán với một khách hàng lớn từ châu Âu chuyên cung cấp giải pháp chống lũ, sử dụng sản phẩm của Tân Đại Hưng để chế tạo đêm mềm. Ông Cang cho biết đây là một sản phẩm đặc thù và ít có đối thủ cạnh tranh.

Nhựa Tân Đại Hưng hết thời "đen tối": Tân Chủ tịch Phạm Trung Cang khẳng định nguy cơ phá sản như năm 2023 đã không còn- Ảnh 1.

“Nguy cơ gần như phá sản như năm 2023 đã không còn nữa

Nói về tình hình kinh doanh hiện nay, tân Chủ tịch cho biết thời kỳ khó khăn nhất của TPC đến từ áp lực cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo ông, những đơn vị này không chỉ gây sức ép ở thị trường trong nước mà còn cạnh tranh gay gắt tại các thị trường xuất khẩu, khiến sản phẩm của Tân Đại Hưng liên tục bị ép giá, biên lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam bị co hẹp nghiêm trọng.

Trong khi TPC chỉ có thể duy trì mức lãi khoảng 1-2% doanh thu, thì đối thủ có thể bán thấp hơn cả giá vốn.

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở thị trường Philippines, đây cũng là một thị trường ổn định của TPC hơn 1 thập kỷ.

Theo ông Cang, chính sự cạnh tranh “hủy diệt” này là một trong những nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2023. Sau đại dịch COVID-19, TPC vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc làm cho người lao động, dù phải “đu theo” mức giá thấp từ phía đối thủ, nhưng cuối cùng không thể cầm cự nổi.

Bên cạnh đó, biến động giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là hạt nhựa PP, cũng khiến Công ty gặp khó. Việc dự trữ tồn kho với giá cao trong khi không thể điều chỉnh giá bán khiến TPC rơi vào thế bất lợi. Đây là bài học cho TPC thời gian tới, chỉ nên duy trì mức dự trữ nguyên liệu từ 1-2 tháng để giảm thiểu rủi ro giá cả trong năm nay.

"Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói giai đoạn khó khăn nhất của Công ty về cơ bản đã được kiểm soát. Nguy cơ gần như phá sản như hồi năm 2023 đã không còn nữa", ông Cang nói.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/nhua-tan-dai-hung-het-thoi-den-toi-tan-chu-tich-pham-trung-cang-khang-dinh-nguy-co-pha-san-nhu-nam-2023-da-khong-con-a166745.html